Ngày 26/9, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) tổng kết công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) và mưa, lũ sau bão trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lâm Thị Hương Thành – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Ô Pích – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Đức Cảnh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Kịp thời triển khai các giải pháp sau bão số 3
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Thi cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa, lũ sau bão, mặc dù các cấp, các ngành đã chủ động tích cực triển khai các phương án ứng phó từ sớm, từ xa nhưng đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, ảnh hưởng trên phạm vi rộng, kèm theo mưa to đã làm một số người dân bị thiệt mạng, bị thương, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân trong tỉnh. Tính đến ngày 23/9/2024, toàn tỉnh có 02 người chết, 15 người bị thương, 8.291 ngôi nhà và nhiều cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng, hư hỏng do bão, mưa, lũ.
Bão số 3 gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, khoảng 18.265,8 ha lúa, 2.740,4 ha hoa màu, rau màu và 487,4 ha cây trồng hàng năm bị ngập, úng; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 400 điểm đường giao thông quốc lộ và giao thông địa phương sạt lở, ách tắc… Tổng thiệt hại ước tính khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Các địa phương bị thiệt hại nhiều do cơn bão số 3 gồm: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Hiệp Hòa, Yên Thế…
Để chung tay khắc phục hậu quả, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Đến thời điểm hiện tại, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận gần 97,3 tỷ đồng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Về vật chất, tính đến ngày 23/9/2024, tổng giá trị hàng hóa do Ủy ban MTTQ các cấp và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp nhận quy ra tiền trên 13,9 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương cho biết, bão số 3 đã làm cho nhiều diện tích lúa, rau màu, diện tích cây ăn quả bị ngập nước có hiện tượng chết cây, nguy cơ mất trắng; hàng chục ha rừng bị đổ gãy, việc tiêu thụ lâm sản sau bão gặp rất nhiều khó khăn… Cùng đó, công tác thống kê, rà soát, kiểm tra, đánh giá thiệt hại gặp nhiều khó khăn, do phạm vi, quy mô thiệt hại rộng lớn.
Hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn đang tiếp tục công tác khắc phục hậu quả mưa, bão. Chỉ đạo công tác an sinh xã hội, giúp người dân sớm ổn định đời sống. Tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch, giải pháp khôi phục, tái sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng lúa, hoa màu bị ngập, đổ nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Bố trí, sắp xếp nguồn kinh phí để tu bổ các công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ sông, các vị trí xung yếu gây nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản của Nhân dân. Tập trung bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, chất lượng thảm thực vật, ngăn ngừa lũ quét ở vùng núi.
Từ những thiệt hại do bão số 3 gây ra, đại diện lãnh đạo các địa phương kiến nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, kịp thời khắc phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đồng thời sớm có hướng dẫn hỗ trợ cụ thể đối với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà cửa. Xem xét cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích vụ Đông, tăng năng suất, bù lại thiệt hại sản xuất vụ Mùa do mưa bão gây ra. Đối với các công trình thủy lợi, đề nghị tỉnh điều chỉnh cơ chế vận hành một số Trạm bơm cho phù hợp với mực nước trên sông khi có mưa, bão xảy ra.
Về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra trên hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Thanh Tùng cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão, trên địa bàn tỉnh có một số tuyến đường tỉnh và QL.31 bị ngập sâu, một số vị trí bị sạt lở mái taluy, giao thông có thời điểm cục bộ bị chia cắt, đặc biệt là khu vực các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Tân Yên, Hiệp Hòa…
Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm giao thông, khắc phục, xử lý hư hỏng trên các tuyến đường. Chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cảnh báo, căng dây, rào chắn, lắp biển báo tạm thời, xử lý dọn dẹp mặt bằng bị cây đổ, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt…
Bên cạnh đó, các đại biểu trao đổi về công tác thông tin tuyên truyền, công tác đảm bảo an toàn lưới điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sau bão…
Sớm khắc phục hậu quả bão, lũ, phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, phạm vi ảnh rộng, tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung rất cao, bám sát và triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, chủ động ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để ứng phó với bão và hoàn lưu sau bão. Kịp thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tham gia chống bão lụt, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.
Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy gửi lời chia buồn và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với các gia đình có thân nhân bị thiệt mạng, bị thương do bão lũ. Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân tham gia phòng, chống bão lụt với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái.
Trên cơ sở phân tích những tồn tại, hạn chế, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương đưa ra các giải pháp khắc phục; tuyệt đối không để lặp lại những sai sót trong công tác PCTT&TKCN; hạn chế tối đa tổn thất, thiệt hại, mất mát về người và của trên địa bàn tỉnh.
Để vững đà tăng trưởng kinh tế, khẩn trương tổ chức khôi phục sản xuất, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân tái sản xuất nông, lâm nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiên cứu tham mưu ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù kịp thời khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là những kết quả trong công tác PCTT&TKCN; chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt, khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích.
Tích cực nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai lệch. Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng với truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường cùng với những kinh nghiệm đã được rút ra, mỗi địa phương trong tỉnh sẽ sớm khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra, phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đưa ra một số bài học kinh nghiệm công tác chỉ đạo, triển khai các giải pháp ứng phó với bão, lũ. Trong đó nhấn mạnh đến bài học về công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa, phòng từ khi chưa có nguy cơ, phải bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, của cấp trên.
Chính quyền địa phương luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan, không mất bình tĩnh trước các tình huống, quán triệt và tổ chức phòng chống, ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết.
Làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ huy thông suốt, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, khoa học, bài bản. Tăng cường nâng cấp hệ thống đê điều, trạm bơm, hoàn thiện hệ thống đê bao; tăng cường phương tiện cho công tác tìm kiếm cứu nạn. Các địa phương có đê cần xây dựng phương án sống chung với lũ tại những vùng trũng thấp.
Cùng với đó, làm tốt công tác thông tin truyền thông; huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, các tầng lớp Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái để vượt qua khó khăn; việc tiếp nhận hỗ trợ và thực hiện hỗ trợ phải kịp thời, hiệu quả…
Về một số kiến nghị đề xuất, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu tham mưu giải quyết đảm bảo kịp thời, dứt điểm, hiệu quả.
Nhân dịp này, 34 tập thể, 45 cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong quá trình tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (năm 2024) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen./.
Nguyễn Miền
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/hoi-nghi-truc-tuyen-03-cap-tong-ket-cong-tac-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3