– Mẹ giữ gìn sức khỏe, con đi đây ạ. Khi nào nghỉ phép con sẽ về thăm mẹ!
Xe từ từ lăn bánh để lại sau lưng ngôi nhà ngói đỏ đã ngả màu trầm theo năm tháng. Mẹ tôi vẫn đứng đó, cạnh cánh cổng nâu, mắt rưng rưng lệ, dưới cơn mưa phùn. Bóng mẹ khuất dần, ngôi nhà quen thuộc khuất dần, chỉ còn những thửa ruộng xanh mướt của mạ non là đang lùi chầm chậm về phía sau như muốn níu kéo bước chân người. Tôi đã đến với Trường Sa vào một ngày như thế.
Minh họa: HIỀN NHÂN. |
Tên tôi là Phong. Mẹ bảo đó là tên bố đặt cho tôi. Tôi vẫn nhớ đôi mắt nhòe lệ của mẹ khi kể về chuyện cái tên của tôi. Hồi ấy, trong thư bố viết: “Anh ở nơi xa mọi thứ vẫn rất tốt, em ở nhà gắng giữ gìn sức khỏe. Anh không có nhà, thương em vất vả. Cố gắng em nhé. Khi nào con chào đời, anh hứa sẽ về thăm hai mẹ con. Em đã tìm tên gì để đặt cho con chưa?. Nơi đảo xa có một loài cây luôn mọc rất hiên ngang, không sợ những cơn giận dữ của biển trời, đó là cây phong ba. Thật hay tên anh là Ba, anh muốn đặt tên con của chúng mình là Phong. Phong là gió. Nơi đầu sóng, ngọn gió, nhớ em và con thật nhiều!”.
Nhưng khi tôi chưa kịp chào đời thì bố đã hy sinh. Tôi chỉ được nhìn thấy bố qua tấm ảnh trên bàn thờ. Trong ảnh, bố mặc quân phục hải quân, trên áo có những sọc xanh màu nước biển. Đôi môi người nở nụ cười ấm áp. Bố luôn đến bên tôi qua những câu chuyện mà mẹ kể. Trong giấc mơ của tôi, hình ảnh bố đứng gác giữa biển khơi mênh mông sao mà hiên ngang thế. Tôi luôn khao khát một ngày nào đó mình sẽ được đến nơi mà bố đã hy sinh.
Tốt nghiệp cử nhân y khoa, ai cũng khuyên tôi nên vào làm tại trung tâm y tế huyện cho gần nhà. Nhưng giấc mơ đến với Trường Sa vẫn luôn thôi thúc tôi. Một ngày nọ, tôi khẽ thủ thỉ:
– Mẹ, con sẽ đến Trường Sa.
Đôi mắt mẹ bỗng đỏ hoe. Tôi hỏi mẹ:
– Có phải mẹ không muốn con đến đó?. Mẹ chỉ khẽ lắc đầu, mắt rơm rớm lệ:
– Con hãy làm những điều mà con muốn nhưng phải nhớ giữ gìn sức khỏe đấy nhé! Tôi gượng cười:
– Mẹ cứ yên tâm, con trai mẹ lớn rồi.
Tàu đưa tôi đến với đảo Song Tử Tây, một đảo nằm ở cực Bắc quần đảo Trường Sa. Giữa mênh mông biển khơi, đảo hiện lên xanh ngắt và thơ mộng. Từ xa, tôi đã thấy ngọn hải đăng Song Tử Tây cao sừng sững như đôi mắt của biển định hướng cho những con tàu ngoài khơi xa. Song Tử Tây vừa ngày nào còn xa lạ, mới mẻ, giờ đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Tiếng sóng biển ngày nào với tôi còn ồn ào là thế mà giờ nó giống như hơi thở êm đềm đầy sự sống.
***
Bình minh, những con sóng xô nhẹ vào ghềnh đá. Mặt trời đỏ ửng từ từ nhô lên. Trời và biển một màu xanh trong biêng biếc, thấp thoáng những cánh chim hải âu chao lượn trên mặt biển. Đang vào mùa sinh sản nên chúng ríu rít gọi bạn. Thỉnh thoảng có những con sà xuống đậu vào vai người rồi lại tung cánh bay đi. Ở đây, người lính coi chim hải âu như những người bạn và chúng cũng thế. Một đôi chim hải âu vụt qua, tôi bất giác mỉm cười, trông chúng thật hạnh phúc.
– Này, chú em, lại nhớ người trong mộng rồi phải không?
Tôi giật mình quay lại thì ra là anh Toàn rồi kịp cười gượng một cái:
– Biển hôm nay đẹp quá anh à!
– Đùa, anh hiểu chú mày đang nghĩ gì đấy. Nhớ thì cứ nói là nhớ. Có làm sao đâu, có duyên ắt sẽ gặp lại. Mà anh nói thật, thương những người phụ nữ của chúng mình lắm, họ thật thiệt thòi!
Anh Toàn vỗ vai tôi động viên rồi đi, bỏ lại mình tôi với bao suy nghĩ. Tôi nhớ, mình đã từng hỏi mẹ:
– Mẹ yêu bố nhiều lắm phải không?. Mẹ mỉm cười mà rằng:
– Ừ. Mẹ yêu bố nhiều như bố yêu biển vậy!.
Và có lẽ tình yêu với những người lính như chúng tôi không phải chỉ là chuyện của hai người mà còn là chuyện của biển nữa.
Năm ngoái, khi tàu vừa đưa tôi và mấy anh em từ đảo Sinh Tồn trở về thì có thông báo gấp về tình trạng của một nữ sinh viên tên là Thanh Nga. Em đang học tại một trường sư phạm, vừa tham gia hành trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc”. Kết thúc chuyến đi, đoàn chuẩn bị lên tàu trở về đất liền thì đột nhiên em bị đau bụng dữ dội. Cơn đau khiến mặt cô gái tái mét, ai nấy đều hết sức lo lắng. Sau khi thăm khám, chẩn đoán nữ sinh viên bị viêm ruột thừa cấp, cần mổ cấp cứu ngay. Vậy là tôi cùng các đồng chí trong bệnh xá nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ.
Sau ca phẫu thuật, tôi vui mừng khi biết em cùng quê với mình. Lần thăm khám ấy, sức khỏe của em đã ổn định hơn. Thấy tôi, em tỏ vẻ ngượng ngùng:
– Em thấy áy náy lắm vì đã làm phiền các anh!
– Không sao đâu, chỉ cần em mau khỏe là tốt rồi.
– Nhưng khi nào em mới có thể trở về đất liền ạ!
– Nhanh cũng tầm hai tháng em ơi. Sao, em muốn về đất liền lắm rồi phải không?
– Nếu em nói, em muốn ở lại anh có tin không?
– Cuộc sống ở đây vốn khắc nghiệt mà, có mấy ai… Tôi bối rối.
– Nhưng đó lại là sự thật. Cô gái mỉm cười thật tươi. Nụ cười làm ấm lòng người đối diện.
Anh Toàn gần đó cũng buông lời trêu đùa:
– Hay là em ở lại luôn đi, thằng Phong yêu nơi này đến quên lấy vợ luôn đấy!. Anh huých vào tay tôi, nháy mắt cười vui rồi bỏ đi. Tôi bỗng thấy mặt mình nóng ran.
Sau bận đó, tôi cứ kiếm cớ để gặp em. Không phủ nhận lòng tôi luôn tràn ngập những khoảnh khắc vui sướng đến kỳ lạ, dù đâu đó vẫn ngổn ngang bao lo lắng. Tôi cứ sợ lỡ đâu… Giống như cách tôi đã đánh mất mối tình đầu của mình vậy. Em nói tình yêu tôi dành cho em chưa đủ lớn, bởi lẽ tôi đã lựa chọn ra đảo mà không lựa chọn ở lại vì em. Trường Sa ở gần tôi, nhưng chưa chắc đã gần bên em.
Đêm cuối cùng Thanh Nga ở lại trên đảo, đó là một đêm trăng sáng, ánh trăng soi xuống mặt nước lung linh, bầu trời lấp lánh những vì sao, gió từ biển thổi vào êm đềm. Không khí trên đảo thật nhộn nhịp, một buổi giao lưu văn nghệ đang diễn ra. Khỏi phải nói văn nghệ là món ăn tinh thần to lớn với quân và dân trên đảo, nó giúp người ta quên đi những mệt mỏi, khó khăn của hiện tại, để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Giọng hát trong trẻo vang lên “…vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em….”. Là Thanh Nga, tôi ngạc nhiên. Với máu văn nghệ sẵn trong người nên ngay khi người dẫn chương trình hỏi có ai muốn song ca cùng Nga không, tôi đã bắt míc và hát bằng cả tấm lòng. Mọi người reo hò, cổ vũ nồng nhiệt cho sự kết hợp đầy ăn ý này.
– Xin cảm ơn các đồng chí và mọi người trong thời gian qua đã luôn lo lắng cho tôi. Với tôi đây là một hành trình thật ý nghĩa. Nơi đảo xa này tôi thấy được tình quân dân thắm thiết. Thấy được những vất vả và hy sinh của bao người. Sau chuyến đi này, tôi sẽ nói với mọi người, nói với tất cả các em học sinh của tôi rằng: “Biển đảo của chúng ta đẹp lắm. Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Tôi yêu biển đảo, yêu quê hương, đất nước mình”.
Sau lời phát biểu, những tràng pháo tay giòn giã vang lên. Còn tôi vẫn đứng ngây người ra đó, những nhịp đập con tim bỗng rộn vang.
– Anh ơi, anh không định về nghỉ à? Thanh Nga mỉm cười hỏi tôi, đôi mắt em mở to, vẻ hồn nhiên như xoáy sâu vào tâm trí tôi.
– À, ừ, có. Đợi anh một chút nhé?
– Tặng em này!
Tôi tặng Nga một đóa hoa ốc biển. Đóa hoa do tay tôi tự làm. Ốc biển nhặt về rửa sạch, phơi khô, mài sáng, đục lỗ, sơn màu rồi gắn lên thân cây được uốn tỉ mỉ từ dây đồng bọc nhựa dẻo xanh rêu.
Nga nhận món quà và reo lên thích thú:
– Đẹp quá, những bông hoa màu đỏ!
Cả đêm, tôi không thể chợp mắt. Sóng vẫn xô vào ghềnh đá dào dạt, trăng vẫn sáng vằng vặc. Tất cả như thể đang muốn thức cùng tôi.
– Em sẽ quay trở lại nơi
này chứ?
Em mỉm cười gật đầu, vẫy tay chào tôi. Bóng con tàu nhỏ dần rồi khuất sau những con sóng xa xa.
***
Tôi là Thanh Nga. Tôi vừa tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành giáo dục tiểu học. Bố mẹ đã dự định xin cho tôi công tác ở một trường tiểu học gần nhà. Nhưng tôi lại muốn đến một nơi khác. Và điều ấy khiến bố mẹ tôi khá buồn.
Khi biết được ý định của con gái, cả bố và mẹ đều hết lời can ngăn, khuyên nhủ. Nhìn ánh mắt của bố mẹ, tôi thấy tim mình se lại. Tôi biết, khi ấy mọi lời giải thích của tôi đều là không thỏa đáng. Ban đầu, tôi là một học sinh không thích học môn sử. Nhưng từ khi lên cấp ba, cô giáo chủ nhiệm, cũng là giáo viên lịch sử đã làm thay đổi cảm nhận của hầu hết chúng tôi về môn học.
Những tiết học lịch sử nhàm chán được cô thay bằng những câu chuyện lịch sử hào hùng. Qua những câu chuyện cô kể, chúng tôi hiểu thêm công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Những mất mát, hy sinh mà con người đã và đang phải trải qua để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Và xúc động biết mấy, khi chúng tôi biết chồng cô là liệt sĩ đã hy sinh tại Trường Sa.
Từ đó, ước mơ làm cô giáo cứ lớn dần lên trong tôi. Và cũng là lý do tôi quyết tâm thi vào trường sư phạm. Bất ngờ hơn, trong một dịp về thăm cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam, cô chia sẻ con trai mình đã tình nguyện ra đảo công tác, đó cũng là ước mơ từ bé của anh. Cô cho chúng tôi xem ảnh anh. Tôi đã nhìn vào tấm ảnh đó rất lâu, lòng lâng lâng nghĩ về nơi biển khơi bao la rộng lớn, ở đó chắc chắn có thật nhiều những ước mơ.
Tôi gặp Phong. Phải mất một khoảng thời gian, tôi mới nhận ra anh chính là chàng trai trong tấm hình năm nào. Anh gầy hơn, làn da rám nắng, nhưng nụ cười luôn tươi rói và ánh nhìn thật ấm áp. Cách nói chuyện của anh rất chân thành. Nhìn anh mải mê cứu chữa cho các bệnh nhân rồi những khoảnh khắc anh bế các em nhỏ, chơi đùa với chúng như một người bạn, tôi bỗng thấy những gợn sóng nơi lòng mình ngày một lớn hơn. Tôi quay lại Trường Sa vì lòng tôi luôn neo đậu ở đó một nỗi nhớ khôn nguôi.
– Thưa bố mẹ con đi.
Chỉ chừng ấy câu, nhưng tôi phải cố kìm nén những tiếng nấc để cất nên lời. Tiếng mẹ thút thít:
– Nga, con suy nghĩ lại đi!
Giọng bố giận dữ:
– Kệ nó đi, để xem nó chịu được bao lâu.
Tôi không trách bố, chỉ mong một ngày nào đó bố mẹ sẽ hiểu cho tôi.
***
– Phong này, mấy hôm cậu ra khơi, có một em gái rất xinh hỏi thăm đấy. Tôi có đùa là cậu nghỉ phép về đất liền cưới vợ rồi. Và đúng là mặt trời trong em như biến mất!
– Anh cứ đùa, cô gái nào mà lại đi hỏi thăm em.
– Không đùa, người quen ấy, đi mau không người ta giận rỗi bỏ về đấy!
– Thật. Cô ấy đâu rồi anh?
– Trường tiểu học, giáo
viên mới!
Tôi chạy vội đi, lồng ngực phập phồng từng nhịp đập. Vẫn nghe tiếng anh Toàn với theo: – Này bình tĩnh đã, làm gì vội thế!
Tới lớp học, đám nhỏ đang vây quanh một cô giáo trẻ. Cả cô và trò cùng đồng ca vỗ tay bắt nhịp hát: “Em yêu lắm Trường Sa ơi/ Yêu cát trắng và yêu biển xanh…”.
Tôi đứng lặng ngoài cửa, như không tin nổi vào mắt mình. Thanh Nga ngẩng lên, ánh bình minh làm khuôn mặt nàng bừng sáng, ánh mắt nàng nhìn tôi long lanh. Môi nàng nở nụ cười tươi tắn. Tôi mỉm cười hạnh phúc. Chúng tôi cứ nhìn nhau như thế, tiếng hát của bọn trẻ vẫn rộn vang trong lớp học.
Song Tử Tây một ngày nắng đẹp, tôi được nghe tiếng sóng hòa cùng với nhịp đập của trái tim mình.
Truyện ngắn của Trần Tú
Tình anh em
(BGĐT)- Người ta bảo, anh em ruột kiểu gì cũng sẽ giống nhau, không ở cái dáng thì đâu đó ở kiểu đi, đứng, ngồi, nụ cười, giọng nói… Nhưng ngồi phân tích tỉ mẩn từng thứ một, tôi chả thấy mình giống anh Nam ở điểm gì. Nhà có hai anh em trai, khác nhau hoàn toàn từ vẻ bề ngoài đến tính cách. Tôi trầm tính, đi học gần như chỉ ngồi một chỗ đọc sách vở, còn anh tôi lại sôi nổi, lanh lợi, luôn nhìn đời bằng con mắt tích cực.
Khu vườn của má
(BGĐT)- Má bắc nồi cá kho lên bếp củi, vừa khom người hì hục thổi lửa vừa ho. Nhà có bếp ga đã lâu nhưng má vẫn nấu ăn bằng bếp củi mỗi ngày. Má bảo nấu bếp ga ăn không ngon miệng, cái mùi tro trấu quyện với mùi than củi mới làm má thấy ngon.
Bên cầu ao soi bóng
(BGĐT)- Cái cầu ao vẫn còn đó bao năm nay, bên cạnh cây ổi. Thực ra nó đã được thay đổi mấy lần vì gỗ, tre bị mục và nay được thay bằng tấm bê tông chắc chắn. Cái ao đã gắn bó với bà Ngàn từ ngày thơ bé cho tới bây giờ, khi bà đã ngoài sáu mươi. Cái ao rộng, ba phía nằm trong vườn, phía còn lại sát con đường dẫn ra cánh đồng làng.
Nơi sắc chàm xanh lá
(BGĐT)- Mai vừa đặt vác củi xuống đất, chưa kịp bước chân lên bậc cầu thang đầu tiên đã nghe tiếng ông ngoại trầm trầm:
bắc giang, tin tức bắc giang, song tử tây, đứng gác giữa biển khơi, trường sa, biển khơi, bình minh, chim hải âu