BẮC GIANG – Xây dựng đề án vị trí việc làm (VTVL) là cơ sở nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đang tập trung thực hiện, phấn đấu hoàn thành đúng hạn.
Công khai, minh bạch
Xác định xây dựng, quản lý VTVL tại các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải thực hiện và hoàn thành đúng kế hoạch nên Sở Nội vụ sớm triển khai các nội dung liên quan tới các cơ quan, địa phương trong tỉnh. Căn cứ hướng dẫn của T.Ư, Sở Nội vụ đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về xây dựng Đề án; tổ chức các đoàn đến trực tiếp cơ quan, đơn vị, địa phương để xem xét, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
Công dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa TP Bắc Giang. Ảnh: DANH LAM. |
Ông Nguyễn Quang Đông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Xây dựng Đề án VTVL để xác định số người làm việc; cơ cấu chức danh; cơ cấu ngạch công chức và hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Từ xác định rõ vị trí đó sẽ làm cơ sở để trả lương theo vị trí. Quá trình xây dựng Đề án cần bám sát danh mục, hướng dẫn của bộ, ngành và Sở Nội vụ”. Đối với Đề án VTVL, cơ cấu ngạch công chức của cơ quan phải bảo đảm số lượng biên chế tối thiểu trong một phòng là 5 biên chế công chức, một chi cục là 12 biên chế công chức.
Đối với Đề án VTVL, cơ cấu ngạch công chức của cơ quan phải bảo đảm số lượng biên chế tối thiểu trong một phòng là 5 biên chế công chức, một chi cục là 12 biên chế công chức. Đề án phải bảo đảm lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2026 (ghi rõ vị trí việc làm dự kiến tinh giản). |
Đề án phải bảo đảm lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2026 (ghi rõ VTVL dự kiến tinh giản). Đối với Đề án VTVL và cơ cấu ngạch công chức, tỷ lệ ngạch chuyên viên chính (CVC) hoặc tương đương (không bao gồm vị trí lãnh đạo, quản lý) bảo đảm không quá 40%. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng Đề án VTVL; phải bảo đảm công khai, minh bạch.
Đợt xây dựng Đề án VTVL này, tỉnh Bắc Giang có nhiều thuận lợi. Bởi từ năm 2019, tỉnh đã triển khai Đề án VTVL cho CBCCVC trong toàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt 31/31 Đề án VTVL, cơ cấu ngạch công chức của Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh và các huyện, TP; phê duyệt 100% danh mục VTVL và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.
Đề án đã giúp cho việc bố trí, sắp xếp CBCCVC thuận lợi, là một trong các căn cứ đánh giá xếp loại CBCCVC và tuyển chọn lãnh đạo quản lý chặt chẽ hơn, vai trò trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên. Từ khung Đề án những năm trước, các sở, đơn vị, địa phương sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp. Tỉnh Bắc Giang phấn đấu hoàn thành phê duyệt Đề án VTVL xong trước ngày 31/3/2024.
Sở Tài chính là đơn vị sớm triển khai xây dựng Đề án VTVL và được đánh giá khá bài bản. Ông Phan Xuân Văn, Chánh Văn phòng Sở cho biết: “Sở đã xây dựng dự thảo Đề án VTVL và cơ cấu ngạch công chức giai đoạn 2024 – 2026. Quá trình xây dựng bám sát chức năng, nhiệm vụ của Sở để xác định VTVL, số lượng người làm; gắn với kế hoạch tinh giản biên chế của tỉnh.
Sau khi hoàn thành dự thảo, tổ chức xin ý kiến các trưởng phòng và toàn thể cán bộ, công chức cơ quan. Trên cơ sở đó tổng hợp, điều chỉnh dự thảo, báo cáo ban giám đốc xem xét, cho ý kiến và chuyển Sở Nội vụ theo quy định”. Được biết, tại dự thảo của Sở Tài chính, mỗi VTVL đều rõ số lượng người làm; mô tả cụ thể nhiệm vụ, công việc; trình độ đào tạo; trình độ lý luận chính trị; tin học, ngoại ngữ; cấp độ năng lực và ngạch công chức.
Tương tự, đến thời điểm này, huyện Tân Yên đã hoàn thành Đề án VTVL chuyển Sở Nội vụ. Theo ông Trịnh Minh Nam, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tân Yên, các nội dung liên quan đến Đề án được thực hiện chặt chẽ, công khai và gắn với kế hoạch tinh giản biên chế. Quá trình triển khai bảo đảm tuân thủ quy định về cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế làm căn cứ xây dựng khung Đề án.
Bảo đảm chất lượng, thời gian thực hiện
Xây dựng Đề án VTVL góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ. Đây cũng là cơ sở để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Bởi vậy việc xây dựng Đề án VTVL là vấn đề khó, nhạy cảm và phức tạp, liên quan trực tiếp đến con người, việc làm của CBCCVC nên các sở, đơn vị, địa phương phải nâng cao trách nhiệm thực hiện.
Cán bộ một cửa huyện Hiệp Hòa hướng dẫn công dân tra cứu thủ tục hành chính. |
Quá trình triển khai, tại Bắc Giang cũng xuất hiện một số khó khăn. Dù các bộ, ngành T.Ư đã ban hành hướng dẫn song một số công việc, nhiệm vụ không cụ thể nên khó mô tả trong Đề án. Mặt khác, theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ, việc thành lập phòng thuộc sở, cơ quan phải bảo đảm tối thiểu 5 biên chế công chức, riêng thanh tra sở không quy định số biên chế công chức tối thiểu.
Tuy nhiên, ngày 11/1/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành quy định bộ phận này phải đáp ứng các tiêu chí như thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở (tối thiểu 5 biên chế công chức).
Qua rà soát, toàn tỉnh có 10 sở, cơ quan có bộ phận thanh tra song thiếu số lượng công chức theo quy định. Trước khó khăn này, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, cơ quan có thay đổi về cơ cấu, tổ chức, bộ máy sẽ triển khai xây dựng đề án VTVL đồng thời với đề án sắp xếp, tổ chức bộ máy; bảo đảm số người làm việc tối thiểu tại phòng, bộ phận theo quy định. Hiện nay, các sở đã điều chỉnh biên chế nội bộ giữa các phòng hoặc tổ chức lại bộ phận thanh tra, tuân thủ số lượng biên chế tối thiểu.
Theo thống kê, đến trưa 28/2, Sở Nội vụ nhận được văn bản đề nghị thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án VTVL của 23/35 cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua rà soát, một số cơ quan đã gửi đề án VTVL nhưng chưa bảo đảm về số lượng biên chế trong một phòng, chi cục; chưa xác định vị trí phải tinh giản biên chế đến năm 2026; tỷ lệ ngạch CVC hoặc tương đương ở những vị trí không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vượt quá 40% theo quy định…
Để bảo đảm thời gian thẩm định, phê duyệt, Sở Nội vụ đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo để Đề án VTVL được phê duyệt bảo đảm chất lượng và thời gian theo quy định. Sau ngày 2/3, các cơ quan, đơn vị chưa gửi Đề án VTVL về Sở Nội vụ, Sở sẽ tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh phê bình, trừ điểm thi đua, trừ điểm người đứng đầu.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên – Tường Vi
Nỗ lực bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động
BẮC GIANG – Những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự và thời gian làm việc khiến không ít lao động mất việc hoặc thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Chia sẻ khó khăn với người lao động (NLĐ), các cấp chính quyền, ngành chức năng đã và đang tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ.
Kết nối, hỗ trợ tìm việc làm cho lao động nông thôn
BẮC GIANG – Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành chức năng, tổ chức chính trị – xã hội, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã chung tay hỗ trợ giải quyết việc làm cho hội viên, đoàn viên góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, công chức, hạng chức, danh nghề nghiệp viên chức, Khẩn trương, hoàn thành, Đề án vị trí việc làm, tạo tiền đề, cải cách tiền lương