BẮC GIANG – Gần 20 năm công tác, cô giáo Dương Thị Bền (SN 1982), dân tộc Tày, hiện giảng dạy môn Lịch sử – Địa lí tại Trường THCS Vân Sơn (Sơn Động – Bắc Giang) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bằng tất cả nỗ lực và niềm say mê, cô tích cực nghiên cứu giảng dạy, giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Gà, xã Vân Sơn – xã đặc biệt khó khăn với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cô Bền thấu hiểu những vất vả của học trò. Trước đây, Lịch sử và Địa lí là những môn học ít em quan tâm, cho rằng khô khan, khó hiểu vì nhiều sự kiện, con số. Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Bền cố gắng tìm tòi, thay đổi phương pháp giảng dạy để mỗi tiết học trở nên hấp dẫn hơn. Trong ba năm học gần đây, số học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện do cô bồi dưỡng ngày càng tăng.
Cô giáo Dương Thị Bền truyền dạy tiếng dân tộc Tày cho học sinh. |
Trong số những trò giỏi có em Vi Thị Yến Nhi. Gia đình Nhi thuộc hộ nghèo, em bị bỏng nặng từ khi còn học tiểu học nên cơ thể không được lành lặn. Từ các giờ giảng trên lớp, cô Bền nhận thấy Nhi có tinh thần ham học, tiếp thu tốt kiến thức nên đã dành nhiều thời gian truyền dạy phương pháp học cho em. Kết quả, Yến Nhi đã giành giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử – Địa lí lớp 7 năm học 2022-2023. Cũng trong năm học đó, 8 học sinh do cô bồi dưỡng đều đoạt giải, trong đó có một giải Nhất, 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích.
Là người dân tộc Tày, trong suốt quá trình công tác, cô Bền luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thấy nhiều học sinh không biết tiếng dân tộc mình, cô đã mạnh dạn mở lớp dạy ngoại khóa tiếng Tày. Em Hoàng Trọng Văn, lớp 9A1 chia sẻ: “Sau một thời gian học, em và các bạn rất vui vì đã biết giao tiếp đơn giản bằng tiếng dân tộc mình”.
Cô Bền còn say mê nghiên cứu khoa học. 3 năm qua, cô có 4 sáng kiến, đề tài được cấp huyện công nhận, đưa vào áp dụng mang lại hiệu quả cao. Điển hình là sáng kiến “Tìm hiểu, giới thiệu, biên soạn chữ viết và dân ca của dân tộc Dao đỏ, vận dụng vào dạy chương trình Ngữ văn địa phương cho học sinh ở Trường THCS Vân Sơn”; “Giúp học sinh học tốt môn Lịch sử lớp 9 thông qua lồng ghép giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”.
Với những thành tích trong công tác, cô giáo Dương Thị Bền có nhiều năm được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Dịp này, cô được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, góp phần phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2023.
Bài, ảnh: Hải Vân
Cô giáo có nhiều sáng kiến
BẮC GIANG – Trong danh sách những tập thể, cá nhân được tôn vinh tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Yên Thế lần thứ Nhất năm 2023, cô giáo Lương Thị Mai (SN 1987), dân tộc Nùng, công tác tại Trường THPT Yên Thế có nhiều thành tích nổi bật.
Cô giáo Dương Thị Kim Thoa: Giúp học trò say mê học tập
(BGĐT) – Cô giáo Dương Thị Kim Thoa, Trường THCS Bảo Sơn nhiều năm liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Cô là một trong những điển hình tiên tiến về học và làm theo Bác được huyện Lục Nam (Bắc Giang) tuyên dương, khen thưởng dịp 19/5 năm nay.
Nghị lực của cô giáo dạy Toán bị cưa chân
Trước khi trở thành thạc sĩ Toán học, người truyền cảm hứng với nhiều hoạt động thiện nguyện, cô giáo Minh Tâm từng thu mình lại trước những lời xì xào vì bị cưa một bên chân.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Sơn Động, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, văn hóa dân tộc, dân tộc thiểu số, cô giáo, học sinh thân yêu, phương pháp giảng dạy mới