BẮC GIANG – Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ là đại diện, cầu nối giữa DN với các cơ quan nhà nước. Qua đó, kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền xây dựng, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế chính sách liên quan đến DN, doanh nhân; tạo dựng, vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, tương trợ lẫn nhau, động viên, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp.
Trong năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, cộng đồng DN tỉnh phải đối diện với nhiều thách thức. Cuộc xung đột Nga-Ukraina đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng ở nhiều nước, nhất là Hoa Kỳ và khu vực châu Âu, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tổng cầu giảm mạnh. Ở trong nước, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng nhanh, lãi suất cho vay rất cao, thị trường bất động sản “đóng băng”, nhiều bất cập trong đăng kiểm phương tiện cơ giới, thủ tục phòng cháy, chữa cháy…
Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra dây chuyền sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Công ty TNHH JA Solar. Ảnh: Thảo My. |
Từ những tác động trên, DN trong tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là các DN trong lĩnh vực may mặc thiếu đơn hàng. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn cũng cắt giảm công suất, lao động, làm ảnh hưởng chung đến các DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo rất nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng khó khăn. Các nhà thầu xây lắp càng thi công càng lỗ, nhất là các DN đã ký hợp đồng theo đơn giá cố định trước khi giá tăng.
Bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế, DN còn gặp khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính; sự mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định pháp luật hay thiếu đồng bộ về quy hoạch. Một bộ phận cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm, thậm chí còn có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu.
Trước những khó khăn đó, với chức năng là “cầu nối” cộng đồng DN với cấp ủy, chính quyền, Hiệp hội DN tỉnh đã tập trung cao cho việc thu thập, phản ánh kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN đến các cấp, ngành. Trong 6 tháng đầu năm, Thường trực Hiệp hội đã có 4 văn bản, kiến nghị 37 vướng mắc, khó khăn gửi Chủ tịch UBND tỉnh. Kết quả, các cấp, ngành đã giải quyết được 34/37 kiến nghị.
Hiệp hội đã chủ động đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, đối thoại với cộng đồng DN, qua đó thu hút đông đảo các DN, doanh nhân trong tỉnh tham gia. Đã có 46 kiến nghị bằng văn bản và trực tiếp tại buổi đối thoại. Theo đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của DN đã được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp, ngành giải quyết tại chỗ hoặc sau đó.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang LGG. |
Hiệp hội cũng kiên trì tham gia đóng góp với các cơ quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến DN, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, đô thị, đất đai, đầu tư, phòng cháy, chữa cháy… Cơ bản các ý kiến đóng góp đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu nghiêm túc. Bên cạnh đó, Hiệp hội chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Quan tâm kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất trồng lúa, giao đất; kiến nghị tạm dừng cưỡng chế tiền sử dụng đất thông qua tài khoản. Kịp thời thông báo các chính sách, ưu đãi hỗ trợ của T.Ư cho DN trong thời kỳ gặp khó khăn.
Hiệp hội đã phối hợp tốt với các cơ quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh… tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản trị kinh doanh, pháp luật và chuyển đổi số cho DN. Thường xuyên thông tin về thị trường, hội chợ, triển lãm để các hội viên có nhu cầu tham gia.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 15 nghìn DN đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký hơn 180 nghìn tỷ đồng… “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong điều kiện khó khăn càng đòi hỏi mỗi DN, doanh nhân cần quyết tâm vươn lên, tìm hướng đi mới, không ngừng học tập, rèn luyện “Tâm, tầm, tài, trí”, từng bước xây dựng DN ngày càng lớn mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. |
Tổ chức giới thiệu sản phẩm của các hội viên thông qua xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Hoạt động hỗ trợ, chăm sóc hội viên của Hội DN các huyện, TP tiếp tục được duy trì tốt. Các hội thường xuyên triển khai cho hội viên tham gia những chương trình tập huấn, đào tạo do UBND huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội DN tỉnh tổ chức…
Chính từ sự động viên, giúp đỡ kịp thời của cấp ủy, chính quyền, Hiệp hội DN tỉnh và các tổ chức hội DN trên địa bàn, sự chủ động của chính các DN, doanh nhân nên cộng đồng DN Bắc Giang vẫn phát triển mạnh mẽ. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 15 nghìn DN đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký hơn 180 nghìn tỷ đồng.
Nhiều DN tìm cách cơ cấu lại tài chính, nhân sự, chủ động tìm nguồn vốn và đơn hàng… đóng góp tích cực vào sự phát triển chung KT-XH của tỉnh. Tăng trưởng GRDP của Bắc Giang hiện đạt 12,04%, đứng thứ hai cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17,4%; thu ngân sách đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70,6% dự toán năm.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong điều kiện khó khăn càng đòi hỏi mỗi DN, doanh nhân cần quyết tâm vươn lên, tìm hướng đi mới, không ngừng học tập, rèn luyện”Tâm, tầm, tài, trí”, xây dựng DN ngày càng lớn mạnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
Gặp mặt nữ doanh nhân tỉnh Bắc Giang
BẮC GIANG – Ngày 6/10, Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp mặt kỷ niệm 78 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 (1945-2023) và kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam 20/10 (1930-2023).
tin tức bắc giang, bắc giang, doanh nghiệp, doanh nhân vượt khó, kinh tế toàn cầu, nguồn vốn tín dụng, lạm phát gia tăng, thủ tục hành chính