Tăng hiệu quả quản lý, kinh doanh
Thời gian qua, nhiều ĐVTN đã ứng dụng công nghệ trong quản lý, quản trị hoạt động sản xuất, kinh doanh; bán hàng trên sàn thương mại điện tử… mang lại hiệu quả. Điển hình như mô hình cho thuê sân bóng cỏ nhân tạo của gia đình chị Nguyễn Thị Yến (SN 1996) ở thị trấn Nham Biền (Yên Dũng). Mô hình hoạt động từ năm 2017 đáp ứng nhu cầu có địa điểm chơi bóng đá của nhiều người dân trên địa bàn. Với lượng khách hàng ổn định, năm 2022, chị Yến đã ứng dụng phần mềm đặt chỗ tự động vào mô hình.
Theo đó, chỉ cần truy cập trang web, ở bất kỳ đâu, khách hàng cũng dễ dàng đăng ký lịch hẹn đặt sân. Đồng thời, phần mềm cũng hiển thị toàn bộ lịch hẹn trong tháng, nhu cầu tìm đội giao lưu và các giải đấu do Ban quản lý sân bóng tổ chức. Trung bình mỗi tuần, sân bóng của chị Yến diễn ra từ 30 – 35 trận. Chị Yến cho biết: “Trước đây, việc quản lý sân bóng thường được thực hiện thông qua ghi chép thủ công hoặc sử dụng các phương pháp liên lạc truyền thống nên gặp nhiều khó khăn, sai sót, có những lúc chồng chéo lịch đội nọ với đội kia. Nhờ sử dụng phần mềm quản lý sân bóng nên tiện lợi hơn rất nhiều”. Được biết, ngoài cho thuê sân bóng, chị Yến còn kinh doanh lĩnh vực cung ứng vật liệu xây dựng, cho thuê mặt bằng… Để vận hành nhiều mảng kinh doanh cùng lúc, chị sử dụng các phần mềm quản lý số.
Ngoài chị Yến, trên địa bàn tỉnh còn nhiều thanh niên nông thôn mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) vào mô hình khởi nghiệp của bản thân. Tiêu biểu như anh Hoàng Xuân Mau (SN 1994), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Cao Lan với sản phẩm thịt gác bếp và các đặc sản địa phương. Trung bình, trong mỗi phiên livestream bán hàng trên Tiktok kéo dài khoảng 4 tiếng, anh Mau bán được từ 6-8 triệu tiền hàng. Nhờ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, doanh số bán hàng ổn định, tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương, thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Thành công với mô hình tương Liên Chung, anh Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH LC Food cho biết, từ mô hình sản xuất tương truyền thống, anh đã mạnh dạn vay vốn mua dây chuyền sản xuất, đóng nắp hiện đại. Đồng thời, in mã QR lên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng có thể dễ dàng quét mã để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, mỗi ngày, Công ty của anh xuất bán ra thị trường khoảng 200 lít tương thành phẩm.
Đa dạng giải pháp hỗ trợ
Hiện nay, phong trào khởi nghiệp của thanh niên diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh. Từ những vùng quê, nhiều thanh niên nông thôn đã mạnh dạn khởi nghiệp, làm giàu. Nhằm hỗ trợ thanh niên nông thôn lập nghiệp, phát triển kinh tế, thời gian qua, Tỉnh đoàn tổ chức nhiều hoạt động khởi nghiệp, nâng cao năng lực số như: Tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở lớp khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp; tổ chức các hội thi ứng dụng CĐS trong kinh doanh, sản xuất, xây dựng nông thôn mới…
Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 400 hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi; trong đó, số mô hình của thanh niên nông thôn chiếm phần lớn. Nhằm phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ trong lao động sản xuất, có cơ hội để mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm những mô hình kinh tế mới, năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ Thanh niên Bắc Giang khởi nghiệp. Đến nay, tổng dư nợ Chương trình cấp tỉnh là gần 17 tỷ đồng. Toàn tỉnh giải ngân cho 164 dự án vay vốn, trong đó số dự án trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 97 dự án (chiếm 59,2%).
Bên cạnh đó, để hỗ trợ thanh niên ứng dụng CĐS, khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, nghị quyết hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, điển hình là Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên; phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ đoàn trong CĐS, giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực số, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại của thanh niên là chủ các mô hình kinh tế nông nghiệp, doanh nghiệp ngành truyền thống, doanh nghiệp sản xuất. Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm. Kết nối thương mại điện tử, quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số.
Theo anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, thời đại công nghệ mở ra nhiều cơ hội để thanh niên thay đổi tư duy, đổi mới. Từ thực tế cho thấy nhiều thanh niên nông thôn đang làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, từ những nghề truyền thống của địa phương. CĐS là cơ hội song cũng là thách thức. Do đó, trong quá trình lập nghiệp của ĐVTN, tổ chức đoàn sẽ luôn đồng hành, làm cầu nối hỗ trợ về vốn, nâng cao kiến thức, chuyển giao công nghệ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục thực tuyên truyền, hướng dẫn tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, mạng internet; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn; tập trung phát triển chuỗi liên kết các mô hình thanh niên khởi nghiệp, hình thành đội ngũ chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển mô hình xã thương mại điện tử.
Nguồn: https://mic.gov.vn/bac-giang-khoi-nghiep-tren-nen-tang-so-197240821093149547.htm