BẮC GIẠNG – Việc thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, TP (DDCI) hằng năm được coi là giải pháp quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Xác định rõ ý nghĩa đó nên từ đầu năm đến nay, các sở, ngành, huyện, TP đã và đang tập trung cao để nâng điểm chỉ số này, nhất là các nội dung đạt thấp.
Xác định rõ “điểm nghẽn”
Bộ chỉ số DDCI cấp huyện, TP được xác định trên 9 chỉ số thành phần, gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; khả năng tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp (DN); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của chính quyền huyện, TP; vai trò người đứng đầu UBND huyện, TP.
Cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải quyết TTHC cho người dân, DN. |
Bộ chỉ số của các sở, ngành có 8 chỉ số tương tự (không có chỉ số khả năng tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh). Trên cơ sở này, hằng năm, UBND tỉnh đều tổ chức công bố xếp hạng chỉ số DDCI của 10 huyện, TP và 14 sở, ban, ngành nhằm đánh giá chất lượng điều hành của các đơn vị. Tổng điểm số của từng huyện, TP và sở, ban, ngành được tổng hợp trên cơ sở cộng đồng DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh chấm thông qua phiếu khảo sát, đánh giá kết quả giải quyết công việc, thủ tục hành chính (TTHC).
Được biết, năm ngoái, qua đánh giá, xếp hạng ở cấp huyện có một số địa phương có tổng điểm đạt thấp. Huyện Sơn Động xếp cuối bảng với 40,32 điểm, đứng thứ 9 là Yên Dũng 48,01 điểm. Hai huyện này đều có 6/9 chỉ số thành phần đạt dưới 5 điểm. Đáng lo ngại, liên quan đến chỉ số tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh – một chỉ số quan trọng, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế song huyện Sơn Động chỉ đạt 1,05 điểm, giảm hơn 3 điểm so với năm trước. Tương tự, ở các huyện: Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lục Ngạn, chỉ số này đều đạt dưới trung bình. Các chỉ số hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; vai trò người đứng đầu của huyện Sơn Động và Yên Dũng cũng chỉ đạt dưới 5 điểm.
Trong số 14 sở, ngành, Sở Y tế có tổng số điểm đạt thấp nhất với 38,7 điểm. Đứng thứ 13 là Cục Thuế 38,93 điểm; thứ 12 là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 45,31 điểm. So với năm trước, năm nay, các đơn vị này có nhiều chỉ số thành phần giảm điểm. Trong 8 chỉ số thành phần, Sở Y tế có 6 chỉ số đạt 2,05- 4,38 điểm như: Hỗ trợ DN; tính năng động, sáng tạo; vai trò người đứng đầu; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; thiết chế pháp lý.
Cục Thuế tỉnh có 6 chỉ số thành phần đạt dưới 5 điểm: Chi phí không chính thức; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; cạnh tranh bình đẳng; thiết chế pháp lý; tính năng động, sáng tạo; vai trò người đứng đầu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 5 chỉ số đạt dưới điểm trung bình: Hỗ trợ DN; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động, sáng tạo; vai trò người đứng đầu.
Đổi mới cách làm, tạo thuận lợi cho DN
Việc nâng thứ hạng chỉ số DDCI ở cấp huyện, sở, ban, ngành là giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Do đó, sau khi nhận thấy rõ bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện từng chỉ số thành phần, nhất là các chỉ số đạt thấp điểm, các đơn vị đã tập trung đổi mới cách làm trong giải quyết công việc, TTHC tạo thuận lợi cho DN.
Việc nâng thứ hạng chỉ số DDCI ở cấp huyện, sở, ban, ngành là giải pháp quan trọng nhằm góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. |
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện với giải pháp cụ thể, trong đó gắn trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên để nâng điểm với từng chỉ số đạt thấp. Sở quán triệt tới toàn thể người lao động trong ngành cần nâng cao tinh thần, thái độ, tác phong phục vụ DN theo phương châm “chính quyền thân thiện”.
Sở tăng cường cập nhật các văn bản mới trên website của đơn vị; tổ chức một số hội nghị phổ biến các quy định mới trong lĩnh vực y tế; đối thoại với DN để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Điểm nổi bật năm nay, về chỉ số chi phí thời gian, Sở đã cắt giảm từ 25-30% thời gian giải quyết TTHC cho DN so với quy định đối với các thủ tục có thời hạn từ 15 ngày trở lên; kết hợp lồng ghép các nội dung thanh tra, kiểm tra, tránh gây phiền hà cho DN. Sở đã đề xuất cắt giảm 30% thời gian giải quyết hàng chục TTHC.
Ví như TTHC quảng cáo thuốc theo hình thức hội thảo từ 10 ngày trước đây nay giảm còn 4 ngày. Đặc biệt, Sở thành lập nhóm zalo “Sở Y tế với cộng đồng DN”, phân công cán bộ chuyên trách trả lời kịp thời các vướng mắc của DN. Đồng thời xây dựng hơn 30 video hướng dẫn thực hiện TTHC, mẫu hóa các thủ tục thường xuyên phát sinh, niêm yết công khai trên website. Kết quả, từ đầu năm đến nay, đơn vị giải quyết hồ sơ trước hạn đạt 97,8%, còn lại là đúng hạn, không có hồ sơ quá hạn.
Tương tự, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động rút ngắn thời gian đối với các TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ có thời gian giải quyết trên 15 ngày. Sở hỗ trợ 100% phí nhận kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích cho cá nhân, DN khi thực hiện. Cục Thuế tỉnh tập trung đổi mới các biện pháp để cải thiện các chỉ số bằng cách tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Về phía các địa phương, huyện Sơn Động siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải quyết hồ sơ liên quan đến DN. Huyện Yên Dũng giao trách nhiệm cho người đứng đầu các phòng, đơn vị chuyên môn, các xã, thị trấn thực hiện đối với từng chỉ số, gắn trách nhiệm người đứng đầu, coi đây là tiêu chí bình xét, đánh giá cuối năm.
Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, để tránh tình trạng DN không hiểu rõ các thủ tục, phải trả lại hồ sơ nhiều lần, huyện thành lập tổ công tác hướng dẫn TTHC theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, định kỳ hằng tháng, địa phương đánh giá kết quả giải quyết công việc hỗ trợ DN của các cơ quan liên quan. Huyện Hiệp Hòa thành lập tổ công tác hỗ trợ DN theo hướng chủ động hướng dẫn, tư vấn, không chờ DN kiến nghị, phản ánh.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Sơn Động giao cho cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp với các xã, thị trấn rà soát nguồn gốc đất, tập trung giải phóng mặt bằng bảo đảm tiến độ để tạo thuận lợi cho DN. Đồng thời hướng dẫn DN hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cho thuê đất thực hiện dự án.
Minh Linh
Bắc Giang: Khảo sát, đánh giá chỉ số DDCI trên nền tảng online
(BGĐT) – Sáng 13/12, tại Hội trường UBND TP Bắc Giang, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tập huấn cho các DN tham gia khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở, ban, ngành và huyện, TP thuộc tỉnh Bắc Giang (DDCI) năm 2022 trên nền tảng online.
Cải thiện chỉ số DDCI: Quan tâm đối thoại, doanh nghiệp đồng thuận
(BGĐT)- Việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, TP (gọi tắt là DDCI) là giải pháp quan trọng để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhận thức rõ điều đó, các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số này, trong đó ưu tiên công tác đối thoại trực tiếp, tháo gỡ khó khăn, tạo sự hài lòng cho DN.
tin tức bắc giang, cải thiện chỉ số DDCI, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự chi phí không chính thức, tính năng động, sáng tạo, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, giải phóng mặt bằng