BẮC GIANG – Thời điểm này, các trường THCS tập trung cao vừa giảng dạy theo phân bố chương trình lớp 9 vừa dồn lực ôn thi đại trà, chú trọng phụ đạo, tăng cơ hội vào lớp 10 cho học sinh.
Dồn sức ôn luyện
Năm học 2024-2025, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT hệ công lập không chuyên của tỉnh Bắc Giang sẽ diễn ra với ba môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, không có môn thi thứ tư như kế hoạch trước đó để giảm áp lực cho thí sinh. Nét mới của kỳ thi này là không có thí sinh được tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên để vào lớp 10 THPT chuyên. Thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT ngoài công lập cũng phải tham gia thi tuyển.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Tăng Tiến (thị xã Việt Yên) tự học trong thư viện. |
Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở nhiều huyện, thị xã, TP trên địa bàn tỉnh rất căng thẳng do tỷ lệ “chọi” cao. Nhiều năm liên tục, một số trường có điểm xét tuyển cao, đông học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi như: THPT Ngô Sĩ Liên, THPT Thái Thuận, THPT Tân Yên số 1, THPT Việt Yên số 1, THPT Hiệp Hòa số 1.
Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu phân luồng giáo dục, bậc THPT hiện nay chỉ tuyển khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS; số còn lại nếu có nguyện vọng sẽ tiếp tục theo học tại các loại hình khác như: Tư thục, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xét về nguyện vọng, đa số phụ huynh có con đang học lớp 9 đều mong muốn con em thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập. Thực tế, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 29,5 nghìn học sinh lớp 9.
Theo kế hoạch phát triển giáo dục THPT năm học 2024-2025, tỉnh Bắc Giang tuyển gần 20,2 nghìn chỉ tiêu vào lớp 10. Trong đó có gần 16,7 nghìn chỉ tiêu vào các trường THPT công lập và hơn 3,5 nghìn chỉ tiêu vào các trường THPT ngoài công lập. |
Theo kế hoạch phát triển giáo dục THPT năm học 2024-2025, tỉnh Bắc Giang tuyển gần 20,2 nghìn chỉ tiêu vào lớp 10. Trong đó có gần 16,7 nghìn chỉ tiêu vào các trường THPT công lập và hơn 3,5 nghìn chỉ tiêu vào các trường THPT ngoài công lập. So với năm học trước, số học sinh dự kiến tuyển tăng hơn 2,1 nghìn em. Một số trường có chỉ tiêu tuyển sinh cao như: THPT Lục Ngạn số 1 (675 em); THPT Hiệp Hòa số 2 (630 em), THPT Lạng Giang số 1 (630 em), THPT Lạng Giang số 2 (630 em), THPT Lục Nam (630 em).
Đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các nhà trường chú trọng vừa giảng dạy, vừa ôn tập, trang bị kiến thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. Các trường THCS đẩy mạnh phân loại học lực để định hướng cho học sinh phương pháp học tập phù hợp. Những ngày này, thầy và trò Trường THCS Hoàng Ninh (thị xã Việt Yên) đang tranh thủ “thời gian vàng” vừa giảng dạy vừa ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Thầy giáo Ngô Trí Thông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, khối lớp 9 có 5 lớp với 180 học sinh. Từ đầu năm học, nhà trường bố trí giáo viên có năng lực, kinh nghiệm chủ nhiệm, giảng dạy lớp 9. Theo phân bố chương trình lớp 9, môn Tiếng Anh học 3 tiết/tuần, môn Toán và Ngữ văn học 4 tiết/tuần.
Các tổ chuyên môn phân công giáo viên ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh sau từng bài giảng, giao bài tập theo hướng nâng dần độ khó. Hằng tháng, nhà trường kiểm tra, đánh giá học lực của học sinh, kịp thời điều chỉnh phương pháp ôn luyện. Đối với học sinh có học lực trung bình, yếu, giáo viên tập trung phụ đạo.
Đáp ứng yêu cầu của kỳ thi
Hiện nay, nhiều trường THCS có chủ trương ôn luyện cho học sinh lớp 9 theo hướng dạy kiến thức cơ bản, bồi dưỡng nâng cao theo lực học của các em. Riêng các trường khu vực miền núi, vùng khó khăn, ngoài chú trọng giảng dạy Toán, Ngữ văn còn dồn lực bổ trợ kiến thức môn Tiếng Anh.
Em Lê Minh Khoa, lớp 9A, Trường THCS Tân Mộc (Lục Ngạn) nói: “Với sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, ngoài giờ chính khóa, em chủ yếu dành thời gian tự học tại nhà. Nhất là môn Tiếng Anh, em ôn kỹ, làm nhiều bài tập, mở rộng vốn từ, nắm chắc ngữ pháp, rèn kỹ năng đọc hiểu”. Kinh nghiệm của nhiều giáo viên ôn luyện cho học sinh có lực học trung bình là khi giao bài tập về nhà, thầy, cô thường xuyên yêu cầu các em làm bài kiểm tra theo cấu trúc đề thi vào lớp 10, sau đó chữa bài và chấm điểm. Phần nào chưa hiểu sẽ được giảng lại để các em tự bồi đắp kiến thức, đánh giá lực học, lựa chọn đăng ký dự thi vào trường phù hợp.
Đối với các trường THCS có học sinh thi vào lớp 10 đạt điểm chưa cao trong những năm học trước, Phòng GD&ĐT các địa phương tiếp tục yêu cầu các trường rà soát, bố trí giáo viên giảng dạy phù hợp, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, rút kinh nghiệm để có những giờ giảng hiệu quả hơn. Mới đây, Phòng GD&ĐT huyện Lục Nam tổ chức khảo sát đánh giá lực học của học sinh khối 9 ở 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.
Tại đây vẫn có học sinh đạt điểm dưới 2 ở các môn, đặc biệt điểm trung bình môn Tiếng Anh chưa cao, nhất là học sinh ở một số trường thuộc các xã: Bình Sơn, Trường Sơn, Lục Sơn, Vô Tranh. Ngay đầu tháng 3, Phòng GD&ĐT huyện tổ chức hội nghị sinh hoạt chuyên môn với hiệu trưởng, giáo viên trực tiếp dạy các môn thi để bàn giải pháp nâng chất lượng công tác ôn luyện cho học sinh cuối cấp. Trong đó chú trọng định hướng nội dung kiến thức, cấu trúc đề thi, chỉ đạo giáo viên xây dựng ngân hàng câu hỏi, bộ đề ôn thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng.
Thời gian này, các em cần được tổng hợp kiến thức toàn diện, giải đáp các thắc mắc trong quá trình học tập, rèn luyện kỹ năng làm bài, nhất là biết “phản ứng” nhanh với câu hỏi trong phần thi trắc nghiệm, câu hỏi nào sử dụng được phương pháp loại trừ nên tận dụng tối đa để tiết kiệm thời gian dành cho các câu hỏi khó. Đặc biệt, trong các giờ ôn luyện môn Ngữ văn, ngoài các bài bình giảng theo ngữ liệu sách giáo khoa, giáo viên giành thời gian hướng dẫn học sinh mở rộng kiến thức tại phần nghị luận xã hội để các em có cơ hội nâng điểm số.
Thầy giáo Bùi Văn Hưởng, giáo viên Toán, Trường THCS Mỹ Hà (Lạng Giang) chia sẻ: “Đây là giai đoạn ôn thi nước rút không cho phép các em lơ là, chủ quan nên giáo viên vận dụng thêm đề tham khảo thi của những năm trước cho học sinh tổng hợp lại kiến thức trọng tâm nhất của chương trình, rèn kỹ năng làm bài, hạn chế những lỗi thường mắc phải. Ngoài ra giáo viên thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh để tư vấn, định hướng hỗ trợ các em ôn thi”.
Theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, đề thi các môn vào lớp 10 THPT hệ công lập đều bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9. Các nhà trường tổ chức dạy và học theo khung nội dung, chương trình; học sinh phải nỗ lực cố gắng, dành nhiều thời gian tự học, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Giáo viên thường xuyên phối hợp với phụ huynh quan tâm, khích lệ học sinh tập trung ôn luyện theo hướng dẫn, tránh gây áp lực cho các em.
Bài, ảnh: Duy Minh
Bắc Giang: Thi ba môn vào lớp 10 THPT hệ công lập không chuyên
BẮC GIANG – Ngày 2/3, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định về việc phê duyệt sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Kế hoạch số 102/KH-SGDĐT ngày 15/12/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tuyển sinh lớp 6 các trường phổ thông dân tộc nội trú và lớp 10 THPT năm học 2024-2025 theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình số 13/TTr-SGDĐT ngày 21/2/2024 và tờ trình số 16/TTr-SGDĐT ngày 26/2/2024.
Bắc Giang: Đề xuất giảm số môn thi vào lớp 10 THPT
BẮC GIANG – Ngày 21/2, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có tờ trình gửi Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về việc giảm số môn thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT hệ công lập không chuyên năm học 2024-2025.
Bắc Giang: Tuyển bổ sung 425 chỉ tiêu vào lớp 10 năm học 2023-2024
(BGĐT) – Ngày 27/7, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, Sở vừa quyết định tuyển bổ sung 425 chỉ tiêu vào lớp 10 năm học 2023-2024 cho một số trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Giảm áp lực, cơ hội vào lớp 10, trường THCS tập trung cao, ôn thi đại trà, chương trình lớp 9