BẮC GIANG – Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh liên kết với các trung tâm giáo dục ngoài nhà trường triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm, giảng dạy ngoại ngữ, tin học tạo không khí học tập sôi nổi. Qua đó góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho học sinh.
Dạy học theo hình thức tự nguyện
Theo khung chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các giờ học bổ trợ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống là hoạt động ngoài giờ chính khóa. Bởi vậy, nội dung liên kết được cơ sở giáo dục tổ chức theo tinh thần thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh. Việc liên kết giảng dạy được thực hiện theo Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học và Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Giờ học tiếng Anh tại Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang). |
Mức thu phí các buổi học được thực hiện theo Nghị quyết số 40/2023/NQ-HĐND (Nghị quyết 40) của HĐND tỉnh. Các trường được quyền khảo sát và liên kết với tổ chức, đơn vị ngoài nhà trường để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Đơn vị liên kết phải được Sở GD&ĐT cấp phép, thẩm định nội dung giảng dạy.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, những năm học gần đây, hoạt động giáo dục liên kết được triển khai rộng khắp ở các bậc học trong tỉnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thể hiện rõ nhất ở môn ngoại ngữ . |
Hoạt động giáo dục liên kết hướng đến phát triển kỹ năng, năng lực ngoại ngữ, tin học… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 89 trung tâm ngoại ngữ, tin học được cấp phép hoạt động.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, những năm gần đây, hoạt động này được triển khai rộng khắp ở các bậc học trong tỉnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thể hiện rõ nhất ở môn ngoại ngữ.
Nhiều trường tổ chức liên kết học tiếng Anh với người nước ngoài nhằm nâng cao kỹ năng nghe, nói cho học sinh từ bậc mầm non. Từ một tỉnh nằm trong tốp cuối, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023, môn tiếng Anh của tỉnh xếp thứ 20/63 tỉnh, TP. Nhiều học sinh bậc THCS, THPT đã có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS.
Năm học này, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) đã ký kết với Trung tâm Anh ngữ Thống Nhất, ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non. Đây là năm học đầu tiên đơn vị đưa giờ học tiếng Anh vào giảng dạy. Nhà trường có 540 học sinh ở 18 lớp, trong đó có khoảng 50% học sinh đăng ký học tiếng Anh. Số học sinh lớp 5-6 tuổi (chuẩn bị vào lớp 1) tham gia đông. Giờ học tiếng Anh được tổ chức tự nguyện, phụ huynh có thể đăng ký hoặc không. Chị Trần Thị Yến, ở phường Trần Nguyên Hãn là mẹ của bé Phạm Khánh My lớp A5 cho biết: “Gia đình tôi đăng ký cho con học tiếng Anh từ đầu năm học. Dù chỉ mới làm quen nhưng cháu đã biết hội thoại ngắn bằng tiếng Anh với cô giáo và các bạn”.
Không chỉ các trường học trên địa bàn TP Bắc Giang, ở các huyện Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng, nhiều trường liên kết với các trung tâm tổ chức học tiếng Anh, tin học, kỹ năng sống đã phát huy được năng lực của học sinh. Ở xa trung tâm và có hơn 50% học sinh dân tộc thiểu số, Trường Tiểu học Xuân Lương (Yên Thế) rất chú trọng giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm cho học trò.
Năm học này, nhà trường có hơn 600 học sinh. Ban Giám hiệu triển khai giảng dạy kỹ năng sống như: Giáo dục an toàn giao thông, giáo dục giới tính; phòng, chống đuối nước, cháy nổ, bạo lực học đường… Giờ học được bố trí vào các tiết sinh hoạt lớp hoặc chiều thứ Sáu hằng tuần. Thầy giáo Lăng Thế Dân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau những giờ học trải nghiệm, các em tự tin hơn trong giao tiếp, mạnh dạn trình bày hiểu biết của mình về các chủ đề trong bài giảng, liên hệ với thực tế cuộc sống”.
Bảo đảm quyền lợi học tập
Bên cạnh những trường triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục liên kết, nhiều cơ sở giáo dục vùng khó khăn, miền núi chưa được tiếp cận với các hoạt động này. Ông Chu Bá Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Động cho biết: “Trên địa bàn huyện chưa có trung tâm liên kết dạy tiếng Anh, tin học, chương trình trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống. Nhiều phụ huynh muốn đăng ký cho con học bổ trợ tiếng Anh với người nước ngoài nhưng nhà trường chưa đáp ứng được.
Để cải thiện chất lượng môn học, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo bố trí giáo viên dạy ngoại ngữ từ lớp 1 ở tất cả các trường mặc dù theo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học này bắt đầu đưa vào giảng dạy từ lớp 3. Đối với các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, nhà trường bố trí giáo viên có hiểu biết sâu về các lĩnh vực trong cuộc sống trực tiếp giảng dạy cho các em trong giờ ngoại khóa, giáo dục công dân”.
Bên cạnh đó, phụ huynh phản ánh còn có cơ sở giáo dục bố trí giờ học liên kết vào thời gian học chính khóa làm ảnh hưởng đến học sinh không đăng ký học. Tiết học liên kết có quá đông học sinh khiến chất lượng không bảo đảm, nhất là việc luyện kỹ năng nghe, nói môn tiếng Anh. Một số giờ học trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống còn hình thức. Các trường đều thực hiện mức thu tiết học liên kết theo Nghị quyết số 40 của HĐND tỉnh song có những gia đình kinh tế eo hẹp nên khó xoay xở kinh phí đóng góp dù rất muốn cho con học (trung bình mỗi tiết học từ 10-20 nghìn đồng).
Giải quyết những vướng mắc của phụ huynh, một số trường đã bố trí phòng học riêng thuận tiện cho các hoạt động liên kết. Học sinh không phải ra khỏi lớp để nhường phòng cho các bạn học các giờ học tự nguyện. Học sinh nào không tham gia sẽ ở lại lớp tự học chờ tiết học tiếp theo. Là địa bàn có nhiều trường học tổ chức các hoạt động giáo dục liên kết, mới đây, Phòng GD&ĐT TP yêu cầu các trường rà soát, đánh giá hoạt động này tại đơn vị mình. Đề nghị các trường thực hiện đầy đủ chương trình chính khóa, bố trí thời khóa biểu đủ định mức cho giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động liên kết.
Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT, đây là môn học tự nguyện, Sở nghiêm cấm gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Việc tổ chức phải bảo đảm quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi, tránh gây quá tải cho học sinh. Để bảo đảm chất lượng các hoạt động liên kết, Sở chú trọng hơn nữa công tác chỉ đạo thẩm định nội dung chương trình và yêu cầu nhà trường không được sắp xếp lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.
Các trường nên xếp lịch các tiết học liên kết sau giờ học chính khóa để học sinh có nhu cầu sẽ ở lại học, em nào không có nhu cầu có thể ra về sớm. Cùng đó, thanh tra ngành Giáo dục tăng cường kiểm tra đột xuất; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động liên kết dạy học theo quy định. Nhiều ý kiến cho rằng, các trường và đơn vị liên kết nên có những ưu tiên như miễn hoặc giảm mức đóng góp đối với học sinh hoàn cảnh kinh tế khó khăn (nếu có nhu cầu học những tiết học này).
Bài, ảnh: Minh Thu
Phát huy truyền thống, nâng chất lượng giáo dục toàn diện
(BGĐT) – Ngày 18/11, đồng chí Vũ Trí Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Giang đến dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường THPT Nguyên Hồng. Cùng dự có đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh và TP.
tin tức bắc giang, bắc giang, giảng dạy liên kết, giáo dục kỹ năng sống, nhà trường, giáo dục nhân cách toàn diện, học sinh