Sáng 15/10, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị thông tin báo chí kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý IV năm 2024.
Các đồng chí: Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Gia Phong – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Phạm Văn Đà – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; đại diện phóng viên, nhà báo cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh của tỉnh giữ ổn định, đạt nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng ước đạt 13,89%, đứng đầu cả nước. Trong đó công nghiệp – xây dựng tăng khoảng 18,03%; dịch vụ tăng khoảng 6,19%; nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm khoảng 2,19%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 39,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 13,8 nghìn tỷ đồng, tăng 30,6% so cùng kỳ, bằng 86% dự toán năm. Thu hút đầu tư của tỉnh đạt trên 1,7 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi. Thu hút đầu tư vốn FDI đứng thứ 9 cả nước và đứng đầu Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Toàn tỉnh giải ngân được gần 4,6 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 49,2% kế hoạch. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được quan tâm, đời sống Nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên. Công tác khám, chữa bệnh, phòng ngừa dịch bệnh được thực hiện hiệu quả; bảo đảm thuốc, vật tư y tế và vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các hoạt động giáo dục và đào tạo được triển khai toàn diện, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả nổi bật.
Công tác phòng chống, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi) và mưa, lũ trên địa bàn được triển khai đồng bộ, quyết liệt, hạn chế tối đa mức độ thiệt hại. Đến nay, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân cơ bản ổn định, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường. Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp được thực hiện nghiêm túc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, tỉnh Bắc Giang xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo trong quý IV. Trong đó đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024. Tăng cường tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách. Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2024; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đào tạo; phát triển văn hóa xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường quản lý lao động. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Đặc biệt, tập trung, dồn lực triển khai quyết liệt phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã trả lời, làm rõ các vấn đề mà các nhà báo, phóng viên quan tâm. Liên quan đến việc nhiều phương tiện chở khách thay đổi hướng tuyến của các tuyến xe khách cố định, đón trả khách tại các tuyến đường gom thay vì chạy thẳng trên đường cao tốc như trước đây, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Mạnh cho biết Sở Giao thông vận tải đã xin ý kiến và được Cục Đường bộ Việt Nam cho phép điều chỉnh một số tuyến vận tải được đi vào tuyến đường gom đón, trả khách trên tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông, đảm bảo ổn định an toàn giao thông trên đường cao tốc, đáp ứng nhu cầu sử dụng xe khách của người dân. Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ điều chỉnh, xây dựng bổ sung các điểm dừng đón, trả khách, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu đưa đón công nhân, người dân, vừa đảm bảo an toàn giao thông.
Cũng liên quan đến tình trạng còn một số đơn vị vận tải hành khách dừng đón trả khách tại các điểm sai quy định, đặc biệt là trên đường cao tốc, Thượng tá Thân Văn Duy – Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định các lực lượng công an luôn kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm này. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã xử lý hơn 3,6 nghìn trường hợp liên quan đến xe khách, trong đó xử lý 118 trường hợp xe khách dừng đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc. Trong thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh sẽ tiếp tục xử lý quyết liệt thông qua tuần tra, kiểm soát kết hợp sử dụng hình ảnh phạt nguội.
Liên quan đến nội dung giải ngân vốn đầu tư công chậm so với mục tiêu đề ra, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lương Văn Nghiệp cho biết nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm do một số diện tích có nguồn gốc đất đai phức tạp, tốn nhiều thời gian; các thủ tục trong đầu tư xây dựng như thẩm định giá, thủ tục khai thác khoáng sản đất dư thừa… tương đối phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai dự án. Đặc biệt, trong quý III năm nay, tỉnh Bắc Giang đón 2 cơn bão liên tiếp, đặc biệt bão số 3 (Yagi) có cường độ lớn khiến hoạt động thi công phải dừng lại trong vòng 1 tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó là các nguyên nhân chủ quan như một số địa phương chưa tập trung giải quyết nút thắt GPMB của quá trình thi công; chủ đầu tư, nhà thầu chưa bám sát tiến độ thi công;…
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nội vụ đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của người đứng đầu là chủ đầu tư trong năm 2024. Sở Tài nguyên và Môi trường sớm trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh bảng giá đất làm cơ sở để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Chủ đầu tư, nhà thầu tập trung bám sát thi công, đẩy nhanh tiến độ; sớm hoàn thiện hồ sơ thanh toán dịp cuối năm…
Đối với công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phát triển sản xuất sau cơn bão số 3 Yagi, đại diện lãnh đạo 2 huyện Sơn Động, Lục Ngạn cho biết trên địa bàn 2 huyện có 31 nhà được xây mới hoàn toàn, dự kiến hoàn thành ngay trong năm 2024; 1.394 nhà bị tốc mái, hư hỏng được hỗ trợ tùy theo mức độ ảnh hưởng thực tế.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết toàn tỉnh thiệt hại 37 nghìn ha rừng sau bão cơn bão Yagi. Để khôi phục sản xuất trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT đã mời các tổ chức, doanh nghiệp thu gom các cây trồng, sản phẩm nông nghiệp còn lại sau bão nhằm hỗ trợ nông dân khắc phục thiệt hại. Tập trung trồng mới tại các khu vực thiệt hại, khôi phục sản xuất tại các cơ sở giống. Đến nay, các cơ sở giống hoạt động bình thường, tiến hành nâng cao công suất sản xuất, đảm bảo đáp ứng nhu cầu năm 2025. Bên cạnh đó, khôi phục hạ tầng để đáp ứng hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ người dân trong sản xuất vụ Đông, mở rộng diện tích lúa. Cung cấp 226 nghìn con gia cầm, tập trung phát triển chăn nuôi đang có dư địa phát triển lớn, giá thị trường tăng cao.
Ngoài các vấn đề nêu trên, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng trả lời, làm rõ một số nội dung phóng viên các cơ quan báo chí đưa ra như: Khó khăn trong tiếp cận chính sách chi trả đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt; kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính để đảm bảo tiến độ; vướng mắc về thủ tục đấu giá khoáng sản và giải pháp; kết quả xúc tiến lao động và dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm; tiến độ xây dựng cầu Cẩm Lý (huyện Lục Nam), cầu Đồng Việt (huyện Yên Dũng)…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cảm ơn các phóng viên báo chí Trung ương, địa phương đã quan tâm tuyên truyền, cổ vũ, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn vừa qua. Đồng thời đánh giá cao sự đa dạng chủ đề trong các câu hỏi, thể hiện rõ sự quan tâm của dư luận đến các vấn đề KT-XH trong tỉnh.
Đồng chí Mai Sơn cũng làm rõ một số nội dung được nêu tại hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh hoạt động chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt cần linh hoạt, xuất phát từ nhu cầu thực tế, sự thuận lợi của người dân. Các địa phương, đơn vị cần đánh giá đúng đối tượng có khả năng, nhu cầu nhận tiền lương, trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt. Tuyệt đối không ép chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt, đặc biệt là đối với người cao tuổi ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đối tượng không có điều kiện hoặc không quen sử dụng các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị các cơ quan báo chí truyền thông các nội dung về kỳ thi vào lớp 10 THPT theo chủ trương, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, giúp các em học sinh học tập toàn diện, tránh học lệch, học tủ.
Đồng chí đề nghị các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp đã đưa ra để giải quyết các vấn đề còn tồn tại; cởi mở, kịp thời trao đổi thông tin với phóng viên để phản ánh thông tin chính xác, toàn diện đến người dân. Đồng thời đề nghị phóng viên các cơ quan báo chí tiếp tục giám sát việc thực hiện giải pháp các ngành đã nêu tại hội nghị, tiếp tục chia sẻ những thông tin tích cực, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh./.
Trần Khiêm
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/bac-giang-to-chuc-hoi-nghi-thong-tin-bao-chi-ve-ket-qua-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-9-thang-au-nam-2024