Tha phương mưu sinh
Chúng tôi đã không ít lần bắt gặp những bản làng “trống hoác” bóng người, dù là khi sáng sớm hay chiều muộn. Hỏi ra thì mới hay, những người trẻ, người trong độ tuổi lao động nơi ấy đang phải tha phương tìm cách mưu sinh.
Ngay như bản Văng Môn, xã Tam Hợp (Tương Dương), có 79 hộ với 328 nhân khẩu, nhưng có đến khoảng 70 người đi làm ăn xa quê. Theo anh Lương Văn Thuận, Phó Trưởng bản Văng Môn, thì những người đi làm ăn xa ở miền Nam, chủ yếu là lao động chính trong gia đình. Vào trong đó, họ xin làm công nhân cao su, hoặc làm thuê công nhật, thu nhập cũng không cao nhưng vẫn còn hơn, vì ở nhà không có việc làm.
Cũng tình trạng vắng vẻ như vậy, bản Kẻo Nam, xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) có khoảng 60 hộ, nhưng giờ chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Ông Nguyễn Viết Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý cho biết: Nhiều gia đình đã để lại nhà cửa, con nhỏ cho ông bà trông nom để vào Nam làm thuê; thậm chí có nhiều gia đình bồng bế nhau đi hết luôn. Họ đi suốt, mãi cuối năm, cũng có khi mấy năm mới về một lần.
Cơ hội tìm kiếm việc làm ở tại quê hương chưa bao giờ là dễ dàng. Đơn cử tại địa bàn huyện Quế Phong và Quỳ Châu, mặc dù hằng năm có khoảng 3.000 người bước vào độ tuổi lao động nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, do vậy gần 10 năm lại đây, 2 huyện gần như không có dự án nào thu hút được trên 50 lao động.
Mấy năm gần đây, ở các huyện miền núi Nghệ An, cứ đến hè lại rộ lên hình ảnh hàng trăm trẻ nhỏ rồng rắn bắt xe khách vào miền Nam. Bọn trẻ vượt quãng đường hàng nghìn km, vào miền Nam thăm bố mẹ đi làm thuê. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi dịp hè, đang phản chiếu một thực trạng xã hội đầy bất cập về cơ cấu việc làm, thu nhập và những vấn đề xã hội khác.
Ở một địa phương có đông lao động đi làm ăn xa như huyện Kỳ Sơn, thì hệ lụy, bất ổn còn lớn hơn rất nhiều. Trong giai đoạn 2020 đến nay, hằng năm có từ 10.000 đến 13.000 lao động tự tìm việc làm (lao động tự do). Riêng từ đầu năm năm 2023 đến nay, huyện Kỳ Sơn có hơn 15.353 lao động tự do đi làm ăn xa; chủ yếu đi làm việc tại các địa phương như Đắc Lắc, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh. Trong khi đó, toàn huyện có 83.480 người. Điều đó cho thấy, số lao động đi làm ăn xa chiếm khoảng 1/7 tổng dân số của cả huyện.
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn thông tin: Có rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến địa phương cũng như chính gia đình của các lao động mưu sinh xa quê. Khi bố mẹ đi làm ăn xa, con nhỏ gửi lại cho ông bà nên đang có một bộ phận trẻ nhỏ thiếu đi sự chăm sóc, nuôi dạy của bố mẹ nên việc học hành bị ảnh hưởng, một số em nhỏ đã tự ý bỏ học giữa chừng; nhiều người già và trẻ nhỏ không có người làm chỗ dựa lúc đau ốm.
Tạo việc làm, sinh kế từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được hỗ trợ nguồn lực cho công tác chuyển đổi nghề và đào tạo nghề.
Ngay tại huyện Tương Dương, thực hiện nội dung số 3, Dự án 1, Chương trình MTQG 1719 về hỗ trợ sản xuất, chuyên đổi nghề; từ nguồn vốn của Chương trình, địa phương đã tiến hành hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn, theo hình thức hỗ trợ mua cây và con giống, máy móc. Theo đó, năm 2022 và 2023 đã thực hiện hỗ trợ cho 510 hộ; riêng 985 hộ được phê duyệt danh sách năm 2024 để mua cây và con giống, máy móc thì các địa phương đang tiến hành triển khai.
Ông Trần Văn Toản,Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Tương Dương thông tin: Huyện đã tổ chức 13 lớp với 410 học viên, với các ngành nghề đào tạo như kỹ thuật chế biến món ăn, sản xuất giống cây lâm nghiệp, nuôi cá nước ngọt, nuôi vịt bầu, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn… tại các xã Tam Quang, Mai Sơn, Tam Đình, Xá Lượng, Lượng Minh, Thạch Giám, Yên Thắng, Yên Tĩnh, Yên Na… Hiện nay, qua 2 đợt khảo sát nhu cầu học nghề tại các xã, thị trấn có gần 2.000 lao động nông thôn đang có nhu cầu học nghề, sẽ được tổ chức học trong thời gian tới.
Tính đến tháng 9/2024, thực hiện nội dung số 3, Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, toàn tỉnh có 1.878 hộ dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Dự kiến đến ngày 31/12/2024, sẽ có 3.007 hộ dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Còn theo nội dung 1, Tiểu dự án 3, Dự án 5, Chương trình MTQG 1719 về xây dựng các mô hình đào tạo nghề; toàn tỉnh đã có 1.210 lượt người tham gia các mô hình đào tạo nghề. Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh sẽ có 1.528 lao động và hết 2025 sẽ là 1.955 lượt người tham gia các mô hình đào tạo nghề.
Điều rất đáng mừng, từ việc thực hiện nội dung 2, Tiểu dự án 3, Dự án 5, Chương trình MTQG 1719, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 5.067 lao động được hỗ trợ giới thiệu tư vấn về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự kiến con số này đến hết năm 2024 là 5.400 lao động.
Gia đình ông Lữ Văn Kèo (trú tại bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ) nhà đông con, lại không có việc làm ổn định, trước đây 7 nhân khẩu phải sống trong căn nhà gỗ tạm bợ, lụp xụp. Cách đây 2 năm, ông Kèo vay vốn cho con trai đầu của gia đình đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Đến nay, con trai đã gửi về cho gia đình hơn 200 triệu đồng. Nhờ số tiền này mà ông Kèo đã dựng được ngôi nhà sàn kiên cố và tích góp được vốn làm ăn.
Ngoài những lao động tham gia xuất khẩu, thì hàng ngàn lao động được hỗ trợ chuyển đổi nghề, sẽ là cơ hội việc làm rất lớn để người lao động bám bản, bám làng. Không gì bằng có việc làm ngay chính trên quê hương; bởi tác động xã hội từ vấn đề này sẽ là rất lớn. Hi vọng, từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, giai đoạn II, sẽ có thêm nhiều lao động được hỗ trợ việc làm ngay chính trên quê hương, mở ra cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân miền núi.
Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động DTTS