BẮC GIANG – Những ngày gần Tết, các bữa tiệc gặp mặt, tổng kết diễn ra liên tiếp, lượng tiêu thụ rượu, bia tăng cao. Việc lạm dụng rượu bia là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông, xô xát gây thương tích, để lại hệ lụy lâu dài về sức khỏe.
Xơ gan, loạn thần vì rượu
Sinh sống tại địa bàn miền núi, ông Đ. V. C (SN 1970), xã Vô Tranh (Lục Nam) có “thâm niên” uống rượu hơn 20 năm nên sức khỏe giảm sút. Cách đây 10 ngày, ông bị đau đầu, tụt huyết áp, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông bị hội chứng loạn thần do rượu và được chuyển đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh theo dõi, điều trị.
Bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân. |
Tương tự tình trạng của ông C, anh N. V. T (SN 1979), xã Tân Mộc (Lục Ngạn) đang phải điều trị chứng loạn thần do sử dụng rượu, bia trong thời gian dài. Người thân của anh cho biết, hơn 10 năm nay, ngày nào anh T cũng uống rượu, ít thì dăm bảy chén, nhiều lên đến hàng chục chén. Khoảng 3 tháng gần đây, anh có biểu hiện run chân, tay. Mỗi lần như vậy, anh lại tìm đến rượu, khiến tình trạng ngày càng nặng.
Bác sĩ Phạm Trung Dũng, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng và nghiện chất (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) cho biết: “Khoa đang điều trị cho 40 bệnh nhân loạn thần, trong đó có 25 trường hợp xuất phát từ việc sử dụng rượu, bia với lượng lớn, kéo dài. Hầu hết bệnh nhân đều mất ngủ, nói nhảm, nghi ngờ có người khác theo dõi, làm hại mình. Thậm chí có bệnh nhân còn đánh, chửi cả người thân trong gia đình”.
Hiện trong khoa đang điều trị cho 40 bệnh nhân loạn thần, trong đó có 25 trường hợp xuất phát từ việc sử dụng rượu, bia với lượng lớn, kéo dài. Hầu hết bệnh nhân đều bị mất ngủ, nói nhảm, nghi ngờ có người khác theo dõi, làm hại, thậm chí nghi ngờ, đánh, chửi cả người thân trong gia đình”. Bác sĩ Phạm Trung Dũng, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng và nghiện chất (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) |
Theo các bác sĩ, khi uống rượu, 10% được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi và khí thở, còn lại hấp thu ở dạ dày, ruột non và đi vào máu. Sau khi uống khoảng 30 – 90 phút, nồng độ hấp thu rượu đạt đỉnh (thời gian hấp thu phụ thuộc uống lúc no hay đói). Khi rượu được hấp thu vào hệ tuần hoàn sẽ phân bố tới não và toàn bộ các mô trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác. Tại Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), thời điểm này đang điều trị cho 48 bệnh nhân, trong đó có hơn 80% bị xơ gan và biến chứng của xơ gan, viêm tụy do sử dụng rượu, bia.
Ngày 17/1, anh N. V. T (SN 1972), xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám trong tình trạng ho nhiều, không làm chủ được hành vi. Qua thăm khám, bác sĩ xác định anh T bị xơ gan kèm theo hội chứng loạn thần do rượu. Dù mới gần 30 tuổi song từ tháng 2/2022 đến nay, anh N. Q. T, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) 8 lần phải nhập viện điều trị các đợt viêm tụy cấp.
Ông L. V. V (SN 1962), xã Tiến Dũng (Yên Dũng) phải 14 lần nhập viện điều trị xơ gan trong 2 năm gần đây, có đợt hai lần điều trị chỉ cách nhau một tuần. Cả hai trường hợp này đều có thói quen uống rượu hằng ngày. Cùng đó, việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu liên quan đến 9 người, trong đó có 1 vụ sử dụng rượu có chứa methanol.
Không chủ quan, coi thường sức khoẻ
Tại một số bệnh viện, thời điểm hiện tại, bệnh nhân nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm so với những năm trước. Ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh, năm 2023, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện điều trị hội chứng loạn thần do rượu chiếm 24,2% thì hiện nay ở mức 21,3%. Số bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cũng giảm hơn 20 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân một phần do các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm việc sử dụng rượu, bia khi lái xe; người dân cũng ý thức hơn trong bảo vệ sức khoẻ bản thân.
Mặc dù vậy, tình trạng lạm dụng rượu, bia vẫn còn phổ biến, số người trẻ nghiện rượu ngày càng nhiều. Nếu như trước đây, bệnh nhân bị xơ gan điều trị tại Khoa Nội tiêu hoá (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chủ yếu ngoài 50 tuổi thì nay nhiều người mắc bệnh khi chưa tới tuổi 30.
Qua theo dõi của các bệnh viện, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị các bệnh có nguyên nhân từ việc uống rượu, bia thường tăng vào dịp trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, thời điểm thời tiết nắng, nóng kéo dài. Những người uống rượu, bia thời gian dài khi bị bệnh dễ trở nên nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn. Vào thời điểm cuối năm, việc uống rượu, bia trong các bữa liên hoan, sum họp mừng Tết đến xuân về càng trở nên thường xuyên, liên tục.
Để đón Tết an toàn, lành mạnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe, không lạm dụng rượu bia, không nài ép người khác uống nhiều. Đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.
Từ góc độ chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Văn Cương, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) lưu ý: “Trong trường hợp uống rượu, người dân chú ý lựa chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm định. Rượu có hàm lượng methanol cao hơn 0,1% có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên và vượt quá 30 ml/người/ngày. Đối với những người có tiền sử bệnh nói chung, bệnh liên quan đến rượu, bia nói riêng cần tuân thủ nghiêm chỉ định của bác sĩ và “nói không” với rượu, bia, tránh tình trạng bệnh nặng hơn”.
Bài, ảnh: Sơn Quang
Vụ ngộ độc tại quán ăn ở Bắc Kạn: Nguyên nhân do rượu
Ngày 20/10, ông Đinh Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết, đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ việc 5 người nhập viện sau khi ăn uống tại một quán vỉa hè ở phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn).
tin tức bắc giang, bắc giang, mất vui vì rượu, tiêu thụ rượu, bia tăng cao, lạm dụng rượu bia, tai nạn giao thông,