BẮC GIANG – Khai thác lợi thế về đất đai cùng chính sách hỗ trợ, nhiều địa phương ở huyện Lục Nam đã mạnh dạn phát triển sản xuất, đưa giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ đó đời sống người dân từng bước nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm.
Năng động phát triển kinh tế
Trước đây, trên diện tích đất nông nghiệp, đất đồi, người dân xã Huyền Sơn chủ yếu trồng lúa, ngô. Do phần lớn diện tích không chủ động được nước tưới, trình độ canh tác lạc hậu, đầu tư ít nên hiệu quả kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao (hơn 50%). Để tạo “cú hích” phát triển kinh tế, địa phương quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây có giá trị kinh tế cao vào canh tác.
Với 170 ha na, mỗi năm người dân xã Huyền Sơn thu về hàng chục tỷ đồng. |
Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây na, nhiều hộ dân ở các thôn: Khuyên, Liên Giang, Vàng Ngọc… cải tạo đất đồi chuyển sang trồng loại cây này với tổng diện tích 170 ha. Ở một số thôn khác, người dân phát triển cây trồng vụ đông có giá trị kinh tế cao như: Hành, khoai sọ, hoa các loại… với tổng diện tích 80 ha. Từ trồng na và các loại cây rau màu, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá.
Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Tuân (SN 1962), thôn Nam Sơn. Những năm trước, trên diện tích 9 sào đất nông nghiệp, gia đình ông chỉ cấy lúa, thu nhập không ổn định, luôn trong danh sách hộ nghèo. Cách đây 5 năm, nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây khoai sọ, ông cùng một số hộ trong thôn mua giống về trồng. Hiện với 7 sào khoai sọ, 2 sào trồng hoa lay ơn, mỗi năm gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Trần Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã Huyền Sơn, đến nay xã đã hình thành vùng trồng cây ăn quả, cây vụ đông, giá trị trên đơn vị diện tích không ngừng nâng lên. Năm nay, qua rà soát, thu nhập bình quân của xã đạt 45 triệu đồng/người, toàn xã chỉ còn 36 hộ nghèo, chiếm 2,2%.
Không chỉ Huyền Sơn, ở nhiều địa phương khác, từ chính sách, chương trình hỗ trợ, người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tại xã Đông Phú, nhận thấy nhu cầu thị trường đối với cây rau màu chế biến tăng cao, năm nay, người dân trong xã mở rộng diện tích trồng dưa chuột, đậu tương, khoai sọ…
Với gần 550 ha rau màu chế biến, rau an toàn, ước năm nay, người dân trong xã thu về 93 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với năm ngoái. Tương tự, ở xã Bình Sơn, để hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm từ 2-3% hộ nghèo, cùng với thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, tăng thu nhập, địa phương vận động các hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa một vụ sang trồng các loại cây ăn quả.
Vườn đu đủ của gia đình anh Đặng Văn Hiệp. |
Anh Đặng Văn Hiệp (SN 1975), thôn Hoà Bình, xã Bình Sơn cho biết: “Sau thời gian trồng cam ngọt không hiệu quả, tháng 10/2021, được Hội Nông dân xã hướng dẫn, tôi chuyển sang trồng đu đủ. Sau 8 tháng trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch với năng suất 40-50 kg quả/cây/năm. Hiện với 1,5 nghìn cây cho thu hoạch, mỗi năm gia đình thu về khoảng 75 tấn quả. Với giá bán 5 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng”.
Đồng hành để giảm nghèo bền vững
Từ các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đời sống người dân trên địa bàn huyện được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Qua rà soát, hết năm 2023, toàn huyện chỉ còn 1.902 hộ nghèo, chiếm 3,09%, giảm 1,05% so với năm 2022. Đặc biệt, 4 xã cuối cùng của huyện gồm: Trường Sơn, Vô Tranh, Bình Sơn và Lục Sơn đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn.
Có được kết quả này, ngoài thực hiện chính sách hỗ trợ, lồng ghép các nguồn lực đầu tư, việc khai thác thế mạnh địa phương, lựa chọn cây, con giống phù hợp, giúp người dân phát triển mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo đóng vai trò quan trọng.
Qua khảo sát cho thấy, “rào cản” lớn nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế là thiếu vốn đầu tư; ứng dụng khoa học, kỹ thuật hạn chế. Nắm bắt vấn đề này, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, giống, đào tạo nghề…
Mặc dù đạt được kết quả tích cực song qua đánh giá của ngành chức năng, do tập quán sản xuất cũng như những thách thức từ điều kiện tự nhiên nên kết quả giảm nghèo tại một số xã, thị trấn trong huyện chưa bền vững, tỷ lệ giảm nghèo chưa đạt như kỳ vọng (mục tiêu hết năm 2023, toàn huyện còn 3% hộ nghèo)… Để giảm nghèo bền vững, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, huyện quan tâm bố trí, lồng ghép nhiều nguồn lực hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho người nghèo xây dựng mô hình sản xuất mới, phù hợp với lợi thế địa phương.
Hiện, UBND huyện đã phê duyệt 7 dự án nuôi bò hướng thịt, gà lai Hồ thả vườn tại các xã: Đông Hưng, Trường Giang, Vô Tranh, Yên Sơn, Vũ Xá, Thanh Lâm và Chu Điện với tổng kinh phí gần 6,9 tỷ đồng. Cùng đó, phê duyệt 17 dự án phát triển sản xuất cộng đồng do UBND các xã, thị trấn làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
“Sau khi lựa chọn và bàn giao cây, con giống, UBND huyện giao các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn theo dõi tiến độ triển khai, phổ biến kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho các hộ. Để các mô hình giảm nghèo phát huy hiệu quả, các hộ được hỗ trợ cần thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững”, ông Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Thêm nhiều giải pháp thực hiện về giảm nghèo và an sinh xã hội
BẮC GIANG – Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, sáng 12/12, đại biểu Đỗ Thị Hải Yến, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Tân Yên đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể.
Giảm nghèo ở vùng khó khăn: Từ nghị quyết đến cuộc sống
BẮC GIANG – Những năm gần đây, đời sống người dân vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Đó là thành quả từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quyết tâm vượt khó, thoát nghèo của người dân và vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nông dân Hiệp Hòa sản xuất giỏi, giảm nghèo nhanh
BẮC GIANG – Nhờ biết khai thác lợi thế địa phương, mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả, nông dân huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và làm giàu chính đáng.
Khai thác lợi thế để giảm nghèo nhanh
BẮC GIANG – Nhờ năng động, sáng tạo, người dân xã Hoàng Thanh (Hiệp Hòa) đã thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Yên Thế: Giảm nghèo bền vững ở địa bàn đặc biệt khó khăn
BẮC GIANG – Cùng với các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, người dân ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Yên Thế tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao vào canh tác. Nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giàu.
tin tức bắc giang, bắc giang, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống người dân, Giảm nghèo, thay đổi tập quán sản xuất, phát triển kinh tế, đời sống người dân