Chiều 17/7, Chính phủ tổ chức hội nghị họp bàn về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan và các địa phương xây dựng, hoàn thiện.
Dự thảo Quyết định gồm 10 điều được xây dựng nhằm nhằm mục đích thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hướng tới đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả người lao động, nhất là các đối tượng bị thu hồi đất.
Theo đó, dự thảo Quyết định quy định: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Điều kiện hỗ trợ; Thời hạn hỗ trợ; Hỗ trợ đào tạo nghề; Hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; Hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người lao động có đất thu hồi tham gia đào tạo nghề được hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên; hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm; vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm; từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn tín dụng khác.
Thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cho biết, trong thực tế người dân có diện tích đất bị thu hồi khác nhau theo từng trường hợp, do đó dự thảo Quyết định cần quy định rõ các điều kiện hỗ trợ và mức hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến và làm rõ về một số nội dung như: thời hạn, tổng mức hỗ trợ; biên độ mức hỗ trợ để từng địa phương áp dụng phù hợp điều kiện thực tế; mức vay vốn ưu đãi; trình tự thủ tục vay vốn, gia hạn nợ…
Các ý kiến góp ý của các địa phương là căn cứ quan trọng để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, tờ trình, trình Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiêm túc tiếp thu ý kiến tại hội nghị, chủ động tiến hành các nội dung công việc liên quan đến các bước soạn thảo dự thảo Quyết định. Rà soát, xác định rõ các nhóm đối tượng, không bỏ sót các đối tượng được xem xét hỗ trợ. Làm rõ điều kiện, các hình thức hỗ trợ khác nhau cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo công bằng, phát huy tối đa hiệu quả của chính sách. Đồng thời xây dựng biên độ thực hiện chính sách để các địa phương có thể thực hiện hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương./.
Trần Khiêm
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/chinh-phu-lay-y-kien-ve-du-thao-quyet-inh-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-co-che-chinh-sach-giai-quyet-viec-lam-va-ao-tao-nghe-cho-nguoi-co-at-bi-thu-hoi