BẮC GIANG – Ngày 3/1, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị.
Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị tại điểm cầu T.Ư. Ảnh TTXVN |
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo UBND các tỉnh, TP.
Các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.
Tăng trưởng ngành nông nghiệp cao nhất trong nhiều năm
Theo báo cáo, năm 2023, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (GDP) đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị. Ngành tập trung xây dựng, tham mưu và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều đề án, chương trình, cơ chế, chính sách thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển. Tiêu biểu như: Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại…
Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới có bước tiến đáng kể. Đến hết năm 2023, cả nước có hơn 6,3 nghìn xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 78%). Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và chất, phát triển thương hiệu với hơn 11 nghìn sản phẩm đạt 3 sao trở lên với 5,7 nghìn chủ thể tham gia. Toàn quốc có 20,5 nghìn hợp tác xã nông nghiệp và 19,6 nghìn trang trại. Các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng thể chế, chính sách, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2024, ngành nông nghiệp và PTNT xác định một số chỉ tiêu phát triển như: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3 – 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54 – 55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm chiếm 82%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn chiếm 58%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.
Các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. |
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phân tích, đánh giá những thành tựu, bài học kinh nghiệm của ngành nông nghiệp năm qua, đồng thời chỉ ra một số hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục như: Công tác quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chậm ban hành. Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chưa đạt chỉ tiêu Chính phủ giao. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa ổn định. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn những bất cập…
Quyết liệt khắc phục tồn tại, đổi mới để phát triển
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những đóng góp, kết quả ngành nông nghiệp đạt được. Đồng thời yêu cầu, năm 2024, ngành cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong giải quyết các vấn đề tồn tại. Làm tốt công tác quản lý nhà nước; điều tiết sản xuất theo nhu cầu thị trường. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương, nhà khoa học và nông dân trong hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tập trung rà soát, xây dựng thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các địa phương phát huy tối đa tính chủ động, tích cực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại từ T.Ư.
Toàn ngành bám sát chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, đổi mới, hiệu quả. Tiếp tục quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào đổi mới sáng tạo, đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, coi đây là động lực mới cho phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái.
Tiếp tục hoàn thiện các đề án, thể chế, quy hoạch, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế; huy động các nguồn lực đầu tư cho ngành. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Quan tâm cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo vùng, lĩnh vực. Thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ, nguồn vốn và xây dựng thị trường.
Làm tốt công tác dự báo cung cầu, thông tin thị trường tiêu dùng; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm. Thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với bản sắc của từng vùng, miền. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền độc lập quốc gia gắn với quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người nông dân.
Tin, ảnh: Mai Toan
Kỹ sư nông nghiệp Bắc Giang trên vùng đất khó Xay Sổm Bun (Lào)
BẮC GIANG – Sang tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ nông dân thực hiện các mô hình trồng trọt và chăn nuôi thủy sản, hai kỹ sư nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang đã có những trải nghiệm, kỷ niệm đáng nhớ.
bắc giang, nông nghiệp, nông thôn, triển khai nhiệm vụ, năm 2024, kinh tế