BẮC GIANG – Dân ca dân tộc Dao (còn gọi là Pả Du hay Páo Dung) hình thành từ lâu đời và trở thành món ăn tinh thần của người dân tộc Dao Thanh Phán trên địa bàn huyện Sơn Động. Những lời ca, tiếng hát mộc mạc, ngọt ngào của đồng bào chứa đựng niềm tin, khát vọng về tương lai tốt đẹp hơn. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp để gìn giữ làn điệu này.
Những nét đặc sắc
Nhà Nghệ nhân Ưu tú Triệu Thị Bình nằm trên tuyến đường trung tâm của tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Tây Yên Tử (trước kia là bản Mậu, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động). Mới đến cửa nhà, chúng tôi đã nghe thấy tiếng hát ngân vang, ngọt ngào. Anh cán bộ văn hóa thị trấn nói đó chính là giọng hát của bà Bình, ai không biết sẽ nghĩ đây là tiếng ca của cô gái tuổi đôi mươi.
Bà Triệu Thị Bình nói về những làn điệu dân ca dân tộc Dao. |
Thấy có khách, bà Bình từ trong phòng bước ra nở nụ cười tươi, có lẽ vì yêu âm nhạc nên nhìn bà trẻ hơn nhiều so với tuổi 63. Bà chia sẻ, nhắc đến người Dao Thanh Phán, mọi người sẽ nhớ tới những nét văn hóa đặc sắc như lễ cấp sắc, nghề thêu thổ cẩm và không thể không nhắc tới làn điệu dân ca. Dân ca xuất phát từ cuộc sống và sinh hoạt thường ngày, chứa đựng mọi cung bậc tình cảm của con người. Thông qua lời ca giản dị, mộc mạc, đồng bào Dao mong ước vụ mùa bội thu; thời tiết thuận lợi; ca ngợi vẻ đẹp bản làng, tình yêu đôi lứa; gửi gắm niềm tin, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dân ca dân tộc Dao thường có hai loại hình gồm các bài hát lễ nghi tín ngưỡng và các bài hát trong sinh hoạt thường ngày. Trong lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, người Dao sẽ hát những làn điệu cổ, ít lời nhiều ý, đòi hỏi người hát phải am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc; sử dụng chuông khi biểu diễn để lời ca rộn rã hơn. Trong đời sống sinh hoạt, bà con hát những bài bay bổng, nhẹ nhàng như giao duyên, hát ru, hát mừng gặp mặt, tiễn khách. Ca từ của những làn điệu này giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ.
Câu lạc bộ văn nghệ người Dao thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) biểu diễn dân ca. |
Từ thuở còn thơ, cô bé Bình đã được bà, mẹ hát cho nghe những làn điệu dân ca. Lên 9, lên 10, cô bé hiểu hơn ý nghĩa của từng câu hát và bắt đầu học bài bản, tham gia các tốp hát ở địa phương, thường đi biểu diễn, giao lưu ở nhiều nơi. Lớn lên, bà thuộc hàng trăm bài hát dân ca Dao lời cổ và tự sáng tác một số bài. Năm 2019, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Theo bà, người hát dân ca dân tộc Dao phải nắm được các kỹ thuật cơ bản như vang, rền, hát tròn vành, rõ chữ, mượt mà, biết luyến láy, ngắt câu phù hợp. Các bài hát được dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác chủ yếu bằng hình thức truyền miệng, cũng có một số ông, bà ghi chép lại bằng tiếng Hán để lưu giữ lâu dài.
Bảo tồn văn hóa truyền thống để phát triển du lịch
Người dân tộc Dao chiếm khoảng 31% dân số của thị trấn Tây Yên Tử, sinh sống tập trung ở các tổ dân phố Mậu và Thanh Chung. Tuy nhiên, những người am hiểu về dân ca dân tộc Dao như bà Bình ở trên địa bàn không còn nhiều. Ở tổ dân phố Mậu có bà Bàn Thị Duyên cũng là người biết hát dân ca. Năm nay, bà ngoài 70 tuổi nên ít đi biểu diễn, giao lưu nhưng tình yêu với lời ca, tiếng hát chưa khi nào phai nhạt. Càng yêu bao nhiêu, bà càng trăn trở khi những làn điệu dân ca của dân tộc mình đang dần mai một.
Gìn giữ làn điệu dân ca dân tộc Dao là động lực để phát triển du lịch tại huyện Sơn Động. |
Bà tâm sự: “Ngày trước, chúng tôi lên nương, đi chăn trâu, cắt cỏ, đi chơi đều hát để xua đi mệt mỏi, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau vượt qua gian khó. Hiện nay, phần lớn người trẻ không được tham dự các sự kiện văn hóa dân tộc, có nhiều yếu tố khác chi phối nên chẳng còn mấy ai biết hát dân ca”. Thực tế cũng cho thấy, việc truyền dạy các bài dân ca, dạy múa, dạy chữ cho người Dao ở Bắc Giang nói chung và ở huyện Sơn Động nói riêng còn ít, chưa có chiều sâu, chưa hấp dẫn nhiều người tham gia, đặc biệt là lớp trẻ. Một số con em người Dao chưa thông thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Việc trao truyền, duy trì hình thức diễn xướng, múa, hát múa của người Dao là rất cần thiết, vừa có ý nghĩa bảo tồn giá trị của các di sản văn hóa vừa để phục vụ phát triển du lịch. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, cuối năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề tài bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Nùng, Dao phục vụ xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch ở huyện Lục Ngạn, Sơn Động, góp phần phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang. Đề tài do Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Bắc Giang chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup thực hiện từ tháng 2/2022 đến tháng 7/2024.
Người dân tộc Dao tại thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) hát giao duyên. |
Sau hơn một năm thực hiện, nhiều phần việc trong đề tài được hoàn thiện theo kế hoạch, nổi bật là thành lập Câu lạc bộ văn nghệ người Dao thị trấn Tây Yên Tử. Câu lạc bộ có 17 thành viên độ tuổi từ 25 đến 35. Thạc sĩ, nhạc sĩ Phan Đình Oánh, Hội Văn học nghệ thuật và giảng viên Nguyễn Lan Hương, Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh là những người hướng dẫn các thành viên trong đội văn nghệ từ những ngày đầu. Đến nay, các anh chị diễn viên không chuyên đã biểu diễn được nhiều bài hát dân ca Dao sáng tác mới.
Theo nhạc sĩ Phan Đình Oánh, muốn gìn giữ làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Dao, điều trước mắt phải ghi âm các bài hát dân ca do nghệ nhân hát, ký âm thành các bản nhạc và dịch lời bài hát từ tiếng Nôm sang Hán-Việt hoặc tiếng Kinh phổ thông để sau này khi các nghệ nhân không còn nữa, thế hệ sau vẫn còn các bản nhạc, lời ca để lại làm cơ sở truyền dạy, bảo tồn. Song việc này không dễ thực hiện vì tiếng dân tộc Dao là ngôn ngữ khó viết, khó học.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Tống Thị Hương Giang động viên người cao tuổi dân tộc Dao gìn giữ văn hóa truyền thống. |
Nhiều bài hát được lặp đi, lặp lại, bổ sung âm phụ, tiếng đệm, đưa hơi cho giai điệu chính nên càng khó ghi âm, ký âm. Khắc phục vướng mắc, nhạc sĩ đã ghi âm, ký âm 20 bài hát thành bản nhạc thuộc các thể loại khác nhau như: Các bài trong lễ cấp sắc, hát đối đáp giao duyên, hát trong lao động, hát ru, hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ…
Thời gian tới, địa phương cần tiếp tục khôi phục những hình thức diễn xướng gốc; mở rộng thêm nhiều lớp thêu, học chữ, hát múa… ở các bản làng có người Dao sinh sống để tạo môi trường cho người dân, nhất là thế hệ trẻ được học, được hát bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Đầu tư ghi âm, ghi hình, ký âm thành các bản nhạc các bài hát trong dịp lễ hội, các hoạt động thường xuyên trong cộng đồng người Dao.
Những năm qua, cấp ủy chính quyền huyện Sơn Động đã có nhiều giải pháp duy trì và phát huy có hiệu quả hoạt động của đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật; tổ chức các hội thi, liên hoan, hội diễn; sân khấu hóa một số nghi thức văn hóa bản địa, làn điệu dân ca, điệu múa thành các tiết mục biểu diễn văn hóa – nghệ thuật, biểu diễn phục vụ khách du lịch”. Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động. |
Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có những làn điệu dân ca của người dân tộc Dao là “tài nguyên” để phát triển du lịch.
Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng song song với bảo tồn di sản văn hóa truyền thống.
Cụ thể là duy trì và phát huy có hiệu quả hoạt động của đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật; tổ chức các hội thi, liên hoan, hội diễn; sân khấu hóa một số nghi thức văn hóa bản địa, làn điệu dân ca, điệu múa thành các tiết mục biểu diễn văn hóa – nghệ thuật, biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh, UBND huyện Sơn Động đã đề ra nghị quyết dành một phần ngân sách hằng năm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tu bổ di tích lịch sử-văn hóa, gìn giữ văn hóa phi vật thể. Địa phương đã định hướng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, du lịch, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống vì khi cái ăn, cái mặc đủ đầy, người dân mới yên tâm học múa, học hát, để điệu Pả Du mãi là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân bản địa.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Già làng Lưu Đình Tiến: Dành trọn tâm huyết bảo tồn dân ca Sán Dìu
Bắc Giang: Khai giảng lớp truyền dạy múa Tắc Xình, hát dân ca Sấng Cọ
(BGĐT) – Chiều 2/4, UBND xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) tổ chức khai giảng lớp truyền dạy múa Tắc Xình, hát dân ca Sấng Cọ nhằm bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc Sán Chí. Đây là một trong nhưng nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Lan tỏa tình yêu dân ca quan họ
(BGĐT) – “Chúng tôi rất mừng khi ngày càng có nhiều người tham gia vào nhóm “Bọn-Quan họ làng-Truyền thống”. Thật vui khi những làn điệu quan họ cổ được lan tỏa, ngân xa tới khắp các vùng, miền trong và ngoài nước”. Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Quan họ xã Minh Đức (Việt Yên – Bắc Giang), trưởng nhóm “Bọn-Quan họ làng-Truyền thống” chia sẻ.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, dân ca, người dao, văn hoá dân tộc, dân ca dân tộc dao, truyền dạy dân ca, câu lạc bộ, làn điệu dân ca, huyện sơn động