BẮC GIANG – Tối 28/10, tại Nhà hát Chèo Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khai mạc Liên hoan các câu lạc bộ (CLB) Chèo không chuyên tỉnh Bắc Giang lần thứ II, năm 2023.
Liên hoan thu hút 11 CLB với hơn 500 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa và TP Bắc Giang. Chương trình của mỗi đơn vị dự thi có thời lượng từ 25 đến 50 phút.
Đại diện Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Liên hoan. |
Nội dung thi gồm 2 phần. Phần 1: Thi hát Chèo, gồm các làn điệu Chèo cổ, các bài hát Chèo sáng tác đặt lời mới trên giai điệu của các điệu Chèo cổ có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ kính yêu, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang.
Phần 2: Biểu diễn các trích đoạn, hoạt cảnh các vở Chèo cổ, đề tài dân gian hoặc hiện đại… So với Liên hoan lần thứ I được tổ chức năm 2021, Liên hoan năm nay có nhiều nét mới: Số CLB và diễn viên tham gia nhiều hơn (tăng 3 CLB, tăng gần 150 nghệ nhân, diễn viên), diễn viên là học sinh đông hơn.
Tiết mục “Người Anh hùng áo vải” của CLB Chèo huyện Yên Dũng tại Liên hoan.
|
Ngoài các trích đoạn Chèo truyền thống còn có nhiều hoạt cảnh được sáng tác mới. Chương trình tham gia Liên hoan được dàn dựng công phu, đề tài đa dạng, phong phú, hấp dẫn, mang hơi thở cuộc sống. Lối diễn xuất của các diễn viên chuyên nghiệp, cuốn hút, tạo dấu ấn đối với người xem.
Sân khấu Chèo là một loại hình nghệ thuật độc đáo, thuần Việt do những nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ sáng tạo nên. Nghệ thuật Chèo xuất hiện tại vùng Kinh Bắc từ lâu đời. Theo các nhà nghiên cứu, Bắc Giang xưa có nhiều phường Chèo nổi tiếng như Bắc Lý (Hiệp Hòa), Hoàng Mai (Việt Yên), làng Hạ (Tân Yên), Đồng Quan (Yên Dũng, nay là TP Bắc Giang)…
Tiết mục “Lời hẹn hoa ban” của CLB Chèo huyện Hiệp Hòa.
|
Những năm qua, thực hiện công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo trong đời sống đương đại, Sở VHTTDL chỉ đạo Nhà hát Chèo Bắc Giang đẩy mạnh thực hiện các dự án, chương trình giúp đỡ xây dựng, phục hồi, nâng cao chất lượng các CLB Chèo tại nhiều địa phương. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, TP, đơn vị liên quan để lập hồ sơ đề nghị UNESCO đưa nghệ thuật Chèo vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trích đoạn video hoạt cảnh “Tấm đi trẩy hội” của CLB Chèo huyện Yên Dũng
Liên hoan là một trong những hoạt động triển khai Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2025; Đề án phát triển Nhà hát Chèo Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thông qua Liên hoan đánh giá chất lượng phong trào hát, diễn Chèo trên địa bàn tỉnh.
Đây còn là dịp để những người yêu Chèo gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hát, diễn Chèo. Qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp nghệ thuật truyền thống của dân tộc, xây dựng quê hương Bắc Giang ngày một giàu đẹp, văn minh.
Theo kế hoạch, Liên hoan bế mạc vào chiều 29/10, Ban tổ chức sẽ trao giải toàn đoàn và giải các tiết mục xuất sắc cho các đơn vị.
Trích đoạn video tiết mục “Hát về Tổ quốc hôm nay” của CLB Chèo huyện Hiệp Hòa.
Tin, ảnh, video: Công Doanh
liên hoan, câu lạc bộ Chèo không chuyên bắc giang , diễn viên, nghệ nhân, nhà hát chèo bắc giang, sở văn hóa, thể thao và du lịch