BẮC GIANG – Từ năm 1946 đến lúc đi xa, Bác Hồ đã 5 lần về thăm Bắc Giang. Tại những chuyến thăm đó, Bác đề cập nhiều vấn đề về phát triển hợp tác xã (HTX). Khắc ghi lời dạy của Người, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX.
Nhìn lại quá trình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sớm đưa tư tưởng phát triển HTX vào Việt Nam. Ngay sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, ngày 11/4/1946, Bác Hồ viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia HTX nông nghiệp. Trong thư, Bác viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc… nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh”; “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX”. Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên HTX nông nghiệp ở khắp nơi; từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có HTX”.
Xã viên HTX Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn (Lục Nam) chế biến sản phẩm trà hoa vàng. Ảnh: HỮU TRÌNH. |
Thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đến thành phần KTTT, xây dựng, củng cố và phát triển các loại hình HTX. Phát triển KTTT là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt trong tất cả các nghị quyết đại hội Đảng. Đối với Bắc Giang, trải qua các giai đoạn lịch sử, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy truyền thống yêu nước, anh dũng trong sản xuất, xây dựng và chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện động viên, khen ngợi nhân dân Bắc Giang, các tập thể, cá nhân có thành tích trong chiến đấu. Ngoài những lá thư khen, động viên kịp thời đó, từ năm 1946 đến lúc đi xa, Bác đã 5 lần về thăm và làm việc với cán bộ, người dân tỉnh Bắc Giang.
Trong lần thứ 4, ngày 6/4/1961 về thăm Bắc Giang, Người đã đến thăm, nói chuyện với nhân dân xã Tân An (nay là thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng), thăm làng chiến đấu Long Trì. Tại đây, Bác đến thăm HTX bậc cao Tân An – HTX được thành lập đầu tiên của tỉnh. Người vào thăm một số gia đình xã viên, xem nơi ăn ở, hỏi han tình hình sức khoẻ, đời sống và căn dặn phải chăm lo xây dựng HTX, xây dựng chi bộ, chi đoàn.
Người khen ngợi thành tích HTX đã đạt được, phê bình, nhắc nhở những nhược điểm, thiếu sót để phấn đấu khắc phục, đưa HTX tiến bộ hơn nữa. Trong lần thứ 5 về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh Hà Bắc, ngày 17/10/1963, Bác khen tỉnh nhà có sự biến đổi rất quan trọng và tốt đẹp. Về cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật, tỉnh đã làm đợt 1 với 114 HTX và đang bắt đầu đợt 2 với 224 HTX. Bác đánh giá tỉnh làm tốt công tác cải tiến HTX nhưng cũng không quên căn dặn đối với 14 HTX làm kém thì phải tiếp tục làm cho tốt.
Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, KTTT nói chung, HTX nói riêng ở Bắc Giang ngày càng có bước phát triển vượt bậc. Ngay sau khi có Nghị quyết số 13 ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, giai đoạn 2003-2018, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, kế hoạch về phát triển KTTT, HTX. Bên cạnh triển khai thực hiện các chính sách chung của T.Ư, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KTTT. Trong đó, tỉnh sớm triển khai Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách hỗ trợ KTTT, HTX…
Đến nay, toàn tỉnh có 1.107 HTX; tổng vốn điều lệ của các HTX 2.753 tỷ đồng. Khu vực KTTT, HTX ngày càng có bước phát triển ổn định, dần khẳng định được ưu thế và vai trò trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. |
Đến nay, toàn tỉnh có 1.107 HTX, trong đó: Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 726 HTX; lĩnh vực phi nông nghiệp 361 HTX; Quỹ tín dụng nhân dân 20 Quỹ. Tổng vốn điều lệ của các HTX là 2.753 tỷ đồng, số thành viên tham gia HTX là 42.090 người.
Khu vực KTTT, HTX ngày càng có bước phát triển ổn định, đồng thời có chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, dần khẳng định được ưu thế và vai trò của HTX đối với phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Đóng góp của lĩnh vực KTTT, HTX đã góp phần thúc đẩy kinh tế hộ thành viên phát triển, giúp các hộ nông dân có điều kiện tiếp cận với các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất để làm ra nhiều sản phẩm với gia trị gia tăng cao. Thu nhập của các hộ thành viên HTX tăng trung bình 14-15%/năm nhờ việc giảm giá các dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, các HTX còn là tổ chức đại diện cho hộ nông dân thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, giúp các thành viên có hướng tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.
Xã viên HTX rau sạch Mỹ Thái (Lạng Giang) ứng dụng công nghệ thông tin vào tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: MẠC YẾN. |
Các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác cũng tích cực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh có 290 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 85% sản phẩm là của các HTX. Đây là điều kiện giúp việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương với sản lượng ngày một tăng và ổn định hơn.
Tại Chương trình hành động số 38 ngày 10/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đặt ra mục tiêu “Phát triển KTTT năng động, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế địa phương với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi; thực hiện tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh”.
Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện cơ chế và chính sách, tăng cường trách nhiệm cơ quan Liên minh HTX tỉnh; thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; đổi mới hoạt động tư vấn, hỗ trợ, cung ứng dịch vụ công và các nhiệm vụ UBND tỉnh giao; chủ trì vận động thành lập, thu hút tham gia thành viên; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển KTTT, HTX.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh
Đòn bẩy cho HTX nông nghiệp
BẮC GIANG – Bắc Giang hiện có hơn 1,1 nghìn hợp tác xã (HTX), trong đó hơn 65% là HTX nông nghiệp. Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích HTX thuộc lĩnh vực này.
Năng động phát triển kinh tế HTX
(BGĐT) – 64 năm tuổi đời, 37 năm tuổi Đảng, ông Đặng Đình Bình có 33 năm gắn bó với Hợp tác xã (HTX) Cơ khí Lạng Giang. Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Giám đốc HTX, ông không ngừng sáng tạo trong tiếp cận, mở rộng thị trường, giúp đơn vị ngày càng phát triển.
Phát triển HTX ứng dụng công nghệ 4.0
(BGĐT) – Được Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang lựa chọn tham gia đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025”, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa đã tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành chuỗi nông nghiệp công nghệ cao.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, chương trình mỗi xã một sản phẩm, Góp sức, nước thịnh, dân cường, phát triển kinh tế tập thể, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chi bộ, chi đoàn,