BẮC GIANG – Do vướng một số thủ tục nên sau nhiều năm triển khai dự án cải tạo, nâng cấp, đến nay chợ Nhã Nam (Tân Yên – Bắc Giang) vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại, chợ bừa bộn, mất vệ sinh khiến các tiểu thương gặp khó khăn.
Vướng thủ tục đất đai
Chợ dân sinh Nhã Nam, thị trấn Nhã Nam là chợ hạng II, do UBND huyện Tân Yên quản lý. Chợ không chỉ cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thị trấn mà còn phục vụ người dân các xã lân cận như: Lan Giới, Tân Trung, An Dương (Tân Yên) và An Thượng, Tân Hiệp (Yên Thế).
Nước thải trong chợ gây ô nhiễm môi trường. |
Hiện các quầy hàng trong chợ lộn xộn. Hàng cá, hàng thịt xen lẫn hàng quần áo, giày dép, hoa quả, đồ khô. Do họp trên nền chợ tạm nên rác, nước thải tồn đọng khiến không khí tại đây ngột ngạt, mất vệ sinh. Nguyên nhân là do chợ Nhã Nam vẫn đang xây dựng dở dang, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Chị Vũ Thị Huệ, chủ cửa hàng thịt lợn chia sẻ: “Khoảng 5 năm qua, chúng tôi phải rời chỗ bán hàng ở chợ cũ sang khu chợ tạm. Từ đó đến nay chợ mới vẫn chưa xây xong khiến việc buôn bán rất khó khăn bởi lối đi chật hẹp, người dân không muốn vào chợ mua hàng vì sợ bẩn”.
Được biết, thực hiện quy định mới về phát triển và mô hình quản lý chợ của tỉnh, ngày 22/4/2016, UBND huyện Tân Yên có quyết định giao cho Công ty TNHH Môi trường xanh (Bắc Ninh) (gọi tắt là Công ty Môi trường xanh) tiếp nhận và tổ chức kinh doanh, khai thác, quản lý chợ Nhã Nam. Sau khi tiếp nhận, Công ty đã lập dự án quy hoạch, xây dựng lại chợ Nhã Nam. Ngày 27/3/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận cho Công ty Môi trường xanh thực hiện dự án đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác chợ Nhã Nam.
Sau khi điều chỉnh, diện tích thực hiện dự án là 8,94 nghìn m2, bao gồm hơn 6 nghìn m2 đất chợ Nhã Nam cũ; hơn 2 nghìn m2 đất nông nghiệp công ích do UBND thị trấn Nhã Nam quản lý; 750 m2 đất trụ sở cũ Phòng giao dịch Nhã Nam thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Tân Yên (gọi tắt là Phòng giao dịch Nhã Nam). Quy mô xây dựng theo tiêu chuẩn chợ hạng II, tổng vốn đầu tư hơn 26,9 tỷ đồng. Theo kế hoạch, chợ hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 2/2019.
Do quá trình hoàn tất các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất (đối với phần diện tích 750 m2 đất trụ sở cũ Phòng giao dịch Nhã Nam) chậm nên dự án được giãn tiến độ, hoàn thành đến tháng 2/2021, muộn 2 năm so với dự kiến ban đầu.
Đại diện Công ty Môi trường xanh thông tin, từ khi được giao Quyết định chủ trương đầu tư đến trước tháng 9/2021, Công ty đã đầu tư khoảng 6,5 tỷ đồng thực hiện các hạng mục: Cải tạo phần san nền chợ hiện tại (thời điểm năm 2021), làm đường giao thông, xây dựng nhà chợ ngoài trời lợp mái tôn theo đúng quy hoạch. Đối với phần mở rộng chợ (diện tích đất nông nghiệp công ích), Công ty đã san nền xong, xây tường rào, cống thoát nước, nhà điều hành và làm chợ tạm để người dân buôn bán, phục vụ cho việc xây chợ chính.
Trong thời gian Công ty đang thực hiện các hoạt động đầu tư thì ngày 18/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực thi hành từ ngày 8/2/2021. Theo Nghị định này, diện tích đất giao cho Công ty Môi trường xanh thực hiện dự án chợ Nhã Nam phải qua đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ). Vì lẽ đó, ngày 20/9/2021, Công ty Môi trường xanh buộc ra thông báo chấm dứt hoạt động dự án đầu tư chợ Nhã Nam để chờ chính quyền địa phương thực hiện thủ tục đất đai.
Tích cực thu gom rác, giữ gìn vệ sinh chung
Liên quan dự án này, đến nay, UBND huyện Tân Yên vẫn chưa thu hồi được phần diện tích 750 m2 đất trụ sở cũ Phòng giao dịch Nhã Nam để tổ chức đấu giá QSDĐ lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án chợ Nhã Nam. Nguyên nhân là do Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn xử lý tài sản trên đất (154 m2 diện tích xây dựng và 237 m2 diện tích sàn nhà) của trụ sở cũ Phòng giao dịch này.
Trụ sở cũ Phòng giao dịch Nhã Nam nằm trên diện tích đất quy hoạch xây dựng chợ. |
Sau nhiều lần họp bàn giữa UBND huyện Tân Yên và các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND tỉnh Bắc Giang đã thống nhất đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính thay đổi phương án sắp xếp nhà, đất từ “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” thành “thu hồi”.
Ngày 2/11/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính, đề xuất phương án sắp xếp đối với nhà, đất là trụ sở cũ Phòng giao dịch Nhã Nam. Đại diện Phòng Quản lý công sản và Tin học, Sở Tài chính cho biết, hiện Bộ Tài chính chưa trả lời về nội dung mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị.
Vì các lý do trên nên chợ Nhã Nam xây dựng dở dang, kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ kinh doanh và người dân. Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, trong khi chờ ý kiến Bộ Tài chính, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, UBND huyện sẽ yêu cầu Công ty Môi trường xanh tích cực thu gom rác, nước thải; yêu cầu tiểu thương và nhân dân giữ vệ sinh chung, bảo đảm các hoạt động tại chợ Nhã Nam diễn ra thuận tiện, văn minh, sạch sẽ.
“Ngay sau khi được giao toàn bộ diện tích đất chợ Nhã Nam theo quy hoạch đã được phê duyệt, UBND huyện sẽ tổ chức đấu giá QSDĐ để chủ đầu tư thực hiện dự án chợ Nhã Nam sớm nhất”, ông Hùng nói.
Bài, ảnh: Thế Đại
Để chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa
(BGĐT) – Nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần của các tiểu thương, người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường, Tỉnh đoàn Bắc Giang đã triển khai 93 mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” ở các huyện, TP.
Tích cực quan trắc, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường
BẮC GIANG – Cùng với tốc độ phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa, môi trường trên địa bàn tỉnh cũng chịu những tác động tiêu cực. Trước thực trạng này, tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, nâng hạng chỉ số xanh cấp tỉnh. Trong đó công tác quan trắc môi trường được chú trọng.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Dự án, cải tạo chợ Nhã Nam, dang dở vì sao, lập dự án quy hoạch, cung ứng hàng hóa, nhu cầu tiêu dùng