BẮC GIANG – -Hảo, sao hôm nay em đi học muộn vậy?Thấy cậu học trò mình chủ nhiệm chạy bước thấp bước cao lên lớp, cô Yến liền hỏi dồn. Biết mình đi trễ, vừa làm ảnh hưởng đến thi đua của lớp, lại khiến cô giáo phiền lòng, Hảo thành thật, giọng ấp úng:
– Dạ thưa cô, mẹ em… mẹ em bị ốm nên… em đi trễ. Em… xin lỗi cô.
Vẫn chiếc áo khoác đã cũ theo Hảo từ những ngày đầu bước chân vào học lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cách đây 2 năm, vẫn bộ quần áo đã ngả màu và hơi ngắn so với thân hình ngày một cao lên của cậu, đặc biệt là chiếc cặp da toàn những miếng vá chồng vá… Nhìn vẻ tội nghiệp của cậu học trò ngoan ngoãn, lễ phép, học giỏi, Yến không khỏi động lòng.
Minh họa: Hiền Nhân. |
Yến mới chuyển về giảng dạy tại Trung tâm năm đầu tiên và được phân công chủ nhiệm lớp của Hảo. Nghe thầy cô ở đây kể lại, suốt hai năm lớp 10, 11, mỗi lần đến kỳ họp phụ huynh lớp, chị Phỉnh, mẹ của Hảo đều lấy cớ bận công việc, xin phép không thể tham gia và xin được trao đổi việc học của con trai qua điện thoại.
Cũng nhiều lần thầy cô tìm đến nhà Hảo, trước là hỏi thăm, sau là trao đổi về tình hình học tập của em, thế mà chị Phỉnh đều viện cớ đi làm để từ chối gặp khiến ai cũng tò mò. Thầy cô hỏi Hảo thì cậu im lặng không nói. Năm Hảo học lớp 12, phải nhiều lần kiên trì, cô Yến mới được chị Phỉnh đồng ý gặp. Thấy cô yêu thương, quan tâm học trò, chị Phỉnh cũng theo đó mà cởi mở lòng mình. Chị kể cho cô Yến nghe về cuộc đời của mình.
Cha mẹ nghèo, mất sớm để lại cho chị Phỉnh căn nhà dựng tạm ở sát chân núi làm chốn nương thân. Chị sinh ra đã xấu, chẳng có lấy một ai bầu bạn, chơi cùng. Lớn lên càng không có ai thèm ngó đến. Người trong làng nhìn thấy chị Phỉnh, từ người lớn đến trẻ con đều ái ngại. Ai cũng tìm cách tránh xa. Tuổi thơ của chị Phỉnh chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà xiêu vẹo, ngày ngày theo cha mẹ lên núi chặt sim, muồng, hái củi… đem ra chợ bán để lấy tiền sinh nhai.
Năm chị 15 tuổi, cha mẹ chị lần lượt qua đời. Cũng vì nghèo nên cha mẹ chị Phỉnh dù đau bệnh cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng. Không còn ai bên cạnh, chị thui thủi, cô đơn trong ngôi nhà quạnh quẽ. Hằng ngày, chị lên núi chặt muồng về làm chổi, đến mùa thì đi hái quả rừng. Dù lên rừng hay ra chợ huyện bán những thứ làm được, hái được, chị đều trùm khăn che kín mặt. Yến hỏi vì sao chị không đi chợ làng cho gần, chị buồn bã thở dài:
– Tôi nào dám ra chợ làng, vì sợ mọi người sẽ lại kỳ thị, hắt hủi, xa lánh như trước. Vả lại, tôi cũng không muốn làm xáo trộn cuộc sống bình yên của người làng. Trước đây, thế giới tôi sống chỉ có cha mẹ, sau này chỉ có thằng cu Hảo. Giọng chị Phỉnh xót xa cay đắng khiến Yến ngồi bên lắng nghe mà nước mắt cứ lặng lẽ rơi.
Cuộc sống của chị Phỉnh cứ như vậy cho đến năm chị 20 tuổi. Trong một lần đi rừng, chị gặp người đàn ông xa lạ đi hái thuốc nam. Người đó chừng ngoài 30 tuổi, dáng cao dong dỏng, khuôn mặt chữ điền, tính tình điềm đạm. Anh vẫn thường xuyên lên núi hái lá về làm thuốc nên hầu như ngày nào chị Phỉnh cũng gặp. Chị và người đó mỗi lần chạm mặt thì chỉ hỏi thăm nhau một, hai câu rồi đường ai nấy đi, việc ai nấy làm. Thi thoảng, những hôm trời nắng to hoặc mưa rào bất chợt, cả hai cùng vào ngồi trú dưới hang đá.
Chị và người đàn ông ấy cùng uống nước suối rừng, ăn quả rừng và trò chuyện vui vẻ. Lần đầu tiên trong đời, có một người đàn ông xa lạ, nhìn thấy khuôn mặt xấu xí của chị mà không chạy trốn, không chê bai, hắt hủi. Chị thấy mình được cảm thông. Anh rất tử tế, nói chuyện lại có duyên. Ban đầu chị chỉ quý anh, rồi dần chị nhận ra chị thương và yêu anh, muốn được gặp, được trò chuyện với anh mỗi ngày. Đêm nào, trước khi đi ngủ, chị cũng cầu trời nhanh sáng, mong trời quang mây tạnh để được lên núi gặp anh.
Với mọi người, vẻ ngoài xấu xí của chị là một cái tội lớn nhưng trái tim chị không hề có tội. Nó xứng đáng được bình đẳng như tất cả những trái tim đã và đang cùng nhịp đập khác. Nó cũng biết rung động, biết yêu thương và tha thiết được yêu thương. Chị yêu thương anh. Còn về phía anh, chị không dám chắc anh có thương chị hay không. Bởi chị hiểu rằng, dù anh có thương chị thì còn gia đình, họ hàng phía anh… sao họ có thể chấp nhận một người dị hình dị dạng, xấu như hủi là chị. Chị ít chữ vì thất học nhưng lẽ đời tự nhiên như thế, chị hiểu rõ.
Chị đánh bạo xin anh một đứa con. Cũng vì khao khát được làm mẹ, khao khát yêu và được yêu như bao người con gái khác, khao khát có được đứa con bầu bạn,… chị đã vứt bỏ lòng tự trọng, tha thiết, khẩn khoản với anh. Nói ra lời khẩn cầu ấy, chị cảm thấy xấu hổ lắm chứ. Chị biết một người đàn ông tử tế, biết điều như anh sẽ chẳng bao giờ đồng ý điều ước không tưởng của chị. Thế nên, vừa khi chị dứt lời, anh đã hoảng hốt, chột dạ rồi lặng im. Mấy ngày sau đó, anh lấy cớ tránh mặt chị. Chị cũng phần nào đoán ra câu trả lời của anh. Chị chủ động xin lỗi anh và rút lại lời đã nói. Thế nhưng chính lúc đó, anh lại chấp nhận niềm ước ao của chị.
Một thời gian sau, chị nói cho anh biết mình có thai. Hôm gặp chị trên núi, anh đưa cho chị mấy gói thuốc lá, bảo chị mang về sắc uống cho khỏe người. Anh còn khuyên chị ở nhà nghỉ ngơi, đừng lên núi nữa. Chị không ngờ rằng những lời nói đó cũng là lời cuối cùng của anh nói với chị. Thời gian sau đó, và kể cả sau này, khi chị đã sinh ra thằng Hảo, rồi khi thằng bé lên 5, lên 10 tuổi đến hiện tại… mỗi lần lên núi, chị đều đảo mắt tìm anh khắp khu rừng thế nhưng chẳng có lấy một lần chị thấy bóng dáng của anh. Chị không trách anh, trái lại còn biết ơn anh, nhờ anh, cuộc sống của chị từ khi có thằng Hảo, mới trở nên ý nghĩa.
Chị Phỉnh từ từ tháo chiếc khăn để lộ khuôn mặt với vết bớt sắc tố đen sẫm chiếm gần hết cả khuôn mặt, nhẹ nâng vạt áo lên lau hàng nước mắt đang lăn dài trên má. Nhìn dáng người nhỏ thó cùng gương mặt tội nghiệp của người phụ nữ ngồi trước mặt mình, Yến liền bước đến bên, nắm lấy bàn tay thô ráp, xù xì của chị như muốn sẻ chia bớt những đắng cay mà chị đã gặp phải. Câu chuyện của chị khiến Yến quá đỗi bất ngờ. Cô hiểu vì sao chị Phỉnh chẳng bao giờ xuất hiện giữa chốn đông người, vì sao chị cứ phải dùng khăn che kín khuôn mặt mỗi khi ra đường và mặt lúc nào cũng cúi nhìn xuống đất buồn rười rượi.
Với chị Phỉnh, Hảo là nguồn sống, nguồn hạnh phúc duy nhất. Nhờ có con trai, chị mới vực dậy tinh thần để cùng con sống những tháng ngày lạc quan, hy vọng. Ngay từ khi còn bé, Hảo đã biết quan tâm, giúp đỡ mẹ mọi việc trong nhà. Thương mẹ, cậu luôn nỗ lực trong học tập. Cấp 1, cấp 2, cậu đều là học sinh giỏi. Lên cấp 3, thấy mẹ càng vất vả, Hảo đã xin mẹ rồi nộp hồ sơ vào học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện để được miễn học phí. Ngoài giờ đi học, Hảo phụ mẹ cơm nước, giặt giũ, ruộng vườn.
Chị Phỉnh một thân một mình sinh Hảo, chẳng kiêng cữ được gì, lại đụng nước lạnh sớm, thế nên mới gần 40 tuổi, sức khỏe đã có dấu hiệu đi xuống. Kể từ ngày Nhà nước đã quy hoạch giao rừng về cho từng hộ gia đình, từng cá nhân trồng trọt và chăm sóc, chị Phỉnh cũng không còn lên núi chặt sim, muồng hay hái quả như trước.
Ngoài một ít ruộng cha mẹ để lại, chị Phỉnh cũng trồng thêm vài luống rau, củ quả ở khoảng vườn quanh nhà. Số tiền tằn tiện, tích góp được, chị dành dụm lo cho Hảo ăn học. Chị thủ thỉ với con trai: “Đời mẹ khổ nhưng nhất định đời con sẽ khác”. Hảo cũng hứa với mẹ, cậu sẽ cố gắng học, sau này có việc làm để lo cho mẹ. Chị Phỉnh nghe con trai nói mà mát lòng mát dạ.
Mỗi khi ngắm con, chị Phỉnh đều mường tượng ra bóng dáng của người đàn ông ấy. Hảo giống anh như đúc. Từ đi đứng đến nói cười… Nhớ hồi nhỏ, Hảo vẫn hay tò mò hỏi về bố của mình. Những khi ấy, chị Phỉnh chỉ cười trừ rồi nói dối con: “Bố con mất khi con còn đỏ hỏn”. Hảo tin lời mẹ nói cho tới khi bị bạn bè trêu chọc, kỳ thị cậu là “đồ không cha”.
Cậu ấm ức và khóc như mưa chạy về nhà chất vấn mẹ. Chị Phỉnh biết không thể giấu mãi, đành phải lựa lời kể cho con nghe toàn bộ sự thật. Ban đầu, Hảo còn trách mẹ vì đã nói dối cậu, nhưng sau này, khi nghe và hiểu toàn bộ câu chuyện, những giận hờn, trách móc trong cậu cũng tan biến. Hảo không bao giờ nhắc về bố, cũng không bao giờ hỏi mẹ bất cứ điều gì về bố nữa. Trong trái tim cậu, chỉ còn tình yêu thương, sự kính trọng và lòng biết ơn với mẹ.
Hôm nay, Hảo đi học về hơi muộn so với mọi hôm. Dựng xe đạp ở góc sân, cậu rảo bước đi tìm và gọi mẹ trong niềm vui khấp khởi. Cậu đưa tận tay cho mẹ mình chiếc hộp giấy được gắn nơ màu cánh dán xinh xinh, bên trong là chiếc áo sơ mi màu hoa cà, món quà Hảo đã định tặng mẹ từ lâu, đến bây giờ mới thực hiện được. Chị Phỉnh tò mò về số tiền Hảo dùng để mua quà, cậu tủm tỉm cười, khoe với mẹ số tiền công cả tuần giúp ông Thái ở cuối làng dọn dẹp vườn đào. Chị Phỉnh thở phào nhẹ nhõm, lòng rộn ràng niềm vui nhưng cũng không quên nhắc con tập trung vào việc học vì năm nay là năm cuối cấp.
Chị Phỉnh chuẩn bị bữa cơm tươm tất hơn mọi ngày. Là vì hôm nay là sinh nhật tròn 18 tuổi của Hảo. Chị nấu những món ăn con thích rồi vào nhà lấy hộp quà của cô Yến tặng khi chiều, trao lại cho con trai. Nhận được món quà sinh nhật cô giáo chủ nhiệm tặng mình chính là bộ đồng phục mới, Hảo biết ơn cô và dặn lòng mình, ngày mai lên lớp sẽ gặp để cảm ơn cô.
Hai mẹ con Hảo vừa ăn cơm vừa nói chuyện vui vẻ. Chị Phỉnh bàn với con trai sẽ trồng thêm mấy luống rau trong vườn vì thời tiết dịp này đã ấm áp. Hảo cũng hứa với mẹ sẽ chăm chỉ học tập để năm nay thi đậu vào trường y, vì mơ ước cháy bỏng từ thuở bé của cậu là trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Chị Phỉnh nhìn con với bao yêu thương trìu mến. Hạnh phúc của mẹ con chị đong đầy từ những điều bình dị như thế.
Truyện ngắn của Lê Thị Xuyên
Thung lũng êm đềm
BẮC GIANG – Ngày ra đi, Bảo nói với tôi nhất định Bảo sẽ trở về chốn này. Và rồi Bảo không về. Bánh xe thời gian cứ quay mải miết. Những mùa xuân lần lượt trôi qua trong nuối tiếc, bâng khuâng, hồ nghi, nỗi buồn pha lẫn sự đợi chờ vô vọng. Bảo ngày một xa dần.
Hương sắc mùa xuân
BẮC GIANG – Cuối cùng bạn bè, người thân cũng được vui mừng thấy chị hạnh phúc trong một đám cưới thật trọn vẹn. Ngay cả thời tiết dường như cũng xao xuyến mà chiều lòng người đến thế. Vừa trước đó, giữa mùa xuân mà đợt gió mùa tràn về mang theo mưa làm cái lạnh nơi miền trung du càng thêm tê tái.
Hai đứa trẻ
BẮC GIANG – Căn phòng nhỏ trên tầng cao nhất của nhà chung cư cũ luôn đóng im ỉm. Ở đó có bà cụ già gần 80 tuổi sinh sống. Bà có nhà cửa đàng hoàng ở dưới quê nhưng đã bán căn nhà hương hỏa, đùm rúm tiền bạc theo con lên thành phố. Tưởng là được an nhàn, hưởng phúc của cháu con, nào ngờ, năm trước, năm sau anh con trai đưa mẹ lên căn phòng này ở.
tin tức bắc giang, tỉnh bắc giang, Đong đầy tình mẹ, cô giáo, học sinh, thuốc lá, hạnh phúc, Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục