BẮC GIANG – Ngày trước, bạn bè đã khuyên tôi đừng lấy vợ trên phố. Càng khuyên, tôi lại càng chẳng thèm để tâm vào mấy việc gia cảnh cũ rích ấy.
Ngày cưới, lúc đứng trước bàn thờ gia tiên làm lễ rước dâu, vợ tôi ghé tai nói nhỏ: “Sau này anh mà quên ngày này thì… liệu hồn”. Cưới xong, bạn bè lại bảo tôi ăn may bởi lấy vợ đúng vào ngày tôn vinh phụ nữ, sau này tiết kiệm được một món quà. Ấy thế mà lấy nhau gần 5 năm, bé Kẹo đã đi học mầm non mà chẳng có ngày 20/10 nào tôi ở nhà. Dân công trường nay đây mai đó, bố mẹ, gia đình thông cảm nên cũng chẳng trách móc gì. Có nhiều lần cầm hộp quà trên tay, vợ tôi thở dài: “Giá kể anh về được đúng ngày thì dù chỉ là một bông hoa bé xinh em cũng thấy ấm lòng hơn”.
Minh họa: HIỀN NHÂN. |
Vợ tôi thẳng thắn quá khiến tôi áy náy. Hết năm này đến năm khác, cuối cùng thì giữa tháng 10 tôi cũng xin được nghỉ đôi ba ngày. Xe đang đi, bỗng mọi người hét lên, hóa ra lũ đã về ngập tràn con suối. Cả đoàn người bị cô lập nhá mì tôm sống cho đến hôm sau nước rút mới chật vật ra được đến thị trấn.
Phố chật chội. Ngõ hẹp, người đông, nóng nực, áp lực sinh nhai khiến ai cũng cau có. Tôi thân với một bà hàng nước vốn là người cùng làng với tôi lên đây từ mấy chục năm trước làm công nhân.
– Bá tài nhỉ, chả có “tấc đất cắm dùi” ở đây mà thuộc vanh vách chuyện phố.
-Tao chỉ có một mét vuông bán hàng nhưng còn hơn khối người ở đây. Mày bảo có phải ai cũng trụ lại được đây đâu.
Tôi thấy thú vị liền gặng hỏi:
– Mà bá ơi, bá có bí quyết gì để không bị đuổi ?
– À, thì mày đang ngồi dưới gốc cây đúng không. Đấy, tao là người trồng cây. Bão quật đổ cây này tao trồng cây khác, khi cây xòe tán thì tao dọn hàng ra. Bán bóng mát là được lâu bền nhất.
Tôi lờ mờ hiểu ra con người ta muốn làm gì cũng phải có niềm tin. Vì thấy bà luôn trồng cây trên hè phố mà người ta nghĩ bà là người lương thiện nên sẵn sàng bao dung cho quán nước nhỏ này.
Cửa khóa, giờ này Dung đang trong ca làm nên tôi không thể gọi điện. Bé Kẹo chắc đang vừa xem hoạt hình vừa được bà ngoại bón cơm. Tôi thong thả bước trên phố tìm một hàng hoa tươi. Sau những cái lắc đầu, tôi nhận ra số tiền trong túi mình không đủ để mua một bó hoa. Mấy năm không về phố vào những ngày này hóa ra giá cả thị trường đã thay đổi chóng mặt.
Ở bản, bà con chẳng ai biết đến ngày lễ tình nhân này, Valentin kia, không khí lễ Tết bị ngăn cách bởi những dãy núi cao quanh năm mây phủ. Tôi nhớ năm ấy, 20/10, cũng vào chiều thứ 6, mọi người trong đội ở gần đã về nhà, chỉ còn mỗi tôi ở lại canh đồ đạc, thiết bị. 5 giờ chiều, mưa rừng ập đến, bầu trời như bưng kín. Muông thú hẳn đã kịp ẩn náu vào các hang hốc, khe rãnh, chỉ còn lại con người với sự lo âu và hoảng hốt. Cái lán ven rừng của tôi như sắp vỡ vụn bởi nước mưa và tiếng sấm vọng vào đá, dội vào lồng ngực.
Vừa kéo tấm bạt che chỗ mưa hắt, tôi giật mình khi thấy một bóng người nhào vào lán và ngã quỵ như một cây rừng bị chặt hạ. Đỡ anh ta vào võng, tôi nhận ra đó là một người đi rừng, lưng gùi ít lá thuốc, đôi môi nhợt nhạt, nước da xanh xao và đôi mắt mệt mỏi sau những ngày vất vả. Sau khi húp xong bát cháo nóng, thân thể anh ấm dần và miệng bắt đầu mấp máy muốn nói điều gì. Tôi vắt óc suy luận và hiểu được anh chàng này đi hái thuốc và lạc đường kiệt sức. Thường thì các thầy lang có sức khỏe và kinh nghiệm đi rừng, họ thông thạo các khu vực có thuốc quý chứ không ẻo lả như người đàn ông này.
– Anh yếu sao còn tự đi, đến nhà thầy lang cắt thuốc là được.
Nghe tôi nói xong, đôi mắt anh ta bỗng trở nên nghiêm nghị:
– Không được, đấy là vợ tôi bị bệnh. Bệnh này chỉ nhà tôi mới có thuốc gia truyền.
Tôi bắt đầu thành bạn của anh chàng có tên Hờ từ hôm ấy. Thi thoảng có việc qua đội giao thông đường bộ, Hờ thường đem cho tôi và anh em khi thì tổ ong, khi cân chè shan tuyết, lúc lại miếng thịt gác bếp. Một lần, thấy Hờ ngồi uống rượu mà mặt buồn thiu, tôi hỏi đùa:
– Bị vợ mắng hay sao mà mặt buồn thế ông bạn?
Chẳng ngờ, câu hỏi đó lại vô tình chạm vào nỗi suy tư của anh.
– Cán bộ đừng nói thế. Tôi buồn vì mai vợ nó không ở với tôi nữa.
– Ơ hay, vợ chồng ông gần bốn chục tuổi rồi vẫn còn định ly thân sao?
– Từ tháng Chín này thằng Hếnh đi học đại học, vợ nó tính nếu ở nhà thì không có tiền gửi cho con. Nó bảo ra thành phố bán hàng rong, tiết kiệm chi phí cũng được một khoản cho con.
Tôi đặt chén rượu xuống, đặt tay lên vai Hờ:
– Tính thế cũng phải, nuôi con đi học với nông thôn là bài toán khó đấy, nếu không liều thử vận may thì không lấy gì trang trải được. Thế vợ ông định buôn gì, bán gì?
– Nó bán hoa cho người ta. Là hoa biết nở, hoa có gai.
Từ hôm ấy, không thấy Hờ ghé qua nữa, chúng tôi không có số điện thoại nên chẳng có thêm tin tức gì về anh. Lúc này, dưới cơn mưa bụi tháng Mười se lạnh, nhìn những người phụ nữ rong ruổi bán hàng hoa trên phố, tôi chẳng biết cô vợ anh có trong số đó không nhưng để trụ lại được ở chốn phồn hoa thì cũng phải biết mua rẻ, bán đắt. Dù gì, mấy đồng tiền công nhân còm cõi trong túi tôi cũng đâu thể với tới một bó hoa đẹp trong buổi chiều tấp nập người xe này.
Tôi tiếp tục đi lang thang trên các con phố quen cho đến khi gặp một quán rượu nhỏ. Chút men lá đồng rừng làm ấm lòng kẻ thất thế giữa chốn thị thành. 21 giờ 30 phút, phố đã vắng. Chừng nửa tiếng nữa Dung sẽ tan ca.
Tôi đút tay vào túi quần, hai túi nhẹ bẫng với cái ví gần như rỗng không. Nực cười thật, chỉ ngày kia khi tôi lên xe, cái ví lại có đôi tờ xanh xanh được Dung nhét vào đó như một sự an ủi cho anh chồng nghèo. Mưa nặng hạt hơn, phố lạnh vắng, người qua đường vội vã. Giờ này những món quà, những bông hoa đã đến tay người nhận, rượu đã nâng lên môi, nụ hôn đã trao nhau.
Tôi giật mình bởi một người đang ngồi bệt chỗ góc tối sau tủ điện đầu phố. Đó là một người bán hoa tươi, giờ này thì chẳng còn cái giá nào cho thứ quà sa sỉ đó cả. Tôi mạnh dạn hỏi giá, chị ta ngây người nhìn tôi đầy khó hiểu:
– Giờ này anh còn mua hoa tặng ai?
– Tôi mua tặng vợ.
– Vợ anh giờ này không còn muốn nhận hoa nữa đâu.
– Không, vợ tôi mới chỉ vừa tan ca, cô ấy còn hơn hai mươi phút nữa để về nhà. Tôi vẫn kịp.
– Vậy anh lấy đi, tôi tặng anh đó, lấy hết nhé để tôi còn về…
Một bó hồng đỏ đã nằm yên vị trên bàn. Dung bước vào, dưới chiếc mũ bảo hiểm là mái tóc vàng và cặp lông mày mới phun săm. Hình như em chẳng mấy hứng thú gì với sự xuất hiện của chồng.
– Hoa giải cứu à anh xã? Mua cho cô bán hoa đầu phố đúng không?
– Sao em biết?
– Sao lại không biết. Hoa với hoét xấu thế này ai mua, chẳng ế ra à. Nhưng được cái lúc mất giá lại có chồng tôi giải cứu.
Hôm sau, hơn sáu giờ sáng, chuông cửa đã kêu. Tôi mắt nhắm mắt mở ra mở cửa. Không thể tin được, người phụ nữ bán hoa đầu phố đã bước vào niềm nở chào hai vợ chồng tôi. Dung nhanh nhảu hướng dẫn cô ta sử dụng mọi tiện nghi trong nhà và nhắc. Em cứ làm theo chị, hằng ngày ở đây chỉ có hai chị em rất tiện. Anh nhà chị đi công tác xa.
Tôi níu tay Dung:
– Tiền đâu mà em thuê giúp việc?
– Ô hay, vợ anh lên tổ trưởng rồi mà không biết à. Mà anh biết làm gì, biết yêu hai mẹ con em là được rồi.
Nhìn hai người phụ nữ cùng sửa sang những bông hồng đang cắm trong bình. Ngôi nhà ngập tràn ánh nắng ngày mới, lòng tôi tràn đầy hạnh phúc…
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Rời sông về núi
BẮC GIANG – Những cơn mưa trắng xóa kéo dài hàng giờ đồng hồ làm lung lay vạt rừng nằm cheo leo ở dốc núi. Mưa từ sáng tới trưa, từ trưa tới xế chiều, đến khi chiếc xe chở mười hai hành khách, trong đó có Mỹ, dừng lại ở bến xe thị trấn.
Đường về xóm nhỏ
BẮC GIANG – Chiếc xe Vios màu vàng cát bon nhanh rồi dừng lại trên lối rẽ dẫn ra cánh đồng. Từ trên xe, người đàn ông trung niên bước xuống. Vóc dáng bệ vệ cùng cách ăn mặc cho thấy đây là người sang trọng. Anh đưa mắt nhìn về phía những ngôi nhà nhỏ giữa cánh đồng đang mùa nước nổi.
Lớp học ở bến Khói Tàn
BẮC GIANG – Thị trấn trung du mỗi chiều cuốn lên một quầng bụi đỏ. Con đường chạy dài xa lắc phía chân đồi. Những mái nhà trên phố nép vào nhau im lặng trong hoàng hôn. Cuối thị trấn có một bến sông luôn mờ ảo khói sương. Người ta gọi là bến Khói Tàn. Tương truyền xưa kia, nơi đây là một vùng bờ bãi mênh mông trù phú, cuối thu người ta đốt cỏ làm đồng khói bay mơ màng suốt ngày.
tin tức bắc giang, bắc giang, Hoa muộn, bàn thờ gia tiên, lễ rước dâu, vợ tôi, bó hoa, phụ nữ, hoa hồng