BẮC GIANG – Sản phẩm sau khi được chứng nhận nhãn hiệu tập thể có nhiều lợi thế. Để phát huy những thế mạnh, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, vai trò, trách nhiệm chính thuộc về các chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể và người sản xuất ra những sản phẩm đó.
Giữ thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu chung của tập thể. Các thành viên của tập thể đó được sử dụng và quảng bá cho sản phẩm của mình. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 85 sản phẩm được đăng ký bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu tập thể. Trong đó, huyện Lục Ngạn nhiều nhất với 23 sản phẩm đều do Hội Nông dân (HND) huyện và các hợp tác xã (HTX) là chủ sở hữu.
Sản xuất trà túi lọc từ búp ổi tại HTX Nông nghiệp Quyên Phong. |
Ông Nguyễn Đức Quân, Chủ tịch HND huyện Lục Ngạn cho biết, HND huyện là chủ sở hữu các sản phẩm như bưởi, táo, ổi, nhãn, dê, trâu, bò, ngựa, gà Lục Ngạn. Hội viên, nông dân có nhu cầu và đáp ứng các tiêu chí theo quy định được sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của mình và phải có trách nhiệm giữ gìn, khai thác, phát triển sản phẩm.
Tìm hiểu ở HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (Lục Ngạn) được biết, HTX sử dụng nhãn hiệu tập thể táo Phì Điền do HND huyện làm chủ sở hữu từ năm 2022. Khi sản phẩm được “biết mặt, đặt tên”, việc tiêu thụ thuận lợi, thị trường mở rộng thêm ở khu vực miền Nam. Nhờ nông dân đầu tư, chăm chút, trái táo được “thăng hạng” qua các năm. Cụ thể năm 2022, sản phẩm táo Phì Điền được chứng nhận OCOP 3 sao và năm 2023 được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Toàn tỉnh có 85 sản phẩm được đăng ký bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu tập thể. Một số địa phương có nhiều sản phẩm như huyện Lục Ngạn (23 sản phẩm), Lục Nam (13 sản phẩm), TP Bắc Giang (10 sản phẩm), Tân Yên (9 sản phẩm)… |
Anh Phan Văn Nết, Giám đốc HTX nói: “HTX có hơn 30 ha trồng táo, trong đó có 20,8 ha đạt chứng nhận VietGAP. Hiện chúng tôi đã lựa chọn 2 ha để cải tạo lại đất và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác tiến tới trồng táo theo hướng hữu cơ.
Ngoài ra, HTX đang thử nghiệm sấy táo bằng máy sấy lạnh phục vụ chế biến sâu, nâng giá trị sản phẩm. Đây là hướng đi tạo ra sự khác biệt so với các đơn vị trồng táo khác trên địa bàn”. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cùng với HND tỉnh đã hỗ trợ HTX kinh phí in ấn bao bì, nhãn mác với tổng số tiền hơn 130 triệu đồng.
Huyện Tân Yên có 9 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể (vải sớm Phúc Hòa, lạc giống Tân Yên, hành tía Tân Yên, vú sữa Hợp Đức, ổi lê Tân Yên, mỳ gạo Châu Sơn, nem nướng Liên Chung…). Các sản phẩm của địa phương sau khi được đăng ký nhãn hiệu tập thể đều được các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ ổn định, tăng giá trị. Như ở HTX Nem nướng Liên Chung, các thành viên HTX đều tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất (từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra), sử dụng nhãn hiệu, bao bì, tem nhãn đúng quy định; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để nâng chất lượng, từ năm 2022 đến nay, đơn vị liên kết với HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa) cung ứng nguyên liệu đầu vào là thịt lợn được nuôi theo hướng hữu cơ, quy trình giết mổ bảo đảm vệ sinh. Chất lượng đồng đều, thơm ngon nên việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Năm 2023, HTX có thêm bạn hàng ở tỉnh Hải Phòng, Thanh Hóa; doanh thu hơn 500 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 50%.
“Chất xúc tác” từ các cấp, ngành
Các sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể muốn phát huy hết thế mạnh, về lâu dài không thể thiếu sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Hằng năm, UBND các huyện, TP, ngành liên quan đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ thể về lợi ích, giá trị của việc sử dụng nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm của địa phương; quản lý việc sử dụng nhãn hiệu; phát hiện kịp thời, có văn bản nhắc nhở, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ kinh phí in ấn bao bì, mở rộng vùng nguyên liệu; hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu.
Năm 2023, toàn tỉnh có 6 sản phẩm đã hoàn thiện hồ sơ, đang chờ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tương Liên Chung (Tân Yên) và khau nhục Yên Định (Sơn Động).
Với vai trò, trách nhiệm của mình, Sở Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ cơ sở nhằm xây dựng, phát huy giá trị của sản phẩm sau chứng nhận. Đơn cử như năm 2023, Sở phê duyệt đề tài khoa học “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất và chế biến thử nghiệm trà ổi túi lọc từ búp ổi tại HTX Nông nghiệp Quyên Phong” do Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên thực hiện.
Kết quả của đề tài là xây dựng được mô hình ứng dụng sản phẩm công nghệ sinh học trong sản xuất ổi và nguyên liệu búp ổi với quy mô 10 ha tại thị trấn Cao Thượng, xã Phúc Hòa (cùng huyện). Mới đây, sản phẩm trà ổi túi lọc OCOP huyện Tân Yên đạt chứng nhận 3 sao. HTX đã cung ứng ra thị trường hơn 7 nghìn hộp trà. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục mở rộng vùng sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, đẩy mạnh chế biến sâu.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khuyến cáo, để nâng giá trị từ nhãn hiệu tập thể, người sản xuất cần đẩy mạnh liên kết để phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm; quan tâm ứng dụng khoa học, công nghệ để tăng năng suất, chất lượng; tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành để quảng bá nhãn hiệu.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Khai thác hiệu quả nhãn hiệu hàng hóa
(BGĐT) – Để “chắp cánh” cho sản phẩm hàng hóa vươn xa, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, việc đầu tư duy trì, phát triển nhãn hiệu còn hạn chế, dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa dần mai một.
tin tức bắc giang, bắc giang, Khai thác hiệu quả, nhãn hiệu tập thể, công nghệ sinh học, Hội Nông dân, Khuyến công và Xúc tiến thương mại