BẮC GIANG – Ngày 16/11, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị đối thoại với nông dân. Các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh đồng chủ trì.
Cùng dự có đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TP và gần 200 đại biểu là cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn.
Tháo gỡ vướng mắc
Hội nghị có chủ đề “Phát huy nội lực, lợi thế địa phương, thúc đẩy phong trào phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị đối thoại. |
Tại đây, đại biểu Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch HND xã Tam Dị (Lục Nam) nêu: Thời gian qua, các cấp hội đã thực hiện hiệu quả Đề án Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025”.
Tuy nhiên, chủ thể vẫn gặp khó khăn về kinh phí xây dựng sản phẩm OCOP; hoạt động tiêu thụ có thời điểm không thuận lợi. Đại biểu đề nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ.
Đại biểu Nguyễn Văn Hải, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) đặt câu hỏi về những giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, thu hút lao động có trình độ cao tham gia sản xuất nông nghiệp. Các ngành chức năng đã có định hướng, giải pháp gì để thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, phát triển, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, sản phẩm nông nghiệp tiềm năng, chủ lực, đặc trưng của tỉnh ?
Đồng chí Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị. |
Liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, đồng chí Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Sở Tài chính trả lời, ngoài kinh phí hỗ trợ theo Đề án 09, việc xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP còn được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM (trong đó có kinh phí tư vấn phát triển sản phẩm, tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu).
Hiện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2023-2026) đang trong giai đoạn hoàn thiện, khi ban hành sẽ tạo nhiều điều kiện cho người dân phát triển sản xuất. Trong dự thảo Nghị quyết sẽ có nội dung hỗ trợ chuyển giao công nghệ; mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến; đóng gói, bảo quản sản phẩm; hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Để thu hút lao động, đặc biệt là lao động trình độ cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cần có ngành nghề phù hợp, hấp dẫn. Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chính sách thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh liên kết, đặt hàng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX).
Tỉnh tiếp tục chú trọng phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, vùng chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ theo phương châm lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có của sản phẩm làm tiêu chí sản xuất, chế biến và tiêu thụ bền vững.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến lĩnh vực thủy lợi, môi trường, đất đai, an ninh trật tự, an sinh xã hội. Đại biểu Ngụy Văn Điển ở thị trấn Tân An (Yên Dũng) cho biết, những năm qua, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được quan tâm song một số công trình đang xuống cấp, nhất là tại những khu vực giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án phát triển kinh tế và khu đô thị mới. Đại biểu đề nghị ngành chức năng quan tâm khắc phục tình trạng này.
Đại biểu Vương Đức Dũng, Chủ tịch HND xã Quang Tiến (Tân Yên) nêu ý kiến. |
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay, trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư có phương án xây dựng, hoàn trả hệ thống công trình thủy lợi. Để bảo đảm tốt nhu cầu cấp, tiêu thoát nước, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc nội dung trên. Đồng thời huy động nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, nguồn lực của địa phương để xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất.
Nhiều đại biểu cho rằng ở một số địa phương vẫn còn tình trạng xả rác thải xuống kênh thủy lợi, đốt rác lộ thiên. Trong khi đó, việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải và lò đốt rác công nghệ cao ở một số địa phương còn chậm.
Giải đáp nội dung này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tháng 7/2023, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, đưa các nhà máy xử lý rác thải, nhà máy điện rác trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, TP Bắc Giang vào hoạt động. Đồng thời sớm hoàn thành thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác huyện Lục Nam.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân sản xuất
Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, hội nghị đối thoại có ý nghĩa quan trọng, giúp UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương nắm rõ những tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất của nông dân. Từ đó kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH.
Đồng chí Lê Ánh Dương kết luận hội nghị. |
Trên cơ sở các ý kiến, đề xuất của các đại biểu và trả lời, giải đáp của đại diện một số sở, ngành liên quan, đồng chí Lê Ánh Dương chỉ đạo thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với HND tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận, thụ hưởng các cơ chế, chính sách của T.Ư và địa phương về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng số lượng đi đôi nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, công nghệ cao.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu về nông sản chủ lực, khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; dữ liệu mã số vùng trồng. Quan tâm kiểm tra và kịp thời củng cố, nâng cấp hạ tầng các công trình thủy lợi, bảo đảm tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đồng chí yêu cầu Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân; phối hợp với HND hướng dẫn, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; chú trọng đào tạo các kỹ năng ứng dụng công nghệ cao, trang bị kiến thức quản lý kinh tế, phát triển thị trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường có biện pháp khắc phục những bất cập trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Tăng cường kiểm tra, xử lý, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Các sở, ngành khác và UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của hội viên, nông dân; rà soát các quy định, chính sách của T.Ư, của tỉnh; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để các nghị quyết, cơ chế, chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Đồng chí Lê Ánh Dương mong muốn mỗi cán bộ, hội viên, nông dân không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, năng lực, luôn đặt ra câu hỏi làm gì để nâng cao giá trị nông sản kết hợp với bảo vệ môi trường, từ đó có những cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Tin, ảnh: Thế Đại-Mạc Yến
Khuyến nông Bắc Giang đồng hành với nông dân
BẮC GIANG – Năm 1993, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) ra đời. 30 năm qua (1993-2023), hệ thống khuyến nông là một phần không thể thiếu trong “bức tranh” phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh nhà. Công tác khuyến nông ngày càng đổi mới với các mô hình hiệu quả, định hướng giúp nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Lục Ngạn: Đào tạo nghề cho hơn 900 nông dân
bắc giang, đối thoại với nông dân, chủ tịch tỉnh, hội nông dân tỉnh, đồng chí Lê Ánh Dương