BẮC GIANG – Ngày 29/10, tại Quảng trường trung tâm huyện, UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) tổ chức Ngày hội việc làm, kết nối khởi nghiệp năm 2023.
Quang cảnh Ngày hội.
|
Dự Ngày hội có đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh; Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh, thiếu niên Hà Nội; hơn 20 doanh nghiệp (DN), cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gần 1,5 nghìn học sinh, sinh viên, người lao động có nhu cầu tìm việc làm.
DN có nhu cầu tuyển hàng chục nghìn lao động
Trao đổi tại Ngày hội, lãnh đạo UBND huyện nhấn mạnh, Việt Yên là địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh. Huyện có vị trí địa lý, kết nối giao thông thuận lợi giữa Bắc Giang với các tỉnh, TP lân cận như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng. Toàn huyện hiện có 4 KCN đang hoạt động là: Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Việt Hàn và 3 cụm công nghiệp: Vân Hà, Việt Tiến, Hoàng Mai với gần 2,3 nghìn DN và 490 dự án đầu tư, phần lớn là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với những lợi thế này, địa phương đang trên đà phát triển toàn diện về KT – XH.
Mỗi năm, Việt Yên giải quyết việc làm mới cho từ 3,5 – 4 nghìn lao động song tình trạng người dân thất nghiệp, thiếu việc làm ở một số xã, thị trấn; học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa có nghề nghiệp ổn định vẫn xảy ra. Trong khi đó, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề vẫn gặp khó khăn.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Việt Yên tổ chức Ngày hội việc làm với mục đích kết nối DN và người lao động; phổ biến các chính sách pháp luật về lao động, việc làm, học nghề; tư vấn, giới thiệu ngành nghề; hướng dẫn thủ tục, nộp hồ sơ đăng ký học nghề. Tại hơn 20 gian hàng, đại diện các DN cung cấp thông tin về số lượng lao động, vị trí cần tuyển dụng; chế độ phúc lợi (mức lương, thưởng chuyên cần, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, nhà ở, phụ cấp thâm niên và các chính sách đãi ngộ khác); tiềm năng, cơ hội cho học sinh, sinh viên đi du học, xuất khẩu lao động.
Mới đầu giờ sáng, nhiều gian hàng đã tấp nập học sinh, sinh viên, người lao động có mặt để tìm hiểu cơ hội việc làm. Chị Hà Thị Tường (SN 1992) quê ở huyện Đình Lập (Lạng Sơn) cho biết: “Tôi tốt nghiệp hệ cao đẳng cách đây vài năm nhưng chưa tìm được công việc ổn định. Đến Ngày hội này, tôi mong muốn tìm được công việc phù hợp với năng lực, trình độ đào tạo, có thu nhập bảo đảm cuộc sống”. Tương tự, nhiều học sinh, sinh viên sắp tốt nghiệp có mặt tại đây từ rất sớm mong muốn nắm bắt thông tin về thị trường lao động, từ đó có định hướng lựa chọn nghề nghiệp.
Qua trao đổi với đại diện các DN được biết, nhiều đơn vị có nhu cầu tuyển dụng số lượng nhân lực lớn dịp cuối năm như: Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam; Công ty TNHH JA Solar Việt Nam, cùng ở KCN Quang Châu; Công ty TNHH Seojin Việt Nam, KCN Song Khê – Nội Hoàng; Công ty TNHH New Wing Interconect Technology, KCN Vân Trung…
Cán bộ nhân sự của Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên.
|
Ông Nguyễn Văn Duy, đại diện Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu) thông tin, hiện DN có hơn 5 nghìn lao động. Cách đây 2 tháng, Công ty mở rộng thêm một dây chuyền sản xuất quần áo nên có nhu cầu tuyển thêm khoảng một nghìn công nhân để kịp thời hoàn thành các đơn hàng đã ký với đối tác. Người lao động đáp ứng đủ điều kiện của DN sẽ được tuyển dụng ngay tại Ngày hội này. Được biết, từ nay đến cuối năm, các DN trong các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên có nhu cầu tuyển thêm hàng chục nghìn lao động.
Không chỉ tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước, một số công ty còn cung cấp thông tin thiết thực về thị trường xuất khẩu lao động, du học. Theo đó, các thị trường có nhu cầu sử dụng lao động nhiều là Đài Loan, Nhật Bản, Đan Mạch… với các ngành nghề: Chế biến thực phẩm, xây dựng, điều dưỡng, cơ khí, điện tử…
Trang bị kỹ năng tìm việc
Tại Ngày hội, đại diện bộ phận nhân sự của các DN, đơn vị tuyển dụng không chỉ tích cực chia sẻ về vị trí việc làm, nhu cầu cần tuyển dụng mà còn trực tiếp hướng dẫn học sinh, sinh viên, người lao động các bước hoàn thiện hồ sơ dự tuyển, kinh nghiệm trả lời phỏng vấn.
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng Kỹ năng, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ thanh, thiếu niên Hà Nội cho biết: “Thực tế, nhiều lao động nộp hồ sơ xin việc vẫn còn thiếu thông tin cần thiết, phải làm đi làm lại nhiều lần, mất thời gian. Đặc biệt, kỹ năng trả lời phỏng vấn chưa tốt dẫn đến mất cơ hội việc làm. Nắm bắt được những hạn chế này, tại đây Trung tâm đã hướng dẫn cho người lao động, nhất là học sinh, sinh viên mới ra trường cách chuẩn bị kỹ hồ sơ theo yêu cầu; phương pháp trả lời câu hỏi phỏng vấn; lưu ý người tham gia phỏng vấn nên đi sớm trước 15-20 phút để tránh việc bị chậm muộn”.
Được biết, ngay trong Ngày hội này, nhiều sinh viên, người lao động đã được đại diện DN hẹn ngày phỏng vấn.
Học sinh tìm hiểu cơ hội việc làm tại Ngày hội.
|
Chăm chú theo dõi các hoạt động diễn ra tại Ngày hội, em Thân Đức Huy, học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Yên số 1 chia sẻ: “Qua các thông tin được tư vấn, em hiểu thêm rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, ngoài kiến thức chuyên môn, để tìm được việc làm với thu nhập ổn định, bản thân cần phải trang bị thêm vốn ngoại ngữ nhất định, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin và các thiết bị hiện đại”.
Theo báo cáo đánh giá của huyện Việt Yên, hằng năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tăng đáng kể. Năm 2022, tỷ lệ này đạt 75%, tăng 3% so với năm trước và cao hơn bình quân chung toàn tỉnh. Lực lượng lao động đã chuyển dịch nhanh từ số lượng sang chất lượng, số lao động có trình độ đào tạo ngày càng tăng. Toàn huyện có khoảng 50 nghìn lao động đang làm việc tại các DN trong và ngoài tỉnh, thu nhập bình quân 7-10 triệu đồng/người/tháng, góp phần đáng kể cải thiện đời sống.
Dự báo của ngành chức năng, những tháng gần đây, các DN trên địa bàn huyện Việt Yên, nhất là DN trong các KCN đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tuyển lao động theo đó tăng cao. Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: “Để DN tuyển được nguồn nhân lực chất lượng, người lao động tìm được công việc phù hợp, nhất là thời điểm từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn, DN tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, kết nối khởi nghiệp cho lao động.
Trên cơ sở nhu cầu của DN tuyển dụng, huyện yêu cầu các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên làm tốt công tác giáo dục đào tạo và định hướng nghề nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng mềm cho học sinh trước khi tốt nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển lao động thực tế của DN trên địa bàn”.
Nhóm PVKT
Tạo việc làm tại chỗ, giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG – “Không phải mỗi năm có bao nhiêu hộ ra khỏi danh sách hộ nghèo, điều quan trọng là những hộ ấy đã thoát nghèo như thế nào và phải tạo cơ hội để họ tự vươn lên. Đây chính là yếu tố tiên quyết để xã triển khai chương trình giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thiện (Tân Yên) chia sẻ.
Bắc giang, giáo dục nghề nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, việt yên