BẮC GIANG – Căn phòng nhỏ trên tầng cao nhất của nhà chung cư cũ luôn đóng im ỉm. Ở đó có bà cụ già gần 80 tuổi sinh sống. Bà có nhà cửa đàng hoàng ở dưới quê nhưng đã bán căn nhà hương hỏa, đùm rúm tiền bạc theo con lên thành phố. Tưởng là được an nhàn, hưởng phúc của cháu con, nào ngờ, năm trước, năm sau anh con trai đưa mẹ lên căn phòng này ở.
Căn nhà rộng rãi của vợ chồng anh đã được bán đi. Hằng ngày người ta chỉ nghe thấy bước chân lệt sệt cùng tiếng gõ lộc cộc của chiếc gậy hèo trong tay bà lão ra vào khi đứa cháu nội 13 tuổi mang cơm đến và khi bà cần ra ngoài, xuống thang gác đến khu vệ sinh công cộng. Thời gian còn lại không mấy ai thấy bà bước ra ngoài. Thằng cháu mang cơm đến, khẽ lách người vào thăm bà, đợi bà ăn xong, nó lại xách làn đi. Mỗi lần như vậy, mắt nó đỏ hoe, rơm rớm, đầu cúi thấp khi bất chợt gặp ai đó trong khu nhà.
Minh họa: Hiền Nhân. |
Gia đình nó cũng thuộc diện khá giả. Bố làm kế toán trưởng một công ty tư nhân giữa lòng thành phố, mẹ buôn bán lặt vặt ngoài chợ, em gái nó còn nhỏ – một mô hình gia đình lý tưởng xuất phát từ thôn quê mà nên. Là kế toán lâu năm, có nhiều kinh nghiệm nên bố nó được giám đốc hết lòng ưu ái. Tuy nhiên, không ai ngờ, người giàu kinh nghiệm như bố cu Thao mà rồi cũng có lúc sai sót trong nghiệp vụ, bị lừa dẫn đến thất thoát tiền bạc của công ty. Căn nhà ba tầng phải bán tống, bán tháo đi cùng với căn nhà của mẹ ở quê, tạm thời trang trải, bồi hoàn cho cơ quan. Bố cu Thao mua lại căn phòng hơn chục mét vuông ở chung cư này. Bà mẹ ở quê lên sống ở đó, còn con trai, con dâu và các cháu tạm ở nhờ chỗ khác. Vụ việc xảy ra chưa được bao lâu thì mẹ cu Thao bỗng dưng bị bệnh nặng.
… Dễ đến hai hôm, hàng xóm không nghe thấy tiếng chân bước của bà lão. Thay vào đó là những tiếng ho khan, đùng đục, chầm chậm. Nhịp sống thị thành lôi cuốn, chẳng mấy ai để ý đến những tiếng ho khan của bà, cũng không mấy ai thắc mắc khi họ không nghe thấy tiếng dép lê sền sệt cùng tiếng lộc cộc không hàng không lối của chiếc gậy hèo nơi tay bà lão. Chỉ có mỗi cô bé con người mua căn phòng bên cạnh là để ý thấy sự thiếu vắng ấy. Buổi chiều đi học về, cô bé cất cặp vào nhà và men theo cầu thang gỗ dẫn đến căn phòng của bà lão. Nó cố nhướng mắt lên để nhìn vào trong. Im lặng. Nó bám tay vào bậc thang, từ từ leo lên căn phòng. Trong ánh sáng hoàng hôn nhập nhoạng, cô bé thấy bà lão nằm thu lu trong chiếc chăn mỏng, khuôn mặt trắng bệch. Nó đến gần, hai tay đưa cho bà chiếc bánh bông lan – suất ăn tạm sau giờ tan lớp mà nó vẫn để dành. Bà lão hé mắt nhìn nó, chưa kịp nói gì thì từ phía dưới cầu thang, tiếng mẹ con bé vọng lên:
– Mày làm gì trên đó hở Mai? Xuống ngay.
Tiếng quát chói tai làm con bé tên Mai giật mình, đánh rơi chiếc bánh. Nó lấm lét nhìn bà lão rồi từ từ đi xuống. Mẹ nó đứng chờ phía dưới, nhanh tay cho nó một tét vào mông đau điếng:
– Về! Về ngay. Ai cho mày lên đó, nhỡ lây bệnh thì sao?
Con bé dấm dứt: – Mẹ ơi, bà bị ốm nặng lắm!
– Bà ấy ốm đã có con cháu bà ấy lo. Mày thì biết gì. Về ngay!
Vừa nói chị ta vừa nắm tay con bé, lôi xềnh xệch về nhà…
Cu Thao xách chiếc làn đứng tránh sang một bên nhường lối cho mẹ con Mai đi qua. Con bé liếc nhìn Thao. Mắt đứa nào cũng hoe đỏ. Cu cậu nhanh nhẹn trèo lên thang gác. Bà nội nó tựa lưng vào vách thở khó nhọc.
– Mẹ… đỡ không cháu?
– Mẹ cháu đỡ nhiều rồi, bà ăn cháo nhé, cháu bón cho bà.
– Bà chưa muốn ăn… Cháu cứ để đấy rồi về đi, về cho mẹ cháu ăn kẻo muộn rồi.
– Cháu cho mẹ uống thuốc rồi mới mang cháo cho bà đấy. Bố cháu đi làm chắc cũng sắp về rồi.
Bà lão ôm ngực ho khù khụ. Thao đưa tay nhẹ vuốt lên ngực bà. Nước mắt bà theo những nếp nhăn chảy rớt cả vào tay thằng bé: – Khổ thân mấy bố con nhà mày, đang yên đang lành thì tai bay vạ gió… Mà hồi này bố cháu chạy xe có nhiều khách không? Nhớ bảo bố cháu đi đường cẩn thận nhé, bà nằm đây mà thấy người ta đi lại trên đường nhiều lắm, mắt bố cháu lại kém nữa, chở người ta phải cẩn thận, kẻo lại khổ… Nhớ đừng nói với bố mẹ là bà ốm đấy nhé, để bố còn lo kiếm tiền thuốc thang cho mẹ cháu…
– Bà ơi, bà đừng nói nữa. Bà đừng lo cho bố, mẹ cháu. Bà ăn cháo đi, cháo bố cháu hầm từ trưa, có cả củ cải nữa đấy.
– Ừ, bà ăn. Bà ăn để cháu còn về trông mẹ, trông em nữa…
Cu Thao chầm chậm bón từng thìa cháo cho bà. Nó vừa làm, vừa thủ thỉ kể cho bà nghe đủ thứ chuyện ở lớp, ở trường. Nó khoe, cái Mai vừa nãy học sau nó hai lớp, Mai thông minh, học giỏi lại hát hay nữa. Nó làm cờ đỏ ở trường nên biết thế. Cô bé rất hiểu chuyện và hay tặng quà cho nó, khi thì cái thước kẻ, lúc là cái bút bi, viên kẹo… Bà lão nghe cháu kể chuyện mà lòng áy náy không nguôi. Giá như con trai bà không mắc mưu kẻ xấu, con dâu bà không lâm trọng bệnh thì có phải giờ đây bà cháu được quây quần bên nhau, cháu bà không phải theo bố mẹ đi ở nhờ ngoài góc chợ, không phải khổ sở vì thiếu thốn trăm bề. Giá như… Thu xếp thìa bát bỏ vào làn, nó lấy thuốc cho bà uống, lấy khăn lau mặt cho bà rồi dặn dò đủ kiểu y như người lớn vẫn làm. Lúc sau, đợi bà nằm xuống, Thao mới lặng lẽ xách làn đứng dậy. Cậu vừa xuống khỏi cầu thang đã thấy Mai đứng đó. Cô bé đưa tay lên miệng ra hiệu yên lặng và khẽ dúi vào tay Thao gói bánh nhỏ. Thao chần chừ, tính trả lại cô bé, nhưng Mai lừ mắt, khẽ đẩy vào lưng Thao thì thào:
– Anh cầm về cho bé Thắm đi. Buổi tối em sẽ lên thăm bà.
Chưa kịp nói câu gì thì Mai đã biến mất sau cánh cửa i nốc sáng loáng. Thao dừng lại, ngẩn ngơ nhìn về phía căn phòng. Mới đây thôi, cũng sau cánh cửa như thế, cả nhà nó quây quần cùng nhau bên mâm cơm bốc khói, bố mẹ gắp thức ăn cho bà nội và anh em nó… Bé Thắm vừa ăn vừa nghịch. Có bữa chúng tranh nhau làm đổ cả tô canh nóng vào chân bà nội làm bà bị bỏng. Vậy mà bà vẫn cười bỏm bẻm, chẳng mắng đứa nào một câu… Mới đây thôi mà như đã lâu lắm rồi…
– Này, không về đi, còn đứng đó làm gì?
Thao ngơ ngác khi thấy mẹ Mai đứng ngay đằng sau nó. Nó cúi đầu lí nhí chào rồi lầm lũi xách làn đi. Mẹ cái Mai ném theo cái nhìn chẳng mấy thân thiện.
Thao xuống đường. Lanh lẹ hòa vào dòng người, xe hối hả, vẫn kịp ngẩng lên nhìn căn phòng nơi bà nó đang ở. Bắt gặp ánh mắt Mai đang nhìn xuống. Cô bé cố thả một cái gì đó xuống đường. Cu cậu dừng lại, đợi vật rơi xuống nằm im trên vỉa hè mới tiến lại nhặt lên. “Anh Thao ơi, đừng giận mẹ em nhé. Mẹ em không ác ý đâu!”. Thao gật gật đầu với cô bé. Hai chiếc núm đồng tiền của Mai tươi rói trước hoàng hôn.
Bà nội Thao ốm một tuần lễ rồi cũng khỏi. Bà lại lặng lẽ chống gậy đi mỗi khi cần. Hằng ngày, Thao vẫn đem cơm tới cho bà. Mỗi lần đến, nó lại mang theo cuốn sách, ngồi đọc cho bà nghe lúc bà ăn cơm. Thỉnh thoảng cái Mai nhân cơ hội mẹ đi bán hàng cũng trèo lên đọc sách cùng Thao. Nhìn hai đứa trẻ líu ríu bên nhau, lòng bà ấm dần lên. Một hôm, lúc Thao chưa đến, Mai leo lên gác, thủ thỉ khoe với bà là hôm nọ anh Thao cho cháu mượn cuốn truyện kể về một cô bé bị bệnh nằm bên khung cửa sổ nhìn ra bầu trời xanh bên ngoài, cô bé ao ước được bước ra ngoài ấy, ao ước được như những chiếc lá non xanh trên cây kia suốt ngày rì rào ca hát chứ không bị cầm tù như cô bé ấy. Rồi một hôm nhân lúc cô bé ngủ, có người họa sĩ đã vẽ lên cửa kính phòng cô một chiếc lá. Qua cả mùa đông mà chiếc lá vẫn không hề rụng. Nhưng người họa sĩ thì đã đi xa…
Kể đến đấy, Mai bỗng nhiên ngừng lại. Cô bé chằm chặp nhìn bà:
– Anh Thao bảo, khi nào anh ấy có nhà mới sẽ đón bà đi. Nhưng bà đừng đi như người họa sĩ trong chuyện bà nhé!
– Không đâu, bà sẽ ở lại đây với cháu, bà không đi xa được vì bà không thể quên cháu, ngốc ạ!
Qua Tết. Trời rét đậm. Bà lão co ro trong căn phòng trống trải. Nghĩ về một thời đã qua, bà ao ước được trở về làng cũ, được sống dù chỉ một ngày trong căn nhà xưa của mình. Đang nghĩ ngợi mung lung thì Thao đến. Cu cậu bước như lao lên thang gác:
– Bà ơi! Bố cháu được minh oan rồi.
– Cái gì…, cái gì, nói lại bà nghe?
– Bố cháu… bố cháu được minh oan rồi, tới đây sẽ được trả lại tiền. Nhà ta không phải đi ở nhờ nữa đâu bà ạ.
Bà lão òa khóc như đứa trẻ. Vậy là từ nay, con bà sẽ không phải chạy xe ôm kiếm miếng cơm hằng ngày cho cả nhà nữa. Và như thế, con dâu bà cũng sẽ khỏe lên khi được chạy chữa kịp thời. Gia đình bà sẽ được đoàn tụ. Bà chắp tay cúi lạy Trời Phật đã trả lại niềm vui sống cho gia đình bà.
Ngay lúc ấy, bố Thao đến. Mẹ con bé Mai mở rộng cửa tươi cười chào đón anh:
– Xin lỗi anh, do không hiểu nên chúng em đã có những cư xử không phải với gia đình…
– Không có gì đâu cô. Có gia đình cô bên cạnh, nhất là có cô bé này bên cạnh, mẹ tôi vui lắm và sống khỏe ra đấy…
Bố Thao nắm vai Mai lắc lắc: – Ngoan lắm, cháu gái bác ngoan lắm!
Mai cười tít cả hai mắt, nhanh nhảu leo lên cầu thang. Hai bím tóc đuôi sam của cô bé tung tăng theo từng nhịp bước chân. Bà nội cu Thao dang tay ôm hai đứa trẻ vào lòng. Bà cười mà nước mắt không ngừng tuôn rơi.
– Bà ơi, bà hứa là sẽ không đi xa như người họa sĩ rồi nhé!
Cái Mai nhắc. Bà lão nấc lên nghẹn ngào: – Ừ, bà hứa…, bà hứa!
Gió xuân thổi tràn trề. Nhà Thao sẽ dọn về ở tại căn hộ trên tầng sáu của khu chung cư mua lại của người quen cũ. Vui nhất là hai đứa trẻ, chúng sẽ trở thành hàng xóm của nhau, cùng nhau tới lớp, tới trường.
Bà lão vươn vai đứng giữa hai đứa trẻ. Mái đầu bạc trắng xen giữa hai mái tóc đen bay bay trong gió. Đôi mắt họ lấp lánh niềm hạnh phúc.
Truyện ngắn của Vũ Kim Liên
Về trong nắng xuân
BẮC GIANG – Những chiếc lá bàng đỏ ngoài khung cửa sổ liên tục trút xuống lòng đường sau những đợt gió. Cuối đông, những con đường vắng thưa người. Ngồi trên căn gác xép nhìn ra, thấy dãy phố dài bảng lảng sương mờ, gió thổi vào đỏ mắt người thỉnh thoảng lại dè dặt bước đi trên những cung đường tít tắp.
Cô gái tuổi Thìn
BẮC GIANG – Trạm y tế xã đìu hiu trong mưa phùn. Mưa lầy lội khiến cả một vùng quê đang háo hức không khí Tết bỗng chùng xuống. Chỉ có mấy người trồng đào đang mặc áo mưa đứng dưới bãi là có vẻ hào hứng, chốc chốc lại vang lên một tiếng cười. Kể ra, nếu trời nắng mãi thì năm nay lại “vỡ trận”, cái nghề bán không khí mùa xuân nó nhọc thế đấy…
Ngày Tết của nhà Hiếu
BẮC GIANG – Hiếu khoác thêm chiếc áo gió theo ông lên phòng thờ. Thấy ông lau đồ thờ, thằng bé thầm thì:
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Hai đứa trẻ, Căn phòng nhỏ, nhà chung cư cũ, căn nhà, Gia đình