BẮC GIANG – Nhờ nhiều biện pháp kịp thời, thiết thực, hiện nay, toàn tỉnh không còn hộ người có công (NCC) thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều hoạt động tiếp tục được triển khai nhằm giúp các hộ thoát nghèo bền vững, nâng cao mức sống.
Không còn hộ NCC nghèo, cận nghèo
Đón khách trong ngôi nhà mới, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt ông Trần Quang Đức (SN 1965) ở thôn Trung Sơn, xã Lệ Viễn (Sơn Động). Ông là con của liệt sĩ Trần Văn Đạo tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hy sinh năm 1969. Vợ chồng ông Đức đều có nhiều bệnh, phụng dưỡng mẹ già yếu, chi tiêu hằng tháng chủ yếu trông vào khoản lương công nhân eo hẹp của con trai và trợ cấp của Nhà nước. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều năm gia đình sống trong ngôi nhà nhỏ đã xuống cấp mà chưa có điều kiện tu sửa.
Hội LHPN phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) phối hợp với doanh nghiệp tặng quà NCC. |
Thực hiện kế hoạch hỗ trợ hộ NCC thoát nghèo, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc huyện đã dành kinh phí và vận động xã hội hóa giúp gia đình ông Đức xây dựng nhà ở. Nhờ đó, cuối năm 2022, ngôi nhà mới đã hoàn thành, rộng 160 m2, thiết kế khép kín, tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng. Trong đó Viettel Bắc Giang tặng 90 triệu đồng, Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ 50 triệu đồng.
Các tổ chức đoàn thể hỗ trợ ngày công lao động tân nền, làm móng, vận chuyển vật liệu. Ông Đức phấn khởi nói: “Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình tôi mới xây được ngôi nhà khang trang. Vợ chồng tôi yên tâm chăn nuôi, trồng trọt để có thêm thu nhập; các con tôi cũng chăm chỉ làm ăn nên gia đình đã thoát nghèo”.
Đây là một trong 4 hộ nghèo, cận nghèo là NCC của xã Lệ Viễn được hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà tắm, khu vệ sinh để cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ông Vũ Thành Chung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Căn cứ điều kiện thực tế và nhu cầu của các hộ, xã phối hợp với ngành chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) có hình thức giúp đỡ phù hợp, thiết thực. Sau khi các hộ thoát nghèo, Đảng uỷ, UBND xã phân công cán bộ, đảng viên và gắn trách nhiệm hội, đoàn thể hướng dẫn các hộ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay, các hộ đều có nguồn thu ổn định, đời sống được nâng lên”.
Đơn cử như hộ ông Phạm Văn Thời (SN 1952) ở thôn Trấn Thành, xã Quang Tiến (Tân Yên). Ông Thời là thương binh hạng 2/4; vợ và con trai đều bị bệnh, sức yếu. Chi phí sinh hoạt cả gia đình trông vào khoản trợ cấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng của ông. Được các tổ chức, đơn vị, DN hỗ trợ 15 triệu đồng, gia đình ông kinh doanh hoa quả. Mỗi ngày, cửa hàng thu lãi khoảng 100 nghìn đồng cùng với tiền trợ cấp hằng tháng đã giúp ông bớt khó khăn. Một năm nay, gia đình ông Thời đã ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.
Đến nay, toàn tỉnh không có hộ nghèo, cận nghèo là NCC. 100% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Nhiều hộ vươn lên khá giả, nhiều thương binh, bệnh binh trở thành điển hình phát triển kinh tế của huyện, xã. |
Năm 2022, theo kết quả rà soát, toàn tỉnh có 180 hộ nghèo, cận nghèo là NCC với cách mạng. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ hộ NCC thoát nghèo; trong đó xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương và đề ra các giải pháp thực hiện. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với các huyện, TP tổ chức điều tra tình hình đời sống và căn cứ vào các chỉ tiêu thiếu hụt cụ thể của từng hộ để giúp đỡ.
Qua đó, toàn tỉnh đã có 325 lượt hộ nghèo, cận nghèo NCC được tiếp cận các dịch vụ về việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin, nhà ở, y tế, về giáo dục, thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) đều được các cơ quan, đơn vị, DN nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh không còn NCC thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Kết quả rà soát cuối năm 2023 vừa qua, toàn tỉnh không có hộ NCC tái nghèo hoặc phát sinh hộ nghèo mới. 100% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Không để tái nghèo
Những năm gần đây, công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình chính sách, NCC được quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực. Cùng với kịp thời giải quyết chế độ trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, mai táng phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho NCC và thân nhân, Sở LĐTBXH tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huy động nguồn lực ở cấp huyện, xã dành hỗ trợ NCC khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở, động viên tinh thần thương binh, bệnh binh bằng các hoạt động văn hoá, thể thao.
Tại huyện Lạng Giang, qua rà soát, đầu năm 2022, toàn huyện có 14 hộ nghèo, cận nghèo là NCC. Từ đó, huyện đã huy động hỗ trợ sửa chữa nhà ở, công trình phụ và kinh phí khám, chữa bệnh, trợ giúp xã hội cho các hộ. Hiện các hộ đều đã thoát nghèo. Cũng vào đầu năm 2022, huyện Sơn Động vốn có số hộ NCC nghèo, cận nghèo nhiều nhất tỉnh với 31 hộ nghèo, 98 hộ cận nghèo.
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “UBND huyện giao nhiệm vụ, phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, đơn vị liên quan và 15 xã, thị trấn còn hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện chính sách. Đồng thời ký kết chương trình hỗ trợ các hộ NCC thoát nghèo với 15 đơn vị, DN và đẩy mạnh vận động xã hội hóa, qua đó tiếp nhận gần 5 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, toàn huyện đã xây mới nhà ở cho 8 hộ, hỗ trợ xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh 48 hộ, sửa chữa nhà ở, nhà bếp 24 hộ. Còn lại các hộ được hỗ trợ máy cày, xe ba bánh, máy lọc nước và sổ tiết kiệm”.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo NCC còn nhận được phần quà ý nghĩa của Hội Chữ thập đỏ tỉnh thông qua hoạt động hỗ trợ theo địa chỉ (1 triệu đồng/tháng). Nhờ đó vào cuối năm các hộ đã đủ tiêu chuẩn ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo.
Theo ông Bùi Quang Phát, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, sau khi các hộ thoát nghèo, ngành chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương quan tâm thường xuyên để giúp đỡ kịp thời những hộ có nguy cơ tái nghèo; triển khai các biện pháp nâng cao mức sống cho NCC, hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới. Sở tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách với NCC; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc thực hiện chế độ, chính sách; triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho hộ NCC để cải thiện các tiêu chí hoặc chỉ số thiếu hụt theo chuẩn nghèo đa chiều.
Tại các huyện: Tân Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Sơn Động, Việt Yên, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho NCC, huyện chỉ đạo các xã rà soát nắm thông tin những gia đình chính sách có thành viên còn gặp khó khăn về đời sống để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Trong đó, hỗ trợ tham gia lớp đào tạo nghề, cây, con giống từ các chương trình mục tiêu giảm nghèo và vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Những tháng cuối năm 2023, toàn tỉnh giúp các hộ thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách hoàn thành xây dựng, sửa chữa hàng chục ngôi nhà; hỗ trợ gần 70 hộ NCC khó khăn đột xuất. Thời điểm này, các địa phương bắt đầu triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho hộ chính sách, NCC. Ngoài phần quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, các huyện trích ngân sách hỗ trợ và chỉ đạo các xã, thị trấn xã hội hóa để chăm lo NCC trong dịp Tết, với mức tối thiểu từ 500 đến 800 nghìn đồng/suất, giúp các gia đình thêm đủ đầy khi Tết đến, xuân về.
Lệ Thanh – Xuân Thỏa
Mạnh dạn tìm hướng đi thoát nghèo
BẮC GIANG – Nhờ chịu thương chịu khó, năng động, sáng tạo, phát huy thế mạnh vùng miền, nhiều nông dân ở tỉnh Bắc Giang đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.
Nỗ lực vươn lên thoát nghèo
BẮC GIANG – Khi cuộc sống đã phần nào vợi bớt khó khăn, một số hộ dân trên địa bàn huyện Hiệp Hòa tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Họ muốn sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước dành cho những người khó khăn hơn và góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Phụ nữ Hiệp Hòa đa dạng cách hỗ trợ hội viên thoát nghèo
BẮC GIANG – Xác định hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những giải pháp then chốt để xây dựng gia đình hạnh phúc, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã đa dạng cách làm, giúp hội viên có việc làm, thêm thu nhập, thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Thoát nghèo bền vững nhờ xuất khẩu lao động
BẮC GIANG – Cùng với những nỗ lực trong việc chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho bà con các dân tộc trên địa bàn, thời gian qua, huyện Sơn Động (Bắc Giang) chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người dân xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
tin tức bắc giang, bắc giang, Giúp người có công, thoát nghèo bền vững