Trong chương trình làm việc giữa hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn, chiều 13/3, UBND hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Cùng dự có các sở, ngành và một số doanh nghiệp. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 11 điểm cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Năm 2024, tỉnh Bắc Giang có nhu cầu tuyển dụng trên 112.500 người. Ngành nghề tuyển dụng tập trung ở lĩnh vực sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử và may mặc. Mức lương cơ bản được các doanh nghiệp Bắc Giang đưa ra từ 4,2 – 6,5 triệu đồng, tổng thu nhập hàng tháng của người lao động từ 7 – 12 triệu đồng đối với người trực tiếp sản xuất (là lao động thủ công); mức lương từ 8 đến dưới 15 triệu đồng đối với vị trí lao động gián tiếp (làm việc ở văn phòng, kế toán, phiên dịch, lao động kỹ thuật); mức lương từ 15 triệu đồng trở lên chủ yếu được trả cho lao động làm công việc quản lý như trưởng phòng, tổ trưởng, trưởng các bộ phận, giám đốc bộ phận.
Ngoài chế độ tiền lương, người lao động còn được doanh nghiệp hỗ trợ một số khoản như: Phụ cấp xăng xe, ăn trưa, nhà ở; tiền thưởng chuyên cần, thưởng quý, năm và hiệu quả làm việc và sản xuất kinh doanh; cùng các chế độ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hưởng tiền nghỉ ngày lễ, tết; Hợp đồng lao động chủ yếu là hợp đồng không xác định thời hạn;… Do nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhiều, thường diễn ra theo thời điểm, do vậy không yêu cầu kinh nghiệm làm việc, trừ các vị trí lãnh đạo quản lý và lao động gián tiếp.
Theo thống kê, Lạng Sơn là tỉnh có số lao động đông nhất hiện đang làm việc tại tỉnh Bắc Giang, với khoảng hơn 27 nghìn người, chiếm tỷ lệ 20% tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tại Bắc Giang.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang và Hiệp hội cung ứng nhân lực và việc làm tỉnh Bắc Giang giới thiệu khái quát về cơ chế, chính sách thu hút người lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp Bắc Giang. Đồng thời, mong muốn phối kết hợp với các trường nghề, trung tâm dịch vụ việc làm, cùng các cơ quan tổ chức đoàn thể của tỉnh Lạng Sơn để giúp người lao động tiếp cận nhiều hơn với các thông tin tuyển dụng.
Phát biểu tại hội nghị, đại biểu ở các điểm cầu trao đổi một số vấn đề để thuận lợi cho công tác tuyển dụng lao động tại địa phương, đồng thời đề nghị các cấp lãnh đạo và doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang cần đổi mới hình thức tuyển dụng, đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận lợi nhất cho người lao động; tạo điều kiện hỗ trợ chi phí điện, nước, nhà ở cho người lao động; tăng độ tuổi lao động cho người lao động tại các khu công nghiệp; tạo nguồn quỹ phúc lợi, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động ngoại tỉnh được mua nhà ở xã hội với mức ưu đãi;..
Các ý kiến tại hội nghị được đại diện các đơn vị, doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn trao đổi làm rõ, trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho công tác tuyển dụng và cung cấp những đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động.
Sau khi trao đổi, hội nghị thống nhất các nội dung gồm: Các doanh nghiệp đến tỉnh Lạng Sơn tuyển dụng lao động phải cam kết có đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực; có sự thẩm định của lãnh đạo 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn, trong đó Sở Lao động – Thương binh và Xã hội 2 tỉnh là đơn vị đầu mối, cung cấp đầy đủ thông tin cho đơn vị tuyển dụng và người lao động có nhu cầu; cùng với đó cấp chính quyền từ huyện đến xã tỉnh Lạng Sơn cần phát huy vai trò của mình để cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu tuyển dụng cho người dân địa phương; phía doanh nghiệp Bắc Giang cần tiếp tục quan tâm, thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình, phối hợp tốt trong công tác đào tạo nguồn lao động để người lao động yên tâm làm việc ổn định, lâu dài./.
Diệu Hoa