Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Bắc Giang, sáng 04/7, Đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Xay Sổm Bun do đồng chí Bun-thạ-vi Xỉnh-vi-lay – Quyền Chủ tịch Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm mô hình phát triển kinh tế của Hợp tác xã (HTX) Lục Ngạn Xanh (huyện Lục Ngạn). Cùng đi với đoàn có đồng chí Nguyễn Thị Hồng Tâm – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.
Thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc HTX Lục Ngạn Xanh Nguyễn Thị Minh Thùy cho biết, HTX được thành lập năm 2021 với 8 thành viên. Hiện nay, HTX đã có 22 thành viên, trong đó có 6 thành viên nữ, 12 thành viên là người dân tộc thiểu số. HTX Lục Ngạn Xanh là mô hình sản xuất các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng, cung ứng tất cả các sản phẩm nông sản hàng hóa cho tất cả các cửa hàng, đại lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh với nhiều mặt hàng nông sản như rau củ các loại, mật ong, mỳ, bánh, trái cây cam, bưởi, táo,..; trong đó có các sản phẩm mang thương hiệu OCOP Bắc Giang.
Hiện nay, HTX chủ yếu sản xuất ở lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích là 25 ha, trong đó vải thiều là 15 ha (sản xuất và đạt chứng nhận VietGAP), 10 ha trồng các loại: Táo, ổi, hoa cúc chi, rau công nghệ cao. Ở lĩnh vực chế biến, HTX có 1 xưởng sản xuất mỳ Chũ truyền thống tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương và 01 xưởng chế biến nhỏ để sấy hoa cúc chi, trà dược liệu, sấy vải thiều tại thôn Trường Sinh, xã Tân Quang.
HTX ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất, đặc biệt là cải tạo đất, xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón vi sinh, tạo thuốc bảo vệ thực vật sinh học để hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ trong sản xuất. Mô hình như dưa lê, dưa chuột, hoa cúc chi… của HTX hiện nay hoàn toàn dùng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để sản xuất. Đặc biệt, hiện nay HTX đã làm chủ được kỹ thuật tự sản xuất chế phẩm vi sinh và kỹ thuật bón hợp lý cho một số loại cây trồng. HTX có một máy sấy điện với công suất sấy nhỏ; phù hợp để sấy nhiều loại rau củ quả dược liệu khác nhau mà Lục Ngạn đang sản xuất. HTX cũng thử nghiệm dùng công nghệ này để sấy nhiều loại như sả, chuối, hồng, hoa cúc chi, cỏ ngọt, bạc hà, vỏ bưởi, rau để làm mỳ Chũ rau củ.
HTX tập trung sản xuất chủ yếu sản phẩm chế biến như vải sấy, mỳ Chũ truyền thống, trà dược liệu sấy (hoa cúc chi, cỏ ngọt, bạc hà). Đây là nhóm sản phẩm HTX có thế mạnh về vùng nguyên liệu, kiểm soát được mức độ an toàn nguyên liệu đầu vào, có quy trình chế biến hoàn thiện, sản phẩm có chất lượng tốt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bun-thạ-vi Xỉnh-vi-lay – Quyền Chủ tịch Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Xay Sổm Bun bày tỏ ấn tượng kết quả mà HTX Lục Ngạn Xanh nói riêng và hội viên phụ nữ huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang nói chung đã đạt được. Đánh giá cao mô hình phát triển kinh tế của HTX Lục Ngạn Xanh, đồng chí khẳng định mô hình của HTX tận dụng tối đa lợi thế các sản phẩm địa phương. HTX Lục Ngạn Xanh là tấm gương tiêu biểu chứng minh phụ nữ cũng có thể thành công nếu tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Bun-thạ-vi Xỉnh-vi-lay nhấn mạnh chuyến thăm lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm, cách làm hay để tỉnh Xay Sổm Bun học hỏi, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, tham gia sản xuất, kinh doanh./.
Thảo My
Nguồn: https://bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/St1DaeZNsp94/content/hoi-lien-hiep-phu-nu-tinh-xay-som-bun-lao-tham-mo-hinh-htx-luc-ngan-xanh