BẮC GIANG – Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục Bắc Giang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng trường học thông minh.
Ứng dụng nền tảng số vào giảng dạy
Thời gian qua, ngành Giáo dục Bắc Giang đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp học khang trang, hiện đại. Trong đó chú trọng triển khai các nền tảng số, học liệu dùng chung đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Từ nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh, nhiều cơ sở giáo dục được trang bị hệ thống phòng học với các trang thiết bị hiện đại, mạng Internet phủ sóng miễn phí.
Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy tại Trường Tiểu học thị trấn Vôi số 1 (Lạng Giang). |
Hoạt động quản lý, điều hành, giảng dạy linh hoạt dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai thí điểm xây dựng trường học thông minh tại các trường: THCS Việt Tiến (thị xã Việt Yên), THCS Tam Hiệp (Yên Thế) và THPT Lục Nam. Từ khi triển khai đến nay, cán bộ, giáo viên tích cực nghiên cứu và sử dụng các ứng dụng dạy học trực tuyến, thiết bị thông minh trong lớp học nhằm nâng cao hiệu quả bài giảng.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Nhận thấy hiệu quả thiết thực từ các mô hình điểm, đến nay, các cơ sở giáo dục toàn tỉnh từng bước mua sắm trang thiết bị, đẩy mạnh triển khai xây dựng trường học thông minh. Các huyện, thị xã, TP đều chú trọng dành nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng hiện đại, tạo điều kiện cho ngành giáo dục triển khai thuận lợi”.
Là một trong hai ngôi trường trọng điểm chất lượng cao của TP Bắc Giang vừa được đầu tư xây mới nên toàn bộ 26 phòng học của Trường THCS Tân Tiến đều đạt chuẩn phòng học thông minh. Từ nguồn ngân sách của TP Bắc Giang, nhà trường được đầu tư 4,8 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị. Tháng 12/2023, trường trang bị thêm 20 chiếc bảng thông minh tích hợp nhiều chức năng như máy tính kết nối Internet. Các phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện có đầy đủ thiết bị hiện đại liên thông dữ liệu như: Bảng từ, hệ thống âm thanh không dây, máy tính, camera.
Cô giáo Phạm Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các giờ học tại trường đều sử dụng công nghệ và khai thác tối đa tính năng của phòng học thông minh. Bài giảng được minh họa bằng trực quan sinh động trên các phần mềm học liệu làm cho bài học hấp dẫn hơn, giúp các em tiếp thu hiệu quả. Nhà trường yêu cầu giáo viên giảng dạy, quản lý học sinh trên nền tảng ứng dụng quản lý giáo dục”.
Toàn bộ quy trình làm việc của cán bộ, giáo viên như soạn giáo án, xây dựng kế hoạch môn học, lên lịch báo giảng, đánh giá học sinh đều được thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử. Tại cổng ra vào, nhà trường bố trí 2 máy nhận diện, điểm danh cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện thời gian làm việc, học tập theo quy định, đăng ký ăn bán trú, tính toán tiền học nhằm giảm công sức trong quản lý, điều hành công việc.
Nhờ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học, gần đây, học sinh từ bậc mầm non ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh được làm quen với tiếng Anh, Tin học. Các cơ sở giáo dục tích cực tham gia cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử”, “Xây dựng clip phục vụ hoạt động giáo dục địa phương” trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Điển hình như Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) tổ chức cuộc thi nghe, nói giỏi tiếng Anh qua ứng dụng trực tuyến yêu cầu thí sinh thuyết trình, phản biện về các chủ đề, chủ điểm theo bài học được Sở GD&ĐT đánh giá là đơn vị tiêu biểu trong việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, xây dựng trường học thông minh.
Đầu tư trang thiết bị hiện đại
Không chỉ chú trọng xây dựng trường học thông minh tại khu vực thành thị, trong giai đoạn 2019-2025, UBND tỉnh bố trí hơn 3 nghìn tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất và hơn 496 tỷ đồng mua sắm thiết bị, đồ dùng giảng dạy phục vụ trường học vùng khó khăn. Đây là nguồn lực tạo tiền đề để xây dựng phòng học thông minh, tiến tới trường học thông minh. Từ nguồn kinh phí này, một số trường như: Tiểu học Tây Yên Tử, Tiểu học và THCS Hữu Sản (Sơn Động) đã trang bị đồ dùng dạy học để xây dựng phòng học thông minh đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Giáo viên ứng dụng khoa học công nghệ vào bài giảng tại Trường Tiểu học Xuân Lương (Yên Thế). |
Toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 nghìn phòng học trực tuyến đáp ứng yêu cầu học tập, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên, học sinh. Nhờ đó, ngành Giáo dục Bắc Giang thường xuyên khảo sát năng lực tiếng Anh cho học sinh lớp 9, lớp 12 trên nền tảng onluyen.vn để kịp thời điều chỉnh kế hoạch giảng dạy và học tập phù hợp, đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi cho học sinh cuối cấp.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1,2 nghìn phòng học trực tuyến đáp ứng yêu cầu học tập, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên, học sinh. |
Ngành Giáo dục đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập hiện đại. Đáp ứng yêu cầu trường học thông minh, tháng 12/2023, Trường THCS thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) đưa vào sử dụng hệ thống 25 phòng học, 13 phòng chức năng, 14 phòng hiệu bộ hiện đại với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng, trong đó 25 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công của huyện, còn lại là nguồn xã hội hóa.
Mới đây, Quỹ Hy vọng (do Bộ Nội vụ cấp phép thành lập, Báo VnExpress và Tập đoàn FPT quản lý) trao tặng thư viện điện tử cho 2 trường: Tiểu học Xuân Lương (Yên Thế) và Tiểu học Khám Lạng (Lục Nam). Mỗi thư viện điện tử gồm: 15 máy tính bảng, tai nghe và các tài khoản học trực tuyến các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Trong máy tính bảng được cài đặt ứng dụng Vuihoc.vn dành cho học sinh lớp 2 đến lớp 5 với nhiều học liệu phong phú, giúp giáo viên và học sinh tương tác hai chiều. Nội dung bài học được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tạo động lực học tập và rèn kỹ năng tự học cho các em.
Xác định đội ngũ cán bộ đóng vai trò quan trọng trong lộ trình xây dựng trường học thông minh, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của T.Ư, tỉnh, ngành về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Giải pháp trước mắt là các trường sử dụng tối đa nền tảng trực tuyến hướng dẫn học sinh tự học, tăng cường nguồn học liệu số hỗ trợ giáo viên, học sinh triển khai các hoạt động dạy và học.
Phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên khai thác nguồn học liệu, xây dựng ngân hàng bài tập, sử dụng các phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo dạy học dùng chung trong đơn vị, tiến tới dùng chung trong toàn huyện, thị xã, TP và toàn tỉnh. Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo rà soát các phòng tin học, máy tính, mạng Internet; đẩy mạnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tập trung mọi nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, xây dựng trường học thông minh, tạo đà nâng chất lượng giáo dục.
Bài, ảnh: Minh Thu
Lạng Giang: Xây dựng trường học khang trang, nâng chất lượng giáo dục
BẮC GIANG – Nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, huyện Lạng Giang bố trí nguồn ngân sách lớn để đầu tư cho hạ tầng giáo dục, xây dựng trường, lớp học theo hướng chuẩn quốc gia, hiện đại, phù hợp với quy hoạch chung. Ở nhiều xã, thị trấn, mạng lưới trường học, cơ sở giáo dục được bố trí ở những khu vực trung tâm, không gian đẹp.
Lục Nam: Tập trung các nguồn lực xây dựng trường học
BẮC GIANG – Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm gần đây, huyện Lục Nam đã tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học. Nhờ vậy, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở các bậc mầm non, tiểu học, THCS của huyện hiện đạt 94,1%.
Triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”
BẮC GIANG – Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” năm học 2023-2024 nhằm nhân rộng những mô hình trường học tiêu biểu, điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo trong các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.
tin tức bắc giang, bắc giang, Khai thác, hiệu quả, mô hình, trường học, thông minh, công nghệ thông tin, trường học thông minh.