Ngày 11/9, ngày thứ ba kể từ khi xảy ra thảm kịch động đất kinh hoàng tại vùng núi Atlas của Maroc, nhà chức trách xác nhận khoảng 2.500 người đã thiệt mạng và khoảng 2.500 người khác bị thương.
Hiện lực lượng cứu hộ sở tại cùng các đội cứu hộ nước ngoài đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống sót dưới đống đổ nát.
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới những đống đổ nát sau trận động đất. |
Tại cộng đồng Talat Nyacoub bị thiên tai tàn phá, 12 xe cứu thương, hàng chục xe của quân đội và cảnh sát đã được triển khai cùng khoảng 100 nhân viên cứu hộ Maroc tìm kiếm dấu hiệu của sự sống dưới những căn nhà đã sập. Gần đó, một đội cứu hộ của Tây Ban Nha gồm 30 lính cứu hỏa, 1 bác sĩ, 1 y tá và hai kỹ thuật viên đang phối hợp với lực lượng địa phương chuẩn bị tiến hành đào bới.
Cách đó khoảng 70 km về phía Bắc, một đội cứu hộ Tây Ban Nha khác thuộc Đơn vị Quân sự Khẩn cấp (UME) đã dựng trại từ tối 10/9 ở rìa làng Amizmiz để chuẩn bị công tác tìm kiếm cứu nạn. Nhóm cứu hộ này sử dụng 4 chó cứu hộ và 1 camera siêu nhỏ để dò tìm nạn nhân.
Ông Albert Vasquez, thành viên của UME nhận định “rất khó có cơ hội tìm thấy người còn sống sót sau 3 ngày. Tuy nhiên, hy vọng vẫn còn”, tương tự như việc UME từng tìm được người còn sống 7 ngày sau khi xảy ra thảm kịch động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2.
Anh cho biết nước này đang cử đến Maroc đội tìm kiếm cứu nạn bao gồm 60 người cùng 1 đội đánh giá y tế, 4 chó cứu hộ và các trang thiết bị chuyên dụng.
Cùng ngày, người phụ trách các vấn đề thảm họa, khí hậu và khủng hoảng của Hiệp Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế, bà Caroline Holt cho biết tình hình tại các khu vực xa xôi, hiểm trở đặt ra thách thức lớn đối với các nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn. Quan chức này khẳng định ưu tiên hiện nay là đưa máy móc hạng nặng tới các khu vực đó.
Trận động đất có độ lớn 6,8 xảy ra tối 8/9 đã san phẳng những ngôi làng trên các ngọn đồi của dãy núi Atlas. Hầu hết nhà được xây bằng gạch bùn và gỗ hoặc gạch làm bằng than xỉ và xi măng, có kết cấu ít khả năng chống chịu động đất.
Theo truyền thông Maroc, hơn 18.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng của đợt thiên tai này. Chính phủ Maroc đã tuyên bố quốc tang 3 ngày kể từ 10/9. Cùng ngày, chính quyền nước này cũng đã đề nghị Anh, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Tây Ban Nha cử các đội hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Theo TTXVN