BẮC GIANG – Trong cao trào cách mạng của cả nước tiến tới Tổng Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Bắc Giang vinh dự có huyện Hiệp Hoà là địa phương đi đầu cả nước, đã sớm lật đổ ách đô hộ của thực dân phong kiến và phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân.
Trước Cách mạng tháng Tám, Hiệp Hòa đã được chọn là “An toàn khu (ATK) II” của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhân dân tổng Hoàng Vân (nay là xã Hoàng Vân) đã từng nuôi giấu, che chở nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái, Trần Quốc Hoàn, Võ Nguyên Giáp, Hà Thị Quế… về hoạt động.
Giáo dục truyền thống cho học sinh tại Nhà trưng bày ATK II Hiệp Hòa. Ảnh: VH. |
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh, ngày 16/12/1940, tại Nội Đống Mú, thôn Vân Xuyên, Chi bộ Hoàng Vân – Chi bộ Đảng đầu tiên do đồng chí Lê Hoàng, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ làm Bí thư được thành lập, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng huyện Hiệp Hòa và tỉnh Bắc Giang.
Tối 9/3/1945, phát xít Nhật làm đảo chính lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị nhận định, cuộc đảo chính đã làm cho điều kiện khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi; phát động cao trào kháng Nhật mạnh mẽ, chuẩn bị cho Tổng Khởi nghĩa; đồng thời thay đổi hình thức tuyên truyền, tổ chức đấu tranh để thích hợp với thời kỳ mới: Thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Sau khi dự Hội nghị, các đồng chí Lê Thanh Nghị (đặc phái viên của Trung ương, chỉ đạo phong trào chống Nhật ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên) và Nguyễn Trọng Tỉnh (Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang) đã về ngay Hiệp Hòa để chỉ đạo phong trào. Về tới xã Xuân Biều thuộc tổng Cẩm Bào (nay là làng Xuân Biều thuộc xã Xuân Cẩm), nắm bắt tình hình địch và khí thế đấu tranh của quần chúng, hai đồng chí đã quyết định phát động khởi nghĩa giành chính quyền.
Chiều 12/3/1945, các đồng chí Lê Thanh Nghị, Nguyễn Trọng Tỉnh, Hà Thị Quế, Lê Thị Thuận, Phạm Yên… họp tại đình Xuân Biều bàn kế hoạch khởi nghĩa. Tối hôm đó, sau khi đã tước triện và sổ sách của Lý trưởng Nguyễn Bá Thịnh, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại đình Xuân Biều, có hơn 70 tự vệ và 300 quần chúng tham gia. Đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh tuyên bố thủ tiêu chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng xã. Đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã thắng lợi đầu tiên trên phạm vi cả nước nhờ vận dụng kịp thời Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về khởi nghĩa từng phần, tạo điều kiện tiến tới Tổng Khởi nghĩa.
Hiệp Hòa là huyện giành chính quyền đầu tiên trong hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, trước ngày 19/8/1945 Tổng Khởi nghĩa ở Hà Nội 79 ngày và là một trong những huyện giành chính quyền sớm nhất cả nước, tạo tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám thành công ở Bắc Giang vào ngày 18/8/1945. |
Ngày 13/3/1945, Ủy ban Dân tộc giải phóng làng Trung Định (Trung Hòa, Trung Hưng, Mai Trung ngày nay) được thành lập, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới. Hoảng sợ trước phong trào cách mạng của quần chúng, binh lính và chủ đồn điền Vát đã bỏ chạy. Cùng ngày, Ủy ban Dân tộc giải phóng Xuân Biều, Trung Định đã huy động tự vệ và quần chúng đông tới hàng nghìn người kéo đến bao vây đồn điền Vát, lấy toàn bộ số thóc và trâu bò.
Ngày 15/3/1945 một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở chợ Vân, các đồng chí Lê Thanh Nghị và Nguyễn Trọng Tỉnh lên diễn thuyết hô hào quần chúng phá kho thóc của Nhật, chống Nhật thu thuế, thành lập chính quyền cách mạng. Ngày 16/3/1945, hàng nghìn người là tự vệ và quần chúng hai tổng Hoàng Vân, Ngọc Thành và khu ấp Ba Huyện tham gia một cuộc biểu tình thị uy, sau đó kéo thẳng đến đồn Cọ, phá kho lấy thóc chia cho dân nghèo.
Trong bối cảnh ấy, từ ngày 15 đến 20/4/1945, tại nhà ông Ngô Văn Đông (Lý Đông), làng Liễu Ngạn, tổng Hoàng Vân, Trung ương Đảng đã họp Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ để thảo luận cụ thể công tác chuẩn bị khởi nghĩa. Dự hội nghị có các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bạch Thành Phong, Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị, Chu Văn Tấn… do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì.
Sau khi phân tích tình hình thế giới và cao trào kháng Nhật của nhân dân, Hội nghị ra Nghị quyết chỉ rõ: “Tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này. Chúng ta phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, gây dựng căn cứ địa kháng Nhật để chuẩn bị cuộc Tổng Khởi nghĩa cho kịp thời cơ”.
Hội nghị quyết định thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân, phát triển các đội tự vệ vũ trang và tự vệ chiến đấu, mở trường đào tạo cấp tốc cho cán bộ quân sự. Để tạo bàn đạp cho cuộc Tổng Khởi nghĩa, Hội nghị đã quyết định xây dựng 7 chiến khu là: Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Trần Hưng Đạo ở Bắc Kỳ; Phan Đình Phùng, Trưng Trắc ở Trung Kỳ; Nguyễn Tri Phương ở Nam Kỳ và xác định “phải đánh thông liên lạc giữa các chiến khu của ba kỳ”. Hội nghị cử ra một Ủy ban Quân sự gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh… để chỉ huy các chiến khu ở miền Bắc Đông Dương và giúp đỡ cho toàn quốc về mặt quân sự.
Ngày 8/5/1945, Hội nghị Đại biểu nhân dân các xã thuộc huyện Hiệp Hòa được triệu tập tại đình làng Quế Sơn (tổng Quế Trạo) bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng huyện do đồng chí Ngô Tuấn Tùng làm Chủ tịch và ra nghị quyết tạm chia ruộng đất của hai đồn điền Cọ và Vát cho tá điền và nông dân nghèo. Đây là huyện đầu tiên trong toàn tỉnh thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng và có Nghị quyết tạm chia ruộng đất.
Trước áp lực của cách mạng, tri huyện Thái Vĩnh Thịnh đã xin quy thuận Việt Minh. Tối 1/6/1945, đồng chí Lương Văn Đài và Nguyễn Trọng Tỉnh chỉ huy một đơn vị vũ trang của tỉnh cùng với tự vệ Hoàng Vân chiếm huyện đường, đốt toàn bộ sổ sách, tài liệu của chính quyền cũ, thu 30 súng, xử tử tên lục sự Liễn tại chỗ vì có nhiều tội ác với nhân dân. Với sự kiện trên đã chấm dứt vĩnh viễn chính quyền của chế độ phong kiến thực dân và phát xít ở huyện Hiệp Hòa.
Lịch sử ghi nhận Hiệp Hòa là huyện giành chính quyền đầu tiên trong hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, trước ngày 19/8/1945 Tổng Khởi nghĩa ở Hà Nội 79 ngày và là một trong những huyện giành chính quyền sớm nhất cả nước, tạo tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám thành công ở Bắc Giang vào ngày 18/8/1945, là một trong bốn tỉnh khởi nghĩa thắng lợi sớm nhất cùng với Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam.
Năm 1999, xã Hoàng Vân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Tháng 8/2012, 16 xã của huyện Hiệp Hoà được Nhà nước công nhận ATK II. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 8 điểm di tích ATK II Hiệp Hòa là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Nguyễn Năng Lực
Hiệp Hòa: Khéo dân vận xây dựng quê hương
(BGĐT) – Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo (DVK) qua việc xây dựng, nhân rộng những mô hình, điển hình. Qua đó góp phần tích cực thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Hiệp Hòa: Tự hào truyền thống quê hương, vững vàng trên chặng đường mới
(BGĐT) – Trước năm 1945, huyện Hiệp Hòa được T.Ư Đảng, Bác Hồ chọn làm căn cứ ATK II để lãnh đạo cách mạng. Ngày 1/6/1945, Hiệp Hòa là địa phương khởi nghĩa giành chính quyền cấp huyện đầu tiên ở tỉnh Bắc Giang, mở màn cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi. Lửa truyền thống ATK II sáng mãi, là động lực tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa vững bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương.
Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng 3/2 (1930-2021): “Địa chỉ đỏ” ở ATK II Hiệp Hòa
(BGĐT) – Trước Cách mạng Tháng Tám, đình Chợ Vân, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) là nơi diễn ra cuộc diễn thuyết của cán bộ cách mạng phát động cao trào kháng Nhật, đánh Pháp, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây cũng là một trong 8 điểm di tích lịch sử của An toàn khu (ATK) II Hiệp Hòa vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, hiệp hoà, huyện hiệp hòa, thực dân phong kiến, cách mạng tháng Tám, khởi nghĩa, an toàn khu ii, phong trào cách mạng, di tích quốc gia đặc biệt