BẮC GIANG – Đằng sau mỗi người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) là nỗi đau còn lại mãi với gia đình nạn nhân. Với những người bị thương nặng, nỗi đau cũng dai dẳng không kém khi gánh nặng vật chất chữa trị đeo đẳng hằng ngày.
Trong căn nhà chưa kịp hoàn thiện, đồ đạc còn ngổn ngang, ông H.V.B (SN 1974) ở xã Xuân Phú (Yên Dũng) buồn rầu nhắc lại vụ TNGT xảy ra một năm trước đã cướp mất người con trai thứ hai của gia đình. Hôm đó là ngày 31/10/2022, khi đi làm cho người họ hàng ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), anh H.V.Đ (SN 2006) bị tử vong do tai nạn xe máy. Nhận tin dữ, vợ chồng ông bà tưởng trời đất như sụp đổ một lần nữa khi vào năm 2016, con trai đầu của ông bà cũng vĩnh viễn không trở về sau vụ TNGT trên địa bàn thị trấn Nham Biền (Yên Dũng).
Sau tai nạn giao thông, chị H.T.H ở thôn Sơn Quang, xã Trung Sơn (Việt Yên) thành người tàn tật, mất khả năng lao động. |
Mất đi hai người con trai đang tuổi thanh niên khiến cả gia đình rơi vào tận cùng khổ đau, không còn thiết tha gì nữa. Ông B nghẹn giọng: “Chỉ những gia đình có người thân mất vì TNGT mới thấu hiểu được nỗi đau của chúng tôi. Tôi muốn nhắn nhủ với những người đi đường, nhất là thanh niên phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Bởi nếu trong gia đình có người bị tai nạn, dù sống hay chết đều để lại hậu quả vô cùng nặng nề, đau đến hết đời”.
Hay như trường hợp của chị H.T.H (SN 1999) ở thôn Sơn Quang, xã Trung Sơn (Việt Yên). Từ một cô gái khỏe mạnh, lanh lợi, bỗng thành người tàn tật, gắn phần đời còn lại với chiếc xe lăn bởi TNGT. Ngoài 20 tuổi nhưng đầu óc, trí nhớ, nhận thức của chị H chỉ như một đứa trẻ vài ba tuổi. Trước đó, với mong muốn đỡ đần cha mẹ nên khi đến tuổi lao động, chị H xin làm công nhân ở Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên).
Một buổi tối tháng 5/2018, đang từ nhà đến nơi làm việc ca đêm, khi đến thị trấn Bích Động thì xe máy do chị điều khiển xảy ra va chạm với một xe máy khác làm chị ngã đập đầu xuống đường, bị chấn thương sọ não. Suốt nhiều năm trời, bố mẹ chị H theo con ở các bệnh viện tại Hà Nội để điều trị, giành sự sống cho con. Cứu được con thoát chết nhưng nay chị H không còn là cô công nhân mạnh khoẻ, lanh lợi năm nào, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân hỗ trợ.
Bà V (mẹ chị H) nghẹn giọng: “Tôi và những thành viên trong gia đình ám ảnh với vụ tai nạn đó đến tận bây giờ, nhiều lúc tôi đã tưởng mất con. Sau tai nạn, H trở lại như một đứa bé mà tôi đã chăm sóc từ hơn hai chục năm trước. Hằng ngày, chỉ có tôi mới hiểu H muốn gì vì cháu không nói được. Tôi chỉ lo sau này vợ chồng tôi già yếu, ai chăm lo cho con. Giá như khi đi đường, mỗi người cẩn thận hơn chút, nghĩ về hậu quả nếu xảy ra tai nạn thì sẽ bớt đi những gia đình lâm vào hoàn cảnh thương tâm, khó khăn thế này”.
10 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 193 vụ TNGT, làm chết 93 người, bị thương 127 người. Ngoài cướp đi sức khỏe, mạng sống của nhiều người, TNGT còn kéo theo nhiều hậu quả về xã hội, lực lượng lao động, an ninh trật tự. Nhiều gia đình mất đi trụ cột, lâm vào cảnh nợ nần, bế tắc do chi phí chữa trị tốn kém. |
TNGT luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội, để lại hệ lụy lâu dài, nặng nề. Sau mỗi vụ tai nạn là một hoàn cảnh chua xót, một cuộc đời có thể chấm dứt hoặc mang thương tật suốt đời. Ngoài cướp đi sức khỏe, mạng sống con người, TNGT còn kéo theo nhiều hậu quả về xã hội, lực lượng lao động, an ninh trật tự, nhiều gia đình mất đi trụ cột, bố mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con trẻ mồ côi, lâm vào cảnh nợ nần, bế tắc do chi phí chữa trị tốn kém. Những ước mơ còn dang dở mãi vì rất nhiều người trong số các nạn nhân đang độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân lao động.
Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: “Thời gian qua, lực lượng công an phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức, đoàn thể thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, kiềm chế tai nạn. Tuy nhiên tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy khi tham gia giao thông, mỗi người hãy tự nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật, vì sự an toàn của chính mình và mọi người.
Chấp hành nghiêm quy định “đã uống rượu, bia – không lái xe”; tuân thủ tốc độ, đừng vì “nhanh một giây, chậm cả đời”; luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe máy điện; không sử dụng điện thoại khi lái xe; thắt dây an toàn khi đi ô tô; đi đúng phần đường, làn đường, giữ khoảng cách an toàn…”.
Để tưởng nhớ những nạn nhân TNGT và nhắc nhở những người tham gia giao thông, với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông”, trong thông điệp của “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” năm nay diễn ra vào Chủ nhật (19/11), Ủy ban ATGT Quốc gia kêu gọi mỗi người Việt Nam hãy vì sự phát triển bền vững của đất nước, sự an toàn của bản thân và cộng đồng, tự giác chấp hành các quy định về ATGT để ngăn chặn thảm họa TNGT. Vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống. Cùng chung tay xây dựng môi trường giao thông văn minh, để sau mỗi lần ra đường là được trở về nhà an toàn.
Bài, ảnh: Quốc Phương
tin tức bắc giang, bắc giang, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, xây dựng văn hoá giao thông, môi trường giao thông văn minh, Cảnh sát giao thông