BẮC GIANG – Khi xây dựng nông thôn mới (NTM), chính quyền địa phương luôn quan tâm khoác “áo mới”, để mỗi chốn quê ngày càng khang trang, đáng sống. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc được các cấp, ngành, địa phương gìn giữ, phát huy, xem đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Đậm nét văn hóa truyền thống
Đến thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) vào một ngày đầu tháng 9, chúng tôi ấn tượng bởi cảnh quan khang trang, sạch đẹp. Hai bên đường từ cổng làng tới các trục đường chính là bức tường bích họa với cảnh làng quê cây đa, bến nước, sân đình; 4/4 km đường giao thông uốn lượn quanh thôn được bê tông hóa; nhà ai cũng có vườn bãi trồng cây ăn quả tốt tươi… Được biết, trước kia thôn Ngọt là thôn đặc biệt khó khăn của huyện. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng lòng của người dân nên năm 2019 thôn Ngọt đã về đích NTM kiểu mẫu.
Thôn Ngọt, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) vừa xây dựng NTM vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống. |
Bí thư Chi bộ thôn Ngọt Dương Văn Trình nói: “Trong tất cả tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu, chúng tôi đặc biệt coi trọng gìn giữ nét văn hóa truyền thống, xem đây là động lực, điểm tựa để thực hiện các tiêu chí khác. Nét văn hóa ấy trước tiên là tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết. Vì thế, khi các cấp chính quyền vận động hiến đất mở đường, đóng góp kinh phí xây dựng các công trình chung đều được người dân đồng thuận cao. Ngoài ra, người dân thực hiện nghiêm túc hương ước. Mỗi khi gia đình nào có việc hiếu, việc hỉ, bà con chòm xóm đều đến từ sớm giúp đỡ”.
Thôn Ngọt có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu nên những nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc vẫn được giữ gìn. Người Sán Dìu có điệu Soọng cô trữ tình. Để lưu truyền cho thế hệ sau, năm 2022 thôn thành lập Chi hội bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu với 23 hội viên, người nhiều tuổi nhất đã bước sang tuổi 80, trẻ nhất 39 tuổi.
Mỗi độ nông nhàn, các thành viên Chi hội lại đến nhà văn hóa thôn luyện tập các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, làng quê. Mùa lễ hội hoặc khi địa phương tổ chức sự kiện văn hóa, đội văn nghệ của thôn Ngọt đều được mời đến giao lưu để lan tỏa nét văn hóa truyền thống của dân tộc cho đông đảo người dân. Hiện Chi hội đang sưu tầm các bài hát, làn điệu truyền thống, mong muốn mở lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh trong thời gian tới.
Đến nay, toàn tỉnh có 149/182 xã đạt chuẩn văn hóa NTM. Nét văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, là động lực để thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động của T.Ư và địa phương. |
Năm 2023, xã Ninh Sơn (Việt Yên) chọn xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo lĩnh vực nổi trội là văn hóa. Địa phương có nhiều nền tảng như 4 làng quan họ cổ, nhiều nghệ nhân, câu lạc bộ. Hơn nữa, việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, điểm nhấn là truyền thụ dân ca quan họ cho thế hệ trẻ tại trường học. Năm nay, các xã: Tăng Tiến, Hồng Thái, Thượng Lan (cùng huyện) cũng xây dựng NTM kiểu mẫu. Mỗi địa phương chọn một lĩnh vực nổi trội, song đều quan tâm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Cùng với bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, các địa phương trên còn quan tâm bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích trên trên bàn. Được biết, huyện Việt Yên đang đầu tư kinh phí tu bổ chùa Nội Ninh, đình Thượng Lát (xã Ninh Sơn); người dân và học sinh xã Hồng Thái thường xuyên quét dọn, chỉnh trang cảnh quan tại đền Như Thiết… Khi đặt chân đến nhiều làng quê, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh giếng nước, sân đình, cổng làng ngả màu thời gian; những làng nghề truyền thống, phiên chợ quê; lễ hội rộn ràng… Tất cả tạo nên bức tranh văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc song hành với những con đường rộng dài, nhà cao tầng khang trang…
Tài nguyên để phát triển du lịch
Bà Lê Thị Thanh Thủy, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí là tiêu chí số 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 (về các danh hiệu văn hóa). Gìn giữ nét văn hóa truyền thống là một khía cạnh quan trọng trong các tiêu chí ấy. Làm tốt điều này sẽ giúp mỗi làng quê thực sự là chốn đi về, đáng sống; mỗi người dân cảm thấy tự hào, trân quý những giá trị truyền thống của cha ông, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Ngoài ra, đây còn là tài nguyên quý báu để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Người Dao tại huyện Sơn Động gìn giữ, lưu truyền nghề thêu truyền thống. |
Hiện tỉnh Bắc Giang đã hình thành nhiều tuyến du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đơn cử như tuyến du lịch TP Bắc Giang – Khu K12 (Tân Yên) – Trung tâm di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, bản Ven (Yên Thế); TP Bắc Giang – Khu di tích suối Mỡ (Lục Nam) – Vườn cây ăn quả (Lục Ngạn) – Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, Khu du lịch Đồng Cao (Sơn Động)… Hằng năm, các điểm đến đón hàng vạn lượt du khách, hình ảnh tỉnh nhà cũng được quảng bá qua “kênh” này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dù những năm qua, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt nhiều kết quả tích cực song công tác bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa trong xây dựng NTM tại một số địa phương vẫn còn một số hạn chế. Có nơi nặng về hình thức, chạy theo thành tích; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa chưa xứng tầm với tiềm năng; kinh phí thực hiện còn eo hẹp; chưa thu hút được nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng nhằm khai thác giá trị văn hóa truyền thống tại các khu di tích.
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong xây dựng NTM ngày càng thực chất, hiệu quả, các cấp, ngành cần chú trọng hơn nữa tới công tác bảo tồn, đặc biệt là lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động giáo dục, trải nghiệm. Quan tâm xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bên cạnh xây dựng đời sống mới, các cấp, ngành cần tổ chức tốt các hình thức phát động, đăng ký danh hiệu văn hóa; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng văn hóa trong NTM; ngăn chặn thông tin độc hại, bảo đảm môi trường văn hóa lành mạnh. Khi mở rộng không gian văn hóa làng quê trong quy hoạch xây dựng NTM cần bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững giữa kinh tế – văn hóa – môi trường; giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa truyền thống và hiện đại theo đặc thù của từng địa phương.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Nông thôn mới nâng cao trên quê hương Phúc Hòa
BẮC GIANG – Xã Phúc Hòa (Tân Yên) không chỉ nổi tiếng về vải thiều sớm, nơi đây còn là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nâng cao. Đây là kết quả của sự cố gắng phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã, làm nức lòng những người dân quê hương.
Lan tỏa xã nông thôn mới kiểu mẫu
BẮC GIANG – Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh ngày càng phát triển theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả và tính bền vững. Đây là năm đầu tiên Bắc Giang thực hiện đánh giá xã NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí giai đoạn 2023-2025, với nhiều nét mới, yêu cầu cao hơn song các địa phương đã chuẩn bị kỹ, phấn đấu từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
tin tức bắc giang, bắc giang, hồn quê, nông thôn mới, văn hóa truyền thống, giá trị văn hóa, phát triển du lịch nông nghiệp, văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống, phiên chợ quê