BẮC GIANG – Thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có những vườn trám đen bạt ngàn. Nơi đây, người dân ví trám như vàng, như cây ATM vì nhờ loại đặc sản này mà nhiều hộ trở nên khá giả.
Sinh ra và lớn lên ở Vân Xuyên, anh Trần Văn Lưu (SN 1994) đi học rồi trưởng thành. Anh làm công nhân như bao thanh niên khác cùng quê. Sống ở vùng đất của những cây trám cổ, anh thấy quả trám đen là thứ đặc sản hiếm có.
Vườn ươm của gia đình anh Lưu. |
Năm 2018, anh quyết định khởi nghiệp với nghề ươm cây trám giống. Hằng ngày, anh vẫn đi làm công nhân ở Thái Nguyên. Cuối tuần, người công nhân ấy dành trọn vẹn thời gian cho vườn ươm.
Ban đầu, chưa có kinh nghiệm nên thu gom hạt đến đâu thì ươm đến đó. Dần dần, anh mới thấy khi mình chọn được hạt từ những cây trám ngon trong làng sẽ cho cây trám giống tốt hơn. Vậy là anh tìm đến nhiều hộ xin hạt trám từ những cây cổ thụ có quả to, cùi dày. Từ hạt trám, anh ươm thành những cây non để lấy gốc ghép. Khi cây non một năm tuổi, có đường kính chừng 1cm bắt đầu được ghép mắt. Mắt ghép cũng được chọn lọc kỹ càng.
Bằng cách này, anh đã tạo ra những cây trám có quả to, năng suất cao, tán thấp và dễ thu hoạch. Những cây trám đó chỉ sau khi trồng khoảng 3 năm là ra quả. Một cây trưởng thành 10 năm tuổi sẽ cho thu hoạch khoảng 50 kg quả, cây từ 15 tuổi trở lên cho 70 đến 150 kg quả mỗi vụ. Năm 2022, anh bán được 600-700 cây giống cho khách hàng ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Anh Trần Văn Lưu. |
Đến nay, ở tuổi gần 30, chàng trai này cùng gia đình sở hữu 7 cây trám cổ thụ và vườn cây ươm giống diện tích 3 sào mà rất hiếm người trẻ ở nông thôn tạo dựng được. Hiện nay, trong vườn ươm có chừng 200-300 cây trám giống thành phẩm. Tầm tháng Giêng sẽ là cao điểm ghép mắt cho cây. Anh Lưu cho biết, đầu tư cho ươm cây giống không nhiều, mỗi vụ chừng vài chục triệu đồng. Năm 2022, anh nông dân trẻ thu lãi gần 150 triệu đồng từ bán quả trám đen và cây giống.
Dù không học qua trường lớp đào tạo về sản xuất nông nghiệp nhưng bản thân sinh ra ở “làng trám”, anh tự học hỏi trong sách báo và từ những nông dân lớn tuổi để có kiến thức. Một mình anh vừa ươm hạt, ghép rồi bán cây giống đi khắp nơi. Anh đã tạo lập trang Hội cây trám đen Việt Nam trên mạng xã hội. Trang đã có hàng nghìn thành viên tham gia, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về cách chế biến các món ăn từ quả trám đen, kỹ thuật trồng, lai tạo và chăm sóc cây trám.
Hoàng Vân là xã giáp sông Cầu, nơi có những soi bãi được bồi đắp phù sa từ ngàn đời, thích hợp cho cây trám đen phát triển. Nếu đầu tư một cách khoa học, lâu bền thì cây trám sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế địa phương, vừa phát huy thế mạnh của vùng đất này vừa tạo công ăn việc làm cho nông dân ngay trên quê hương.
Trám đen Hoàng Vân. |
Toàn xã Hoàng Vân hiện có hơn 4.000 cây trám cho thu hoạch, riêng thôn Vân Xuyên có gần 3.000 cây. Theo ông Tạ Văn Kính, Trưởng thôn Vân Xuyên, thôn có gần 100 cây trám cổ thụ trên 100 năm tuổi, ngoài ra còn có hàng trăm cây từ 50 – 80 năm tuổi. Những cây trám này cần được bảo tồn, chọn lọc và lai tạo để có được những giống trám ngon, tạo nên thương hiệu riêng cho sản phẩm trám đen Hoàng Vân. Mỗi năm, người dân thôn Vân Xuyên thu hoạch được khoảng 50 tấn quả, giá bán trung bình 100 nghìn đồng đến 120 nghìn/kg. Mức giá này duy trì từ nhiều năm nay.
Như rất nhiều người dân ở “làng trám”, anh Trần Văn Lưu mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đến loại cây đặc sản này, có chính sách khuyến khích lai tạo và nhân rộng những giống trám ngon. Hiện nay, trám đen tiêu thụ khá thuận lợi. Tuy vậy, để nâng cao chất lượng, lan tỏa rộng hơn thương hiệu trám đen Hoàng Vân rất cần có cơ chế hỗ trợ xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến, sản phẩm được đóng hộp với nhãn mác có đầy đủ thông tin xuất xứ, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đưa đến tay người tiêu dùng.
Nguyễn Thị Minh