Ngày 30/12/2024, tại Nhà văn hóa Tổ dân phố Hoàng Sơn, thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tại địa điểm chùa Hoành Mô (thuộc Tổ dân phố Hoành Sơn). Cuộc khai quật được thực hiện trong 45 ngày, theo Quyết định số 3380/QĐ-BVHTTDL ngày 11/11/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các đại biểu tham quan khu vực khai quật tại địa điểm chùa Hoành Mô
Tham dự có ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; TS Nguyễn Gia Đối, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học; TS Lê Đình Phụng, nguyên Trưởng phòng Khảo cổ học Lịch sử, Viện Khảo cổ học; TS Phạm Văn Triệu, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Khảo cổ học, Viện Khảo cổ học. Về phía địa phương có các ông: Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang; cùng đại diện các cơ quan, đơn vị của tỉnh, huyện Lạng Giang, thị trấn Vôi và cộng đồng Nhân dân địa phương nơi có di tích.
Sân nền gạch hoa chanh, gạch vuông thời Trần phát hiện trong khu vực khai quật khảo cổ địa điểm chùa Hoành Mô
Kết quả khai quật đã xác định được ba lớp văn hóa thuộc các thời kỳ Trần, Lê Trung hưng và Nguyễn. Hai lớp kiến trúc đã được phát hiện: lớp kiến trúc thời Trần với bình đồ độc đáo gồm hai kiến trúc song song theo trục Bắc – Nam và lớp kiến trúc thời Nguyễn. Đây là một công trình kiến trúc có quy mô lớn, thể hiện vai trò quan trọng di tích trong lịch sử.
Phát hiện nổi bật tại khu vực khai quật là sân nền lát gạch hoa chanh thời Trần, với tình trạng bảo quản rất tốt. Đây là lần đầu tiên tại Bắc Giang phát hiện sân nền lát gạch hoa chanh nguyên vị trí, có quy mô lớn, giúp tái hiện không gian kiến trúc cổ thời Trần. Gạch hoa chanh này được xác định tương đồng với các di tích quan trọng như Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), đàn Nam Giao (Thanh Hóa) và các di tích thời Trần khác.
Các hiện vật thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn tại địa điểm chùa Hoành Mô
Về niên đại, di tích được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XIV (thời Trần), tiếp tục tồn tại và được tu bổ qua các thời kỳ Lê sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn, trước khi trở thành phế tích vào đầu thế kỷ XX.
Phát hiện tại địa điểm chùa Hoành Mô, cùng với các di tích chùa thời Trần như chùa Mã Yên, chùa Hồ Bấc (Lục Nam), chùa Nghĩa Trung (Việt Yên), đã khẳng định Bắc Giang là một trung tâm Phật giáo quan trọng dưới thời Trần. Các phát hiện không chỉ giúp hiểu rõ hơn về quy mô, kiến trúc, mà còn góp phần nghiên cứu về các ngôi chùa của Phát giáo Trúc Lâm thời Trần thuộc vùng Tây Yên Tử -Bắc Giang, vai trò của Phật giáo trong lịch sử dân tộc.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng khai quật để nghiên cứu đầy đủ hơn về quy mô và giá trị của di tích chùa Hoành Mô. Đồng thời, cần có kế hoạch bảo tồn các phát hiện khảo cổ, đặc biệt là sân gạch hoa chanh – một giá trị độc đáo của kiến trúc thời Trần, phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống và phát triển du lịch.
Toàn cảnh hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tại địa điểm chùa Hoành Mô
Kết quả khai quật tại địa điểm chùa Hoành Mô là minh chứng cho sự phong phú và đa dạng của di sản văn hóa Bắc Giang, khẳng định tiềm năng to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần nâng cao vị thế của địa phương trên bản đồ di sản văn hóa cả nước.
Thanh Huyền
Nguồn: https://svhttdl.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/xqtf4Gcdcef5/content/khai-quat-khao-co-phat-lo-san-nen-lat-gach-hoa-chanh-thoi-tran-con-kha-nguyen-ven-tai-ia-iem-chua-hoanh-mo-bac-giang-