BẮC GIANG – Ngày 30/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 44 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 101 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Theo đó, nhiều nhóm hàng hóa dịch vụ được giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%, qua đó giúp doanh nghiệp (DN), người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Lợi ích kép
Nghị định số 44 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/7 đến hết ngày 31/12 năm nay. Đối tượng thụ hưởng là người tiêu dùng, DN. Theo đó, việc giảm thuế GTGT được áp dụng tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Riêng nhóm hàng hóa dịch vụ như: Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm khai khoáng, hóa chất, kim loại, viễn thông, hoạt động tài chính, hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt… không được giảm theo chính sách này.
Dây chuyền sản xuất giấy của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang. |
Tìm hiểu được biết, từ tháng 7 đến nay, các DN và người dân trong tỉnh đều được hưởng lợi từ việc giảm thuế GTGT trong hoạt động mua bán và xuất nhập khẩu hàng hoá theo quy định. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang là một trong số đó. Đây là DN chuyên sản xuất giấy Tissue gồm: Giấy ăn, khăn lụa, giấy vệ sinh nhãn hiệu Posy phục vụ người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Ông Hà Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, áp dụng Nghị định số 44, trong tháng 7, Công ty được giảm thuế khoảng 3,5 tỷ đồng. Dự kiến, từ tháng 8 đến hết năm nay, Công ty sẽ được giảm gần 18 tỷ đồng thuế GTGT. Việc giảm thuế giúp DN có thêm nguồn lực mua nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điểm đặc biệt là khi giảm thuế đầu vào đối với việc nhập khẩu nguyên liệu kéo theo đó giá thành sản phẩm giảm, người dân cũng được hưởng lợi nên kích cầu tiêu dùng. 7 tháng qua, doanh thu của DN đạt hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 76% kế hoạch năm.
Tương tự, Công ty TNHH Phú Vượng (Yên Dũng) chuyên sản xuất đồ gỗ dân dụng cũng được giảm hàng chục triệu đồng thuế GTGT. Theo ông Dương Thế Vụ, Giám đốc Công ty, việc giảm thuế không chỉ có lợi cho người sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà các DN cũng có lợi bởi khoản chi phí tiết kiệm được từ giảm thuế có thể dùng để cải thiện thu nhập cho người lao động, giảm bớt áp lực về tài chính.
Không chỉ các DN, thực hiện Nghị định số 44, người dân mua sắm hàng hoá trong các các siêu thị, cửa hàng… trong tỉnh cũng được giảm thuế GTGT. Bà Lê Thị Thu Hương, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) cho biết: “Đầu tháng 7 năm nay, tôi mua hàng hoá tại siêu thị GO! Bắc Giang với tổng trị giá 5 triệu đồng.
Thời điểm trước tháng 7, hoá đơn thanh toán tiền hàng, thuế GTGT là 10% nhưng nay được giảm xuống còn 8%. Được giảm thuế, tôi tiết kiệm đáng kể khoản chi phí khi mua hàng hoá”. Được biết, tại các trung tâm thương mại, nhà hàng ăn uống, khách sạn trong tỉnh đã thực hiện nghiêm việc điều chỉnh giảm thuế GTGT đối với các dịch vụ theo quy định, bảo đảm quyền lợi với khách hàng.
Thực hiện nghiêm chính sách giảm thuế
Nghị định số 44 được ban hành được đánh là chính sách trúng và đúng trong thời điểm hiện nay. Chính sách được thực hiện nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đồng thời kích cầu tiêu dùng. Theo tính toán của ngành thuế, việc giảm thuế GTGT từ tháng 7 đến hết năm nay sẽ giúp DN, người dân trong tỉnh dành ra khoản kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang – Lục Nam hướng dẫn người dân tìm hiểu về chính sách giảm thuế GTGT. |
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: “Để DN, người dân hiểu rõ và vận dụng đúng Nghị định số 44, ngay từ giữa tháng 6, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức phổ biến rộng rãi tới người dân và DN bằng nhiều hình thức trên qua trang thông tin của ngành thuế, lồng ghép vào một số hội nghị. Đặc biệt, Cục Thuế tỉnh cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận phản ánh của người dân, tổ chức để hướng dẫn, giải đáp ngay những vướng mắc. Hơn một tháng qua, cán bộ ngành Thuế đã tiếp nhận nhiều cuộc điện thoại và văn bản hỏi về chính sách, mặt hàng được giảm thuế”.
Chính phủ ban hành Nghị định số 44 nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn sau đại dịch, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đồng thời kích cầu tiêu dùng. Theo ngành thuế, việc giảm thuế GTGT từ tháng 7 đến hết năm nay sẽ trợ lực cho DN, người dân trong tỉnh hàng trăm tỷ đồng. |
Thực hiện Nghị định, một số DN sản xuất hóa chất, thiết bị điện không nắm rõ được mặt hàng kinh doanh có thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT hay không nên lúng túng trong kê khai thuế cho các sản phẩm.
Một số DN, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh gặp khó trong khâu tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế GTGT 8%. Trước các vướng mắc của DN, người dân, Cục Thuế tỉnh đã hướng dẫn, trả lời đối với từng trường hợp cụ thể bằng văn bản hoặc điện thoại.
Ví như một số DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng khi nghiệm thu khối lượng hoàn thành công trình vào ngày 30/6 (trước ngày Nghị định số 44 có hiệu lực) đã hỏi Cục Thuế viết hóa đơn nghiệm thu khối lượng hoàn thành vào ngày 30/6 hay 1/7. Về vấn đề này, Cục Thuế đã hướng dẫn DN viết hóa đơn vào ngày nghiệm thu khối lượng hoàn thành theo quy định pháp luật về thuế và không được giảm thuế 2% vì chưa đến ngày Nghị định số 44 có hiệu lực.
Hay như Công ty cổ phần Đầu tư Golf Trường An (Việt Yên) băn khoăn về việc bán sản phẩm đất khai thác để san lấp mặt bằng có được giảm thuế hay không? Căn cứ theo quy định, đất san lấp thuộc nhóm sản phẩm khai khoáng do đó ngành Thuế đã hướng dẫn DN không được giảm thuế.
Đặc biệt, để các cơ sở kinh doanh, người dân thuận lợi trong việc tính thuế và theo dõi thuế GTGT được giảm, ngành Thuế đã hướng dẫn cơ sở kinh doanh tính thuế theo phương pháp khấu trừ, khi lập hóa đơn cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “8%”, tiền thuế GTGT và tổng số tiền người mua phải thanh toán.
Căn cứ hóa đơn, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn. Trên hóa đơn GTGT phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 44. Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định tại Nghị định số 44.
Được biết, sau khi hướng dẫn, Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người dân, DN.
Bài, ảnh: Minh Linh
Gỡ vướng trong xác định hàng hóa được giảm thuế VAT
(BGĐT) – Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH có hiệu lực từ ngày 1/2/2022. Theo đó, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với nhiều nhóm hàng hóa dịch vụ được giảm từ 10% xuống 8% đến hết năm nay sẽ góp phần giúp doanh nghiệp (DN), người dân giảm bớt khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, phục hồi sản xuất, thuế giá trị gia tăng, Nghị định số 44, chính sách thuế, hóa đơn thuế, quy định pháp luật về thuế, hàng hóa dịch vụ, phục hồi sản xuất, kinh doanh thương mại,