BẮC GIANG – Từng có 31 năm làm Trưởng thôn Thác Dèo, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn), ông Chu Văn Sáng (SN 1960) luôn là hạt nhân tích cực của mọi phong trào. Ông là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, có đóng góp quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn.
“Là người có uy tín, tôi nghĩ mình cứ gương mẫu rồi người dân sẽ theo. Không những gương mẫu về thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật mà phải từ cả làm kinh tế đến sinh hoạt tại địa phương. Bà con tin tưởng mới bầu mình, vì vậy mình phải làm tốt để không phụ lòng tin đó chứ”- ông Sáng mở đầu câu chuyện. Với sự gương mẫu, tận tuỵ, nói đi đôi với làm của mình, ông Sáng được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Thác Dèo trong thời gian kỷ lục 31 năm (từ năm 1984 đến 2015).
Ông Chu Văn Sáng trao đổi tình hình an ninh trật tự với Công an xã Phú Nhuận. |
Theo ông nếu làm việc công minh, rõ ràng, dân chủ thì “việc nước, việc làng”chả có gì phải lo nghĩ. Với lại trong công việc, ông hài hoà với bà con, biết nhìn người để khéo vận động. Ông kể rằng: “Có người chỉ thiên về làm kinh tế, có người lại chú trọng công việc xã hội, thích hoạt động bề nổi, mình tranh thủ điều này để vận động nên dù có 31 năm làm trưởng thôn, tôi thấy cũng bình thường, không nặng nề đâu. Thôn nhiều năm được công nhận văn hoá cũng là nhờ bà con ủng hộ cả mà”.
Cả thôn Thác Dèo ai cũng biết ông Sáng là người mạnh dạn, đi đầu làm kinh tế gia đình. Với diện tích hơn 1 ha vườn đồi, ông trồng 400 cây hồng, 100 cây vải thiều, 100 cây táo; bên trên là 2 ha rừng trồng keo, tổng thu nhập mỗi năm hơn 500 triệu đồng. Từ sự đi đầu của ông, bà con trong thôn học hỏi làm theo phát triển mạnh cây ăn quả, chủ lực là hồng và táo.
Đường sá bê tông mở rộng, thương lái đánh ô tô vào tận vườn thu mua nông sản nên thuận lợi. Ngôi nhà mái Nhật màu trắng xám, diện tích sàn 170 m2 của gia đình ông Sáng được xây dựng nổi bật trên một sườn đồi. Ông bảo, dành tiền làm nhà to chưa hẳn đã là tốt, mà phải dành nguồn lực cho con cháu học hành. Chả thế mà 7 người con của ông bà đều được học hành, có người là đảng viên.
Nói về công tác bảo đảm an ninh trật tự, ông bảo: “Công an xã họ nhiều việc lắm, dân gọi, xã gọi, huyện gọi, mình ở địa bàn phải có trách nhiệm giúp đỡ chứ. Địa bàn có ổn định thì nhân dân mới yên ổn làm ăn phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá”. Nói là làm, ông là người tích cực gỡ khó từ cơ sở, rất khéo léo trong vận động, tuyên truyền để đồng bào tin tưởng, nghe theo.
Mặc dù thôn Thác Dèo chỉ có 70 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu nhưng có đến 97% bà con là người dân tộc Cao Lan, số ít dân tộc Hoa, trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật còn có những hạn chế nhất định nên cũng có những điều bà con chưa hiểu, không hiểu rõ thì mình phải tuyên truyền, giải thích. Việc gì chưa tốt ở cơ sở mà bà con phản ánh, ông tham mưu giúp lãnh đạo cấp trên giải quyết nhanh chóng thấu đáo, kịp thời, không để trở thành điểm nóng.
Ông Chu Văn Sáng giỏi làm kinh tế vườn. |
Theo ông, Nhà nước xây dựng rất nhiều luật, cán bộ cơ sở phải chịu khó học hỏi. Khi cấp trên thông báo đi tập huấn trên tỉnh, trên huyện mình đừng bỏ, đi để có nhận thức, cập nhật thông tin về mọi mặt mới bắt kịp được với sự phát triển của xã hội, để khi thực hiện công việc, triển khai đến nhân dân mình không bị lúng túng. Làm trưởng thôn, có nhiều việc phải quan tâm tháo gỡ, vì vậy phải bám việc, bám hộ để hiểu thấu đáo.
Đơn cử như thôn gần sông Lục Nam, bà con thường ra sông đánh bắt cá tôm, ông đến từng nhà tuyên truyền: “Thả lưới đánh bắt thì được, chứ dùng kích điện, đánh mìn là không được đâu, cá vừa không ngon, lại tận diệt cá tôm nhỏ, sinh vật khác lấy gì để chúng sinh sản. Không những vậy còn nguy hiểm đến tính mạng, vi phạm pháp luật nữa đấy”. Xem ti vi, nghe đài, đọc báo thấy nhiều nơi xảy ra tranh chấp bờ vườn, bờ bãi, bờ mương, đường đi…ông mời các hộ đến nhà văn hoá rồi phân tích, ruộng bậc thang bên trên là của nhà trên, bên dưới là của nhà dưới.
Ông Sáng là người có uy tín, tích cực tham gia và vận động quần chúng thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Việc làm của ông thể hiện rõ nét qua nhiều hoạt động như: Tuyên truyền, giải thích cho đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục; thông tin về các thủ đoạn hoạt động của tội phạm như lừa đảo, trộm cắp, ma túy…”. Đại úy Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng Công an xã Phú Nhuận. |
Khi giao đất giao rừng nhắc đến địa hình có độ dốc nhỏ hơn 150 thì bà con biết 150 là thế nào đâu, nên thôn phải cắm mốc giới, chỉ cho bà con từ đây đến đây là ranh giới đất rừng, từ đây đến đây là đất canh tác, bà con cứ thế mà làm, không lấn sang là được. Trước kia trong thôn có đánh bạc, ông bảo kiếm đồng tiền không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự mới là tốt.
Đánh bạc nhiều hệ luỵ lắm, mất thời gian, mất ngủ, mất đoàn kết gia đình, thôn xóm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Thời gian ấy đi đánh bóng chuyền nâng cao sức khoẻ, giao lưu có phải tốt hơn không. Hay có đi ăn cỗ, uống chén rượu cũng phải giữ nhịp độ vừa phải, uống rượu xong là không được lái xe, nếu lái sẽ bị công an tịch thu xe, chỉ còn cách đi bộ thôi…
Ông luôn dành thời gian tuyên truyền, vận động bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa âm mưu, thủ đoạn của bọn lừa đảo, thế lực xấu hòng chia rẽ dân tộc, gây mất ổn định trong thôn. Mới đây, chính con gái ông là chị Chu Thị Moi bị đối tượng xấu gọi điện đe dọa liên quan đến vụ án ma tuý, yêu cầu chị Moi phải chuyển trước 30 triệu đồng, nếu chứng minh không liên quan sẽ trả lại tiền và dặn không được nói với ai.
Nghe “trộm” được cuộc điện thoại, ông nhủ thầm: “Cái chiêu này không được rồi, không qua được ông đâu”, rồi ông dặn con: “Cứ bình tĩnh, chiêu này bố biết nhiều rồi. Nếu dính đến pháp luật, có xã, có huyện, có công an, có chính quyền họ gặp trực tiếp chứ, tin gì cái đứa giấu mặt trên mạng, lừa đảo đấy”.
Đại uý Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng Công an xã Phú Nhuận cho biết: “Ông Sáng là người có uy tín, có nhiều đóng góp quan trọng góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc làm của ông thể hiện rõ nét qua nhiều hoạt động như: Tuyên truyền, giải thích và vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục. Có năng lực dẫn dắt cộng đồng, tích cực tham gia và vận động quần chúng thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội; hòa giải các mâu thuẫn phát sinh ở cơ sở. Mọi vấn đề trong thôn xóm ông chỉ đạo rất tốt, mọi người đều ủng hộ và nghe theo”.
Ngoài 31 năm là trưởng thôn, ông Sáng còn có nhiều năm làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân. “Nay tôi có tuổi rồi, chỉ nhận hai việc thôi: Trưởng Ban công tác mặt trận thôn (từ năm 2016 đến nay) và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ở cương vị nào thì cũng là làm việc. Đảng quan tâm đến mình thì mình sẽ cố gắng thôi”- ông Sáng cho biết.
Bài, ảnh: Thu Phong
Công an xã bán chuyên trách: Nòng cốt bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở
(BGĐT) – Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 2.000 đồng chí công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đây là lực lượng chủ công phối hợp với công an chính quy tuần tra, kiểm soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Phối hợp bảo đảm an ninh trật tự vùng giáp ranh
(BGĐT)- Xuất phát từ thực tế công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), cuối năm 2012, cụm an ninh khu vực giáp ranh giữa huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và huyện Phú Bình (Thái Nguyên) được thành lập. Sự phối hợp chặt chẽ giữa công an các đơn vị trong cụm đã góp phần đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội và tranh chấp trên địa bàn.
tin tức bắc giang, bắc giang, đồng bào dân tộc thiểu số, người có uy tín, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ an ninh tổ quốc, tệ nạn xã hội, chính sách, pháp luật