Chiều 04/4, đồng chí Lê Ánh Dương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác tỉnh Hậu Giang do đồng chí Đồng Văn Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn về công tác nâng cao các chỉ số: Năng lực cạnh tranh (PCI); cải cách hành chính (PAR Index), đo lường sự hài lòng của tổ chức, công dân (SIPAS), hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI).
Theo báo cáo tại buổi làm việc, kinh tế của tỉnh Bắc Giang liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 14%, giai đoạn 2021-2023 là 14%, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; 3 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 14,18%, đứng đầu cả nước. Đến hết năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh đạt 181,9 nghìn tỷ đồng, gấp 7,5 lần năm 2011, gấp 2,7 lần năm 2016, tăng 14,5% so với năm 2023; đứng thứ 12 cả nước, đóng góp một phần vào tổng quy mô nền kinh tế của cả nước.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, dịch vụ được đầu tư đồng bộ đã thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện nằm trong nhóm đứng đầu cả nước; cải cách hành chính (CCHC) có bước đột phá, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy công tác thu hút được nguồn lực cho phát triển;…
Năm 2022, tỉnh Bắc Giang có chỉ số PCI xếp thứ 2 cả nước; chỉ số PAR Index xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; chỉ số SIPAS xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố. Năm 2023 chỉ số PAPI xếp 10/63 tỉnh, thành phố.
Để nâng cao các chỉ số, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chủ trương, giải pháp, mô hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, với phương châm “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho sự phục vụ”. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh đã chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, tạo sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, gắn công tác CCHC với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Chủ động ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về cải thiện, duy trì các chỉ số; đồng thời tiếp tục tuyên truyền nội dung, mục đích, ý nghĩa của các chỉ số và trách nhiệm của chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công.
Ngay sau công bố kết quả chính thức các chỉ số hàng năm, tỉnh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu để nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế, những điểm nghẽn. Từ đó phân công giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và từng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì gắn với thời gian hoàn thành; xây dựng mục tiêu điểm số, thứ hạng cùng với bám sát, kiểm điểm đánh giá thường xuyên nhằm đạt mục tiêu đề ra. Tập trung thực hiện hiệu quả “3 đột phá chiến lược gồm: đột phá về phát triển hạ tầng chiến lược, đột phá về xây dựng thể chế hành chính và đột phá về đào tạo nguồn nhân lực”.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung CCHC, đưa Hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện vào hoạt động theo nguyên tắc 5 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả” và nâng cao hiệu quả của bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự minh bạch, thuận lợi trong phục vụ tổ chức, cá nhân.
Công tác xây dựng quy hoạch được Bắc Giang xác định phải mang tầm chiến lược, luôn phải đi trước một bước để thu hút nguồn lực đầu tư và được đặc biệt quan tâm. Tỉnh triển khai một số cách làm mới trong hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; xây dựng văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo không gian mở, thân thiện; nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp. Xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” tại 209/209 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Tỉnh Bắc Giang triển khai nhiều kênh tiếp nhận thông tin, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai, áp dụng, nhân rộng các sáng kiến, mô hình hay trong CCHC. Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác CCHC, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC. Tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tạo sự hài lòng của người dân và tổ chức khi đến giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung trao đổi về kinh nghiệm, giải pháp về cải thiện chỉ số thành phần; nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn; thanh toán không dùng tiền mặt; chính sách thu hút đầu tư; một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; phân công trách nhiệm của các cơ quan của tỉnh trong thực hiện từng chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS; hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng; cải cách hành chính trong kiểm soát hành chính; triển khai hiệu quả mô hình chính quyền thân thiện; cơ chế, chính sách riêng của tỉnh trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, sắp xếp tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế địa phương…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết dù Bắc Giang đã đạt những kết quả tích cực, song vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, tỉnh vừa làm vừa đúc rút những bài học kinh nghiệm. Đó là trong chỉ đạo, điều hành phải làm tốt nội dung thể chế theo hướng minh bạch, rõ ràng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền để phát huy tính chủ động và nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, cá nhân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc. Ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả. Đối với TTHC lĩnh vực tài nguyên môi trường, cần xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai điện tử, từ đó thuận lợi trong quản lý, dễ dàng đẩy nhanh tiến độ giải quyết TTHC; công khai, minh bạch thông tin quy hoạch; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Chú trọng công tác lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ trực tiếp tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh chúc mừng những kết quả nổi bật của tỉnh Bắc Giang về phát triển kinh tế – xã hội, CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Cùng đó cảm ơn những chia sẻ của tỉnh về biện pháp nâng cao các chỉ số.
Qua chia sẻ tại buổi làm việc, một số kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang mà Hậu Giang có thể học tập đó là: Tinh thần quyết tâm cao, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm xây dựng chính sách, cơ chế của tỉnh để triển khai các nhiệm vụ. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho cơ sở, hạ tầng công nghệ thông tin.
Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang có nhiều cách làm hay, sáng tạo và có nhiều mô hình, sáng kiến hiệu quả trong nâng cao các chỉ số. Phát động các cuộc thi đem lại hiệu quả cao trong nhận thức, hành động. Công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, động viên kịp thời, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức thực hiện. Từ những kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hậu Giang sẽ nghiên cứu, áp dụng tại địa phương để từng bước nâng cao các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh mong muốn 2 tỉnh tiếp tục phối hợp, chia sẻ, hợp tác trên các lĩnh vực và tiếp tục có bước phát triển cao hơn nữa trong thời gian tới.
Dương Thuỷ