Bộ Công Thương giao EVN nghiên cứu giá điện hai thành phần theo công suất và điện năng tiêu thụ.
Công nhân Điện lực Hà Nội làm việc tại trạm biến áp đường Láng Hạ (Quận Đống Đa, Hà Nội), tháng 12/2022. |
Việt Nam đang áp dụng giá bán điện một thành phần, tức trả theo điện năng tiêu thụ. Tại văn bản vừa gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương đề nghị tập đoàn này nghiên cứu cơ chế và lộ trình, đối tượng sẽ áp giá hai thành phần, gồm giá công suất và điện năng tiêu thụ.
EVN cũng được giao đánh giá tác động các nhóm khách hàng dùng điện trong trường hợp Việt Nam thí điểm áp giá điện này. “Việc này cần tính toán, so sánh với cơ chế giá theo biểu đang áp dụng hiện nay, tức biểu giá bậc thang cho khách dùng điện sinh hoạt và theo cấp điện áp với sản xuất, kinh doanh”, Bộ Công Thương lưu ý.
Từ nghiên cứu, đề xuất của EVN về cơ chế, lộ trình và đối tượng áp dụng giá điện hai thành phần, Bộ Công Thương sẽ xem xét, trình Thủ tướng quyết định.
Thực tế, giá điện theo công suất và điện năng tiêu thụ được nhiều quốc gia áp dụng cho khách hàng sản xuất, kinh doanh. Bởi, giá một thành phần, tức tính theo điện năng tiêu thụ chỉ bù đắp chi phí biến đổi như khoản tiền mua nhiên liệu, vật tư. Còn giá hai thành phần, ngoài tính theo điện năng tiêu thụ, sẽ bổ sung giá theo công suất. Đây là khoản sẽ bù đắp cho chi phí cố định (khấu hao, nhân công, sửa chữa…) của nhà máy phát điện.
Chẳng hạn, tại Trung Quốc, từ đầu năm nay các nhà máy điện than đã áp dụng giá điện hai thành phần. Giá công suất điện than được xác định trên cơ sở chi phí cố định của các nhà máy, tối đa 330 nhân dân tệ một KW mỗi năm.
Tuy nhiên, phần lớn các địa phương tại nước này áp giá công suất 100-165 nhân dân tệ mỗi KW một năm, tùy theo tỷ lệ năng lượng tái tạo và nhu cầu sử dụng điện than.
Tiền điện cho công suất điện than được họ tính vào chi phí vận hành hệ thống. Các khách hàng công nghiệp, thương mại sẽ phải chịu chi phí công suất trả của các nhà máy do sử dụng nhiều điện và phân bổ theo tỷ lệ tiêu thụ điện trong tháng.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và tăng trưởng xanh nhận xét nguyên tắc phản ánh chi phí cung ứng, ít bù chéo được thực hiện ở nhiều nước và họ đã sử dụng cơ cấu giá điện hai thành phần. Song Việt Nam hiện vẫn áp dụng giá điện một thành phần cho điện năng tiêu thụ, và chừng nào vấn đề này vẫn tồn tại, những bất cập trong cơ cấu biểu giá điện hiện nay chưa được giải quyết.
Theo ông, cơ chế giá điện tại Việt Nam sẽ rõ ràng hơn nếu áp dụng giá theo công suất và điện năng tiêu thụ. Ví dụ, nhà máy công suất 1.200 MW thì mỗi MW tương ứng tiền công suất bao nhiêu, để nhà máy bù đắp chi phí cố định. Các hộ dùng nhiều điện, như sản xuất, sẽ phải chịu phần giá công suất này. Người dùng điện sinh hoạt, dân dụng chỉ phải trả một phần rất ít hoặc không, nên sẽ giảm bù chéo giữa giá sinh hoạt cho sản xuất như lâu nay. “Điều này đòi hỏi cải tổ toàn bộ biểu giá điện hiện nay ở Việt Nam”, ông cho biết.
Áp dụng giá điện hai thành phần cũng từng được các chuyên gia năng lượng nhiều lần góp ý với Bộ Công Thương khi cơ quan này cải tiến biểu giá điện. PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng điện lực miền Bắc cho đây là cách khắc phục bất cập trong cơ cấu biểu giá và tránh tình trạng “hóa đơn tiền điện tăng cao vào mùa nóng”.
Ông ví dụ, cùng 24 kWh nhưng hai hộ sử dụng theo cách khác nhau trong một ngày. Gia đình dùng 24 kW điện trong một giờ sẽ được tính giá khác với hộ sử dụng 24 kW trong 24 giờ. Tính giá điện theo một thành phần (tức theo điện năng sử dụng), hai hộ này sẽ trả cùng mức hóa đơn như nhau, nhưng chi phí các hộ này gây ra cho hệ thống điện khác nhau.
Tại họp báo Chính phủ tháng 12/2023, đại diện Bộ Công Thương từng cho rằng đây là cơ chế mới, cần có nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng để tránh tác động lớn tới các nhóm khách hàng dùng điện.
Năm ngoái, giá điện bình quân tăng 2 lần, tổng cộng 7,5%. Sau điều chỉnh vào đầu tháng 11/2023, theo quyết định của Bộ Công Thương, biểu giá điện sinh hoạt chia 6 bậc thang, cao nhất 2.492 đồng một kWh (khi dùng trên 401 kWh), chưa gồm thuế VAT.
Trong khi đó, giá điện sản xuất, kinh doanh chia theo cấp điện áp và giờ bình thường – thấp – cao điểm. Mức giá thấp nhất sản xuất là 1.044 đồng kWh (giờ thấp điểm) và cao nhất 3.314 đồng một kWh (giờ cao điểm). Tương tự, giá điện kinh doanh 1.465 – 4.937 đồng một kWh, tương ứng giờ thấp – cao điểm với cấp điện áp 22kV và duối 6 kV. Các mức giá chưa gồm thuế VAT.
Chuẩn bị hơn 12 triệu cây giống phục vụ trồng rừng
BẮC GIANG – Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang, đến nay, các cơ sở trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị hơn 12 triệu cây giống cho vụ trồng rừng năm nay. Tỷ lệ cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, giâm hom chiếm hơn 90%. Hiện các địa phương đang chuẩn bị hiện trường trồng rừng.
Bắc Giang: Ứng dụng các giải pháp quản lý hiện tượng vàng lá trên cam
BẮC GIANG – Ngày 17/1, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang tổ chức họp hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu dự án cấp tỉnh “Xây dựng mô hình ứng dụng các giải pháp kỹ thuật quản lý hiện tượng vàng lá cây cam tại tỉnh Bắc Giang” do Viện Bảo vệ thực vật (Hà Nội) chủ trì.
Phấn đấu tăng doanh thu, cấp điện an toàn, ổn định
(BGĐT)- Chiều 17/1, Công ty Điện lực Bắc Giang (PC Bắc Giang) tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng và sản xuất, kinh doanh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tới dự có các đồng chí: Bùi Lê Cường, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC); Nguyễn Hoàng Trung, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp (DN) tỉnh.
Theo VnExpress