695 người được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023, tăng gần 250 người so với năm ngoái và cao nhất trong bốn năm.
Ảnh minh họa. |
Trong danh sách do Hội đồng Giáo sư nhà nước công bố ngày 30/8 có 76 ứng viên giáo sư và 619 ứng viên phó giáo sư. Riêng Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học quân sự và Khoa học An ninh không công khai ứng viên.
Năm nay, ngành Kinh tế áp đảo với 102 người, gồm 10 ứng viên giáo sư, 92 phó giáo sư. Ngành Y học đứng thứ hai với 9 ứng viên giáo sư, 73 phó giáo sư, tổng 82 người. Kế đó, ngành Hóa học – Công nghệ thực phẩm có 60 ứng viên.
Một số ngành không có ứng viên được đề cử giáo sư là Giáo dục học, Triết học – Xã hội học – Chính trị học, Dược học, Ngôn ngữ học, Văn học, Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học.
So với năm ngoái, nhiều ngành có số ứng viên giáo sư và phó giáo sư tăng gấp đôi, riêng Tâm lý học tăng 8 lần. Ngành này năm ngoái chỉ có một ứng viên phó giáo sư, năm nay có 8 người.
Luyện kim và Dược học có số ứng viên tăng gấp ba lần, lần lượt tăng từ 1 lên 3 người và từ 4 lên 13 người. Nhiều ngành khác tăng gấp đôi là Ngôn ngữ học, Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học, Luật học, Xây dựng – Kiến trúc…
Xét số tuyệt đối, số ứng viên ngành Kinh tế tăng mạnh nhất – 43 người (từ 59 lên 102). Ngành Y học đứng thứ hai, chênh lệch 29 người, Cơ khí – Động lực 23, Nông nghiệp – Lâm nghiệp, Xây dựng – Kiến trúc, Điện – Điện tử – Tự động hóa cùng tăng 15 người.
Khoa học Trái đất – Mỏ là ngành duy nhất giảm ứng viên, từ 18 xuống 17. Ngành Công nghệ thông tin có 19 ứng viên, tương tự năm ngoái.
Theo quy trình hiện hành, các đại học thành lập Hội đồng cơ sở để xét duyệt hồ sơ. Sau khi thông qua danh sách ứng viên đủ điều kiện, Hội đồng cơ sở gửi kết quả lên Hội đồng nhà nước.
Hội đồng nhà nước giao cho Hội đồng ngành, liên ngành thẩm định và loại những người không đạt. Sau đó, Hội đồng nhà nước xem xét và thông qua danh sách đạt tiêu chuẩn, thường công bố vào tháng 11, 12 hàng năm.
Kể từ năm 2019, các ứng viên phó giáo sư, giáo sư cần là tác giả chính của 3-5 bài báo trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus (hệ thống dữ liệu uy tín, đăng tải tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) hoặc danh mục khác do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định. Đó là lý do ba năm gần đây, số ứng viên được đề xuất xét công nhận giáo sư, phó giáo sư chỉ khoảng 450-550 người một năm, giảm mạnh so với giai đoạn trước. Sau vòng xét duyệt cuối cùng, khoảng 60-70% số này được công nhận chính thức.
Giảng viên là giáo sư, phó giáo sư có thể kéo dài thời gian làm việc tối đa 5 năm sau khi về hưu, nếu đủ sức khỏe và nhu cầu; được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học – công nghệ… và các điều kiện cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Niên giám thống kê năm 2021, trong 76.000 giảng viên đại học có 682 giáo sư, 4.760 phó giáo sư giảng dạy toàn thời gian. Số giáo sư, phó giáo sư là một trong những điều kiện để các trường mở chương trình đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ).
Theo VnExpress
, đề nghị xét công nhận chức danh, Giáo sư, Phó Giáo sư, Hội đồng Giáo sư nhà nước