BẮC GIANG – Công nhân đi làm tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang đa số sử dụng phương tiện cá nhân (xe mô tô, xe máy điện), điều này đồng nghĩa với nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) cao hơn nhiều so với các phương tiện khác. Đã vậy, một bộ phận không nhỏ công nhân thiếu ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng lái xe hạn chế nên tiềm ẩn xảy ra TNGT.
Nạn nhân chủ yếu là người ngoại tỉnh
Huyện Việt Yên tập trung các khu công nghiệp (KCN) lớn của tỉnh Bắc Giang như: Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Việt Hàn. Các KCN đều nằm ven cao tốc và quốc lộ với hàng trăm nghìn công nhân đi lại mỗi ngày, hầu hết tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy điện nên nguy cơ tai nạn rất cao.
Hiện trường vụ TNGT xảy ra tại đường KCN Vân Trung 1, thuộc địa phận xã Nội Hoàng (Yên Dũng). Một công nhân điều khiển xe mô tô đâm vào container đỗ ven đường dẫn đến tử vong. |
Trung tá Nguyễn Ngọc Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an huyện Việt Yên cho biết: 8 tháng năm nay, trên địa bàn huyện xảy ra 39 vụ TNGT, làm 25 người chết, 19 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 14 vụ, tăng 10 người chết, tăng 3 người bị thương. Riêng tháng 8 xảy ra 6 vụ làm 6 người chết (so với cùng kỳ năm ngoái tăng 5 vụ, tăng 5 người chết).
Đáng chú ý, số người thương vong chủ yếu là công nhân, người lao động ngoại tỉnh, trong đó nhiều người ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới đến các KCN làm việc.
Anh Hứa Thế Vững (SN 1993), trú tại xóm Sóc Giang, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) là công nhân một doanh nghiệp ở KCN Quang Châu. Tối 7/8, sau giờ tan ca, anh điều khiển xe mô tô về nơi trọ ở thị trấn Nếnh, khi đến khu vực ngã ba giao nhau giữa đường gom dân sinh với đường D6-1 thuộc KCN Quang Châu, xe anh va chạm với xe ô tô do anh Lăng Văn Thưởng (SN 2000) ở xã Quang Trung, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) điều khiển. Cú va chạm mạnh làm anh Vững tử vong tại chỗ, phương tiện đều hư hỏng.
Tại huyện Yên Dũng có KCN Song Khê – Nội Hoàng và một phần KCN Vân Trung, vào buổi sáng và giờ tan tầm luôn có nhiều công nhân đi lại. Đường tỉnh 293 qua địa bàn huyện có nhiều xe chở công nhân di chuyển. Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 27/8, tại đường nội bộ KCN thuộc xã Nội Hoàng, anh Nguyễn Văn Lợi (SN 2005) ở xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) điều khiển xe mô tô chở chị Hoàng Kim Chi (SN 2005) ở xã Quan Sơn, cùng huyện Chi Lăng xảy ra va chạm với máy xúc do anh Chu Bá Lợi (SN 1981) ở xã Quảng Minh (Việt Yên) điều khiển đi chiều ngược lại đang chuyển hướng sang đường. Hậu quả, anh Lợi và chị Chi bị thương nặng.
Có một thực tế là nhiều công nhân ở các tỉnh Tây Bắc đến Bắc Giang làm việc tại các KCN. Trước kia ở quê người thưa, mật độ giao thông ít, nguy cơ tai nạn không cao. Nay đi làm công nhân, dù nhiều người chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện, chuyển hướng sang đường vô tội vạ. Cùng đó, đi mô tô nhầm vào cao tốc, bám sau xe ô tô đang lùi, thậm chí không biết “điểm mù” của xe ô tô để biết cách phòng tránh. Nhiều công nhân mới đến làm việc, chưa quen địa hình, tuyến đường, nhất là đi vào buổi tối dễ dẫn đến tai nạn.
Ý thức kém, kỹ năng lái xe hạn chế
Phân tích các vụ TNGT nạn nhân là công nhân, trước hết phải khẳng định nguyên nhân chính vẫn do thiếu ý thức chấp hành pháp luật của chính công nhân. Giờ tan tầm, dễ dàng bắt gặp hình ảnh công nhân đi xe máy ngược chiều, chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia, điện thoại khi lái xe… Không ít người điều khiển mô tô, xe máy muốn nhanh, muốn tiện nên nhiều khi bỏ qua những quy tắc giao thông cơ bản, không làm chủ tốc độ, phớt lờ biển báo và đèn tín hiệu giao thông, không đi đúng phần đường, làn đường, không chú ý quan sát, không nhường đường ở những vị trí giao nhau, đi vào cao tốc…
Nhiều xe mô tô công nhân vi phạm bị Công an huyện Việt Yên tạm giữ. |
Có công nhân không tập trung lái xe do mải mê dùng điện thoại di động. Mũ bảo hiểm – đồ bảo hộ quan trọng khi đi mô tô, xe máy nhưng nhiều người cố tình không đội hoặc xem đó như vật thời trang để đối phó với cảnh sát giao thông mà không thực sự được coi là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân. Tại nơi để tang vật phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông ở Công an huyện Việt Yên chật kín mô tô bị niêm phong, trong đó có cả trăm phương tiện mang biển kiểm soát tỉnh ngoài như: Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… còn rất mới.
8 tháng qua, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an huyện Việt Yên đã lập biên bản xử lý 2.455 xe mô tô, 245 xe máy điện vi phạm, trong số này có 1.089 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 217 trường hợp đi quá tốc độ; 557 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Tương tự, tại Công an huyện Yên Dũng, bãi để xe tang vật vi phạm cũng có rất nhiều phương tiện bị niêm phong. Đa số các trường hợp vi phạm là công nhân.
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ cho công nhân, bên cạnh xử lý nghiêm vi phạm, lực lượng chức năng cần tiến tới giám sát giao thông bằng hệ thống camera và công nghệ, in phiếu phạt. Cùng đó, tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhận biết cho công nhân về những nguy cơ gây TNGT. |
Tình trạng công nhân khi trong hơi thở nồng nặc mùi rượu bia, biết điều khiển phương tiện là vi phạm nhưng vẫn lái xe cũng rất phổ biến. Cách đây gần 2 năm, anh Lò Văn Khiêm từ huyện Thuận Châu (Sơn La) đến Bắc Giang làm công nhân ở KCN Song Khê – Nội Hoàng, thuê trọ ở xóm Lai, xã Tiền Phong (Yên Dũng). Tối 9/4/2023, sau khi có bạn cùng quê đến chơi, hai người uống vài chén rượu rồi đi xe máy.
Do không còn tỉnh táo nên anh đã lao xe vào cột điện bị thương tích nặng. Không đủ tiền đóng viện phí, chủ nhà trọ là anh Lê Văn Bản phải ứng trước 3 triệu đồng để lo nhập viện cấp cứu chờ cha mẹ anh Khiêm ở quê xuống. Nằm điều trị 2 tuần tại bệnh viện nhưng sức khoẻ không bảo đảm, anh phải bỏ việc về quê nương tựa cha mẹ già.
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho công nhân, “vá” lỗ hổng kỹ năng, bên cạnh xử lý nghiêm vi phạm của lực lượng chức năng cần tiến tới giám sát giao thông bằng hệ thống camera và công nghệ, in phiếu phạt. Cùng đó rất cần tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhận biết cho công nhân về những nguy cơ TNGT. Đối với mỗi công nhân, thay vì suy nghĩ tai nạn xảy ra với ai đó là sự đen đủi, thì hãy nghĩ rằng nó có thể xảy ra với mình bất cứ lúc nào, hoặc chính mình mang đến cho người khác, để từ đó ra đường với tâm thế cẩn trọng, tuân thủ nghiêm các quy tắc khi tham gia giao thông.
Tuấn Minh
Rà soát, khắc phục bất cập về tổ chức giao thông
BẮC GIANG – Những năm gần đây, nhiều tuyến đường, khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh hình thành. Việc cắm biển báo, làm gờ giảm tốc, sơn kẻ đường, lắp đèn tín hiệu… cần được rà soát, bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý, giúp người dân tham gia giao thông thuận lợi, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.
Xã Đông Sơn (Yên Thế): Đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng
BẮC GIANG – Nhiều tháng qua, đường từ thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đi Trường Cao đẳng nghề Đông Bắc, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), đoạn qua thôn Cầu Gụ, xã Đông Sơn và tổ dân phố Vòng Huyện, thị trấn Bố Hạ xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại khó khăn.
tin tức bắc giang, bắc giang, đường gom dân sinh, khu công nghiệp, mô tô, xe máy điện, công nhân, tai nạn giao thông, an toàn giao thông, cao tốc,