Trước giờ khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024, ngay từ chiều ngày 23/2 (ngày 14 tháng Giêng), hàng ngàn du khách thập phương đã đổ về ngôi đền thiêng ở thành phố Nam Định để thực hiện các nghi lễ tâm linh cầu may mắn đầu năm.
Theo ghi nhận của phóng viên, trời mưa bay nhưng khắp các lối ra vào khu di tích Đền Trần đông đúc người dân chiêm bái, dâng hương. Công tác an ninh bảo đảm an toàn cho du khách được tăng cường, lực lượng an ninh đã được thắt chặt, hàng rào sắt và lưới B40 đã được bố trí trong khuôn viên đền Thiên Trường, đền Cố Trạch để đảm bảo an ninh, hạn chế người dân vào khu vực làm lễ trong đêm khai ấn.
Ngoài thăm quan, vãn cảnh, nhiều du khách có nhu cầu xin chữ đầu năm tại đền Trần. |
Bà Nguyễn Thuỳ Linh, người dân huyện Nam Trực, Nam Định cho biết, năm nào cũng vậy, từ chiều tối ngày 14 tháng Giêng bà đã về Đền Trần để thăm quan, làm lễ và chờ đến giờ khai ấn để xin lộc ấn cầu cho bản thân và gia đình bình an, may mắn. Năm nay Đền Trần có nhiều đổi mới, khuôn viên đền được xây dựng, chỉnh trang rất đẹp. Đặc biệt, an ninh trật tự được ban tổ chức làm rất tốt, không có cảnh chen lấn, chèo kéo khách mua lễ, không còn cảnh trộm cắp.
Từ 20 giờ tối, dòng người đổ về Đền Trần dự lễ khai ấn mỗi lúc một đông hơn, trên các ngả đường, lực lượng chức năng tích cực hướng dẫn, phân làn để tránh gây ùn tắc trên tuyến đường quốc lộ 10. Năm nay, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần – Chùa Tháp đã chuyển 2 bãi trông giữ xe phía trước khuôn viên đền ra xa hơn, đồng thời làm hàng rào từ xa cấm các phương tiện đi vào bên trong đền để tránh được cảnh tắc nghẽn giao thông quanh đền như mọi năm.
Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ khai ấn, Công an tỉnh Nam Định đã huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ, chia thành 70 chốt với 5 vòng đảm bảo nghiêm ngặt an ninh trật tự; đồng thời thành lập 2 tổ kiểm tra, tiếp nhận, xử lý vụ việc; 2 tổ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; 4 tổ tuần tra giải quyết giao thông trật tự. Những tổ chốt được phân công nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ để không xảy ra tình trạng chặt chém, chèo kéo khách hay hình ảnh ăn xin, ăn mày phản cảm.
Thượng tá Nguyễn Nam Trung, Trưởng Công an thành phố Nam Định cho hay, lực lượng chức năng đã chuẩn bị các phương án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, đội với quyết tâm đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn để lễ khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn diễn ra trang nghiêm, an toàn, lành mạnh, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương Nam Định.
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử, văn hoá Đền Trần – Chùa Tháp, Ban tổ chức duy trì hoạt động 16 camera tại khu vực đền Thiên Trường, nơi diễn ra lễ khai ấn, rước kiệu ấn nhằm giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định hoạt động lễ hội. Ban tổ chức cũng thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định về trông giữ xe, bán hàng, xử lý nạn ăn xin, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông tại khu vực lễ hội.
Mặc dù trời mưa nhẹ nhưng chiều tối ngày 14 tháng Giêng đông đảo du khách đến Đền Trần để tham quan, vãn cảnh. |
Theo kế hoạch, từ 21 giờ, du khách và người không có nhiệm vụ sẽ di chuyển ra bên ngoài khuôn viên Đền Trần để Ban tổ chức làm công tác chuẩn bị nghi lễ khai ấn; nghi lễ rước kiệu ấn được thực hiện từ lúc 22 giờ 40 phút đến 23 giờ10 phút; nghi lễ khai ấn bắt đầu từ 23 giờ15 phút.
Sau khi hoàn thành nghi lễ khai ấn, từ 23 giờ 55 phút đền sẽ mở cửa để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách.
Đền Trần là một quần thể đền thờ tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, đây là nơi thờ các vua Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay Đền Thượng), đền Cố Trạch (hay Đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Hằng năm cứ vào dịp đầu năm, lễ hội khai ấn và lễ hội Đền Trần thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái thể hiện lòng tưởng nhớ và biết ơn đến các vị vua Trần.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghi lễ khai ấn Đền Trần với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị. Ấn của nhà Trần khắc chữ “Trần triều điển cố” và “Tích phúc vô cương”. Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững.
Chợ tình Tân Sơn – đến hẹn lại về
BẮC GIANG – Khi hoa đào, hoa mận nở khắp sườn đồi, rung rinh cánh nõn đón mưa xuân, đàn ong tranh nhau tìm mật, đùa giỡn trên những nương cải trổ hoa vàng cũng là lúc phiên chợ tình Thác Lười ở xã vùng cao Tân Sơn (Lục Ngạn – Bắc Giang) trở lại. Những bóng áo chàm xen lẫn áo xanh của đồng bào Tày, Nùng nô nức xuống núi mang theo câu hát Sloong hao, Sli, Lượn chất chứa bao nhớ nhung, báo hiệu mùa hội mới lại về.
Bảo tồn không gian văn hóa Phật giáo Tây Yên Tử
Thế kỷ XIII – XIV, Phật giáo ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đỉnh cao là sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Dưới thời Trần, không gian Phật giáo Trúc Lâm trải rộng ở cả sườn Đông và Tây dãy núi Yên Tử. Phật giáo Trúc Lâm để lại rất nhiều giá trị, trong đó có giá trị văn hóa.
Theo TTXVN