BẮC GIANG – Cùng với đẩy mạnh phát triển KT – XH, thời gian qua, huyện Sơn Động đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa trong phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đây, hình thành vùng văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc, thu hút du khách thập phương.
Phục dựng lễ hội truyền thống
Lễ hội hát Then, đàn Tính và lễ hội xuống đồng vừa được xã An Lạc chủ trì phối hợp với cụm 4 xã trong vùng Đông Bắc của huyện tổ chức thành công, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách và người dân địa phương. Trong không gian ngập tràn sắc văn hóa tại khu vực nhà sàn thôn Nà Ó, bà con đồng bào dân tộc xúng xính trong các trang phục truyền thống, đắm mình với câu hát dân ca, điệu nhảy, lễ cúng cầu mùa và các trò chơi dân gian.
Tiết mục văn nghệ của đồng bào dân tộc tại Lễ hội xuống đồng. |
Đồng chí Mã Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Lạc, Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Các xã Hữu Sản, Vân Sơn, Lệ Viễn, Vĩnh An và An Lạc nằm ở phía Đông Bắc của huyện. Nơi đây, đồng bào DTTS chiếm gần 60% dân số, nên nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa độc đáo riêng vẫn được lưu giữ. Trước đây, các nghi lễ, phong tục truyền thống tổ chức gói gọn trong gia đình, dòng họ, thôn, bản vào dịp lễ, Tết mà chưa có điều kiện tổ chức quy mô gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng các nguồn vốn khác, các địa phương triển khai nhiều giải pháp quan tâm bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống.
Các lễ hội có quy mô liên xã lần đầu tiên được tổ chức, do UBND huyện trực tiếp chỉ đạo nên công tác chuẩn bị diễn ra chu đáo như: Thành lập ban tổ chức, xây dựng kế hoạch chi tiết giao nhiệm vụ cho từng thành viên. Về phía các xã cũng đã huy động cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, hạt nhân văn nghệ, nhân dân các dân tộc cùng tham gia. Nhờ vậy tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa đa sắc với chuỗi hoạt động ý nghĩa gồm: Giao lưu văn nghệ; trình diễn trang phục các dân tộc; phục dựng lễ cúng cầu mùa, xuống đồng; hội trại; các trò chơi dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, ném còn, đập niêu, đi cà kheo…
Mỗi dân tộc có ngôn ngữ, bài cúng khác nhau nhưng đều chung nội dung cảm tạ trời đất cho mùa màng tốt tươi, quê hương an hòa. Những năm gần đây, một số gia đình hoặc người già đã quan tâm truyền dạy lời ca, tiếng hát, ngôn ngữ của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Tại lễ hội xuống đồng, du khách ấn tượng sâu sắc ngay từ tiết mục đồng ca mở màn hội hát của đơn vị xã An Lạc. Với gần 30 diễn viên không chuyên tham gia (người già nhất 70 tuổi, trẻ nhất 13 tuổi), tiết mục thể hiện rõ sự đoàn kết giữa 7 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn xã. Hạt nhân văn nghệ Châu Thị Sẹc, dân tộc Tày, chia sẻ: “Rất lâu rồi, tôi mới được tham dự ngày hội vui như vậy. Hôm nay, tôi chọn bộ váy áo truyền thống để đi hội hát, biểu diễn tiết mục văn nghệ của đồng bào dân tộc mình”.
Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch
Huyện Sơn Động có hơn 80 nghìn người, 30 thành phần dân tộc cùng chung sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chí… Đồng bào DTTS chiếm gần 60%, lưu giữ được nhiều phong tục độc đáo, đa dạng, phong phú nhiều màu sắc. Do trước đây chưa được quan tâm gìn giữ, nên một số nghi lễ, phong tục đứng trước nguy cơ mai một.
Sơn Động có 30 thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan … chiếm gần 60% dân số. Huyện đang quan tâm phục dựng các lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch. Từ năm 2020 đến nay, địa phương đã tổ chức 13 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc; phục dựng 12 nghi lễ, đám cưới văn minh của các dân tộc Dao, Cao Lan, Tày… |
Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định rõ, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ cấp bách, xuyên suốt, lâu dài.
Theo đó, hằng năm, từ các nguồn vốn, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng tạo không gian sinh hoạt tập trung. Đồng thời quan tâm thành lập các tổ đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống trong đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc huyện Sơn Động giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Từ năm 2020 đến nay, Sơn Động đã bảo tồn, tôn tạo 17 di tích lịch sử, văn hóa; tổ chức 13 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc; phục dựng 12 nghi lễ, đám cưới văn minh của các dân tộc Dao, Cao Lan, Tày… Hằng năm, huyện đều phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ hội Tây Yên Tử. Tháng 4/2023, huyện tham mưu lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội bơi chải (thị trấn An Châu); phục dựng hội hát Sình ca của người Cao Lan; nghệ thuật hóa lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao. Duy trì hội hát Then – đàn Tính (dân tộc Tày), hát Sloong hao (dân tộc Nùng) kết hợp với chợ phiên vùng cao; đưa nội dung hát Then, đàn Tính vào giờ học ngoại khóa ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn các xã Vân Sơn, An Lạc, Hữu Sản, Lệ Viễn.
Xác định, văn hóa đặc sắc của vùng đồng bào DTTS là nguồn lực phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, huyện Sơn Động đang nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách. Năm 2023, ngân sách địa phương đã phân bổ gần 5 tỷ đồng đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng không gian văn hóa ở các điểm du lịch cộng đồng tại thôn Nà Ó (xã An Lạc); bản Mậu (thị trấn Tây Yên Tử); bản Nà Hin, (xã Vân Sơn); điểm du lịch sinh thái Hồ Khe Chão (xã Long Sơn); khe Nương Dâu (xã Tuấn Đạo); núi Mục – Ba Tia (thị trấn Tây Yên Tử).
Từ thành công của lễ hội hát Then, đàn Tính và lễ hội xuống đồng cụm các xã vùng Đông Bắc, những năm tới, huyện định hướng các xã tổ chức lễ hội xuống đồng vào dịp đầu xuân. Cùng đó, lựa chọn những tiết mục đặc sắc đưa vào nội dung trong chuỗi hoạt động tạo điểm nhấn tại lễ hội Tây Yên Tử. Đối với các xã còn lại như Vân Sơn, Dương Hưu, Long Sơn… tùy điều kiện thực tiễn, tới đây cũng tổ chức khôi phục lễ hội truyền thống, thành lập câu lạc bộ hát dân ca của đồng bào DTTS để phục vụ phát triển du lịch. Chỉ đạo phòng chuyên môn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá các lễ hội, phong tục truyền thống; tổ chức câu lạc bộ tham gia hội thi, hội diễn các cấp nhằm xây dựng hạt nhân nòng cốt trong cộng đồng và phục vụ phát triển du lịch.
Bài, ảnh: Mai Toan
Sơn Động: Tổ chức lễ cưới văn minh trong đồng bào dân tộc thiểu số
BẮC GIANG – Ngày 3/12, tại thôn Đồng Bây, xã An Lạc, Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình huyện Sơn Động (Bắc Giang) phối hợp với UBND xã tổ chức lễ cưới điểm thực hiện theo nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc thiểu số.
tin tức bắc giang, bắc giang, Sơn Động, dân tộc thiểu số, Gìn giữ, phát huy nét đẹp dân tộc, phát huy di sản văn hóa, huyện Sơn Động, văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc