BẮC GIANG – Chiều 22/8, đoàn công tác của tỉnh Bắc Kạn do đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn làm trưởng đoàn đến học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác phát triển khu, cụm công nghiệp (CCN) tại tỉnh Bắc Giang. Làm việc với đoàn có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cùng đại diện một số sở, ngành liên quan.
Quang cảnh hội nghị. |
Đại diện Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang đã trao đổi với đoàn về những thành tựu KT-XH nổi bật của tỉnh, nhất là trong phát triển các khu, CCN và thu hút đầu tư trên địa bàn thời gian qua.
Về quy hoạch phát triển các KCN, theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, từ nay đến năm 2030, Bắc Giang có 29 KCN. Hiện tỉnh có 9 KCN được thành lập với tổng diện tích 1.967 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 75,6%. Trong đó, có 7 KCN đã xây dựng cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Trong số 15 KCN ưu tiên thành lập giai đoạn 2022-2025 có 10 KCN đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng.
Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 20/8 các KCN tỉnh Bắc Giang thu hút 43 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 6 dự án đầu tư trong nước (DDI), điều chỉnh tăng vốn cho 13 dự án DDI và 25 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,48 tỷ USD (quy đổi). Giá trị sản xuất công nghiệp lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8/2023 ước đạt khoảng 258,8 nghìn tỷ đồng, bằng 80,12% kế hoạch năm. Giá trị xuất khẩu ước đạt 15,1 tỷ triệu USD, bằng 68,64% kế hoạch năm.
Đồng chí Đinh Quang Tuyên phát biểu tại hội nghị. |
Về tình hình hoạt động của CCN, theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Bắc Giang có 66 CCN. Hiện tỉnh đã thành lập 54 CCN, tổng diện tích 2.254 ha, có 30 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút được 248 dự án thứ cấp. Trong đó, có 149 dự án DDI, tổng vốn đăng ký hơn 31,1 nghìn tỷ đồng, 99 dự án FDI với vốn đăng ký hơn 346 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy đạt 54%, tạo việc làm cho hơn 46 nghìn lao động.
Kết quả phát triển công nghiệp góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 Bắc Giang đạt 19,3%, đứng thứ 2/63 tỉnh, TP. Quy mô kinh tế năm 2022 đạt hơn 155,8 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 13 cả nước. Thu hút đầu tư FDI hằng năm liên tục duy trì trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 521 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư gần 9,59 tỷ USD.
Tại hội nghị, đồng chí Đinh Quang Tuyên cho biết, Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có lợi thế phát triển lâm nghiệp, khai thác khoáng sản, tuy nhiên tỉnh đang có bước chuyển về phát triển công nghiệp. Bắc Kạn định hướng thu hút đầu tư, tập trung vào các ngành nghề chế biến sâu kim loại màu, sản xuất pin năng lượng mặt trời, ắc quy, giấy nguyên liệu. Tỉnh định hướng tận dụng những vật liệu sẵn có tại địa phương như: Thạch anh, thạch cao… để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Kạn trao đổi tại hội nghị. |
Bên cạnh đó, Bắc Kạn đang thu hút các ngành nghề may mặc nhằm tạo việc làm cho người lao động, góp phần giảm nguy cơ phá rừng, tệ nạn xã hội khác. Tỉnh cũng có nhiều chính sách để thu hút và hỗ trợ nhà đầu tư nhưng kết quả còn hạn chế. Vì vậy, đồng chí Đinh Quang Tuyên mong muốn Bắc Giang chia sẻ nhiều hơn kinh nghiệm thu hút vốn, nhất là nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư FDI; kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành trong phát triển công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), công tác quản lý nhà nước trong các khu, CCN…
Tại hội nghị, hai bên tập trung thảo luận, trao đổi một số nội dung tập trung vào những kinh nghiệm: Quy hoạch, quản lý quy hoạch, giải phóng mặt bằng (GPMB), đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN; vấn đề sáp nhập CCN vào KCN; kinh nghiệm hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh Bắc Giang trong việc tổ chức xúc tiến đầu tư và hỗ trợ nhà đầu tư vào địa bàn; việc hỗ trợ cho các trường học tư thục phục vụ con em công nhân quanh các KCN; kinh nghiệm liên quan đến hoạt động thuế, các khoản thu, mức phí hoạt động hạ tầng, xử lý rác, nước thải trong các KCN…
Đồng chí Phan Thế Tuấn chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp tại hội nghị. |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Thế Tuấn đề nghị các sở, ngành liên quan của 2 tỉnh cần thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển khu, CCN giữa 2 bên.
Đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm chung trong phát triển KT-XH của Bắc Giang. Đó là tận dụng lợi thế địa kinh tế của tỉnh để phát triển 3 mũi nhọn kinh tế, gồm: Công nghiệp, nông nghiệp hàng hóa và thương mại – dịch vụ.
Nhất quán trong quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh và chính quyền các cấp trong phát triển KT-XH của tỉnh; kiên định quan điểm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Các cấp, ngành luôn quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN trong việc thực hiện đầu tư trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo quyết liệt trong bồi thường GPMB, hỗ trợ giải quyết các TTHC liên quan đến đầu tư. Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ưu tiên huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, hạ tầng phụ trợ phục vụ phát triển công nghiệp, gắn với phát triển nhà ở xã hội, dự án đô thị, dịch vụ. Không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực. Chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Đồng chí cho rằng, Bắc Kạn có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, dư địa lớn và có điều kiện lựa chọn các nhà đầu tư hạ tầng khu, CCN, nhà đầu tư thứ cấp. Bắc Kạn có nguồn nhân lực tại chỗ tương đối lớn, cung ứng nhân lực tại chỗ cho nhà đầu tư. Đồng chí tin tưởng, với quyết tâm của tỉnh, thời gian tới Bắc Kạn sẽ đạt nhiều kết quả trong phát triển công nghiệp.
Trước đó, Đoàn công tác của tỉnh Bắc Kạn đã tham quan một số DN đang hoạt động tại các KCN Quang Châu và Vân Trung (Việt Yên).
Tin, ảnh: Thế Đại
Bắc Giang, Bắc Kạn, trao đổi kinh nghiệm, công nghiệp,khu công nghiệp