Sáng 27/3, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PHPBGDPL) tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp phổ biến Luật Căn cước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024.
Đồng chí Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Lâm Thị Hương Thành – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Hội đồng, Tổ thư ký giúp việc Hội đồng PHPBGDPL tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và báo cáo viên pháp luật tỉnh. Truyền đạt trực tiếp tại hội nghị có báo cáo viên Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhấn mạnh Luật Đất đai và Luật Căn cước có tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và môi trường. Để hội nghị đảm bảo thực chất, hiệu quả và đạt được kết quả tốt, đồng chí đề nghị các đại biểu dự hội nghị nghiêm túc, lắng nghe để tiếp nhận, lĩnh hội đầy đủ các thông tin mà báo cáo viên truyền đạt và lấy đó làm cơ sở để triển khai tổ chức thực hiện trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tham mưu thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Đồng chí đề nghị Hội đồng PHPBGDPL cấp huyện, các ngành Ủy viên Hội đồng và các sở, ban, ngành, đoàn thể sau hội nghị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt kịp thời nội dung 2 Luật và các Luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đến toàn thể cơ quan, đơn vị và tổ chức, người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, kịp thời ban hành các Kế hoạch triển khai thi hành luật; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức triển khai và thi hành 2 Luật trên, nhất là các quy định mới, nội dung đáng chú ý. Thường xuyên tập huấn kiến thức pháp luật về đất đai, quản lý nhà nước về đất đai cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai từ tỉnh đến xã; tập huấn về điểm mới của Luật Căn cước cho cán bộ, công chức, nhất là lực lượng công an để nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định của pháp luật, từ đó áp dụng đúng trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Luật Đất đai năm 2024 có 18 nội dung giao thẩm quyền UBND cấp tỉnh phải quy định chi tiết và 1 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh ban hành, do đó đồng chí đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến đất đai để tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp và đồng bộ với các luật được thông qua và văn bản pháp luật hiện hành.
Đồng chí đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến, phản biện đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết về đất đai và căn cước tại địa phương; tham gia PBGDPL cho Nhân dân bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật; vận động, động viên các tầng lớp Nhân dân tuân thủ và chấp hành pháp luật.
Tại hội nghị, Báo cáo viên đã truyền đạt, phổ biến, làm rõ các nội dung cơ bản mới được bổ sung của Luật Đất đai như: Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; bãi bỏ khung giá đất; bảng giá đất được xây dựng hàng năm; 5 phương pháp định giá đất; thay đổi tên gọi chính xác của sổ đỏ, sổ hồng; điểm mới về giá đất khi tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Trọng tài thương mại; sửa đổi nguyên tắc sử dụng đất; sửa đổi quy định về phân loại đất; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai;…
Luật Căn cước được chính thức thông qua ngày 27/11/2023 tại Kỳ họp thứ 6. Luật gồm 7 chương, 46 điều quy định cụ thể về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; Thẻ căn cước, căn cước điện tử; Giấy chứng nhận căn cước; Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật Căn cước 2023 áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan./.
Thảo My