Câu chuyện của doanh nghiệp tiên phong
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hải – Trưởng ban Phát triển bền vững, Công ty CP – Tổng công ty May Bắc Giang (LGG), cũng giống như các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu khác, LGG nằm trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Tiêu chuẩn xanh hóa của các nhà nhập khẩu đặt ra ngày càng chặt chẽ hơn, đòi hỏi mức độ nhận diện và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội ngày càng cao.
Ngay từ rất sớm, khi xây dựng dự án mới doanh nghiệp đã tập trung vào đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Đến thời điểm hiện tại, 40% lượng điện tiêu thụ của toàn nhà máy là năng lượng mặt trời.
Ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại là yếu tố quan trọng “thúc” quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp dệt may. Ảnh: Hải Linh |
Ngoài ra, LGG cũng sử dụng những biện pháp để tiết kiệm năng lượng, như chuyển toàn bộ hệ thống đèn huỳnh quang trước đây sang hệ thống đèn LED hoặc có những chính sách về tiết kiệm năng lượng để phổ biến cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên; chuyển từ sử dụng lò hơi đốt than sang lò hơi đốt nhiên liệu sạch biomass; sử dụng các hóa chất thân thiện hơn với môi trường và đảm bảo an toàn cho người lao động; nước thải đầu ra của nhà máy có thể tái sử dụng.
Nhà máy cũng chú trọng việc đánh giá những chứng chỉ về tái chế toàn cầu, chứng chỉ về sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc chứng chỉ lông vũ có trách nhiệm và rất nhiều chứng về trách nhiệm xã hội khác mà khách hàng yêu cầu trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng và hàng loạt những hoạt động về nâng cao nhận thức của người lao động.
“Khi tham gia vào chuỗi cung ứng xanh cũng như thực hiện những hoạt động về phát triển xanh, phát triển bền vững, lợi ích đầu tiên chúng tôi nhận thấy đó là doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Cùng đó, nâng cao mức độ nhận diện, vị thế của doanh nghiệp cũng được cải thiện, năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác cũng được khách hàng đánh giá cao”, bà Hải cho hay.
Không chỉ LGG, đứng trước yêu cầu về tăng trưởng bền vững của các thị trường nhập khẩu, cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước đã tích cực, chủ động chuyển đổi xanh trong sản xuất. Tiêu biểu như, May 10, May Phong Phú, May Việt Tiến, May Đức Giang…
Với May 10, ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 – CTCP cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, May 10 đã triển khai nhiều hoạt động xanh hóa sản xuất như đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng ít điện năng; đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái; liên kết chuỗi sản xuất tại Việt Nam và nước ngoài để sử dụng nhiều nhất các sản phẩm tái chế, từ thiên nhiên…
“Xanh hóa sản xuất không còn là việc muốn hay không mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu bền vững. Ngay cả trong quá trình sản xuất, những nhiên liệu đầu vào đốt bằng than cũng đang được chuyển đổi sang nhiên liệu đốt bằng điện sinh khối nhằm bảo đảm lượng khí thải carbon ít nhất. Dự kiến, trong năm 2024, nếu toàn bộ dự án của May 10 đi vào hoạt động sẽ giúp giảm phát thải hơn 20.000 tấn carbon ra môi trường”, ông Việt nhấn mạnh.
Vượt khó cho mục tiêu dài hơi
Dù đã chủ động chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều thách thức trong công tác này, ngay cả với doanh nghiệp có quy mô lớn.
Bà Hải nhận diện, khó khăn đầu tiên với doanh nghiệp là nguồn vốn. Vốn đầu tư cho các hạng mục phát triển xanh đòi hỏi rất nhiều, ví dụ như hệ thống năng lượng mặt trời, hoặc hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế đều cần nguồn vốn rất lớn.
Khó khăn thứ 2 là trình độ kỹ thuật cũng như năng lực công nghệ của người lao động còn hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, điện gió.
Khó khăn thứ 3 là hướng dẫn và bước đi cụ thể của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp, để doanh nghiệp có những lộ trình rõ ràng trong thực hiện mục tiêu xanh.
Ở góc độ đơn vị tư vấn, ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam – chỉ ra, công cuộc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp dệt may cũng có rất nhiều thách thức. Trong đó, các đơn vị chức năng đã xây dựng chính sách trong lĩnh vực này nhưng các hướng dẫn, tiêu chuẩn cụ thể hiện chưa có vì vậy doanh nghiệp lúng túng trong thực hiện.
Bên cạnh đó, các định chế tài chính, ngân hàng cho vay nguồn vốn xanh nhưng phần lớn các doanh nghiệp dệt may trong chuỗi giá trị có quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn trong xây dựng hồ sơ tài chính để tiếp cận với nguồn vốn này.
Để giúp doanh nghiệp dệt may trong nước khắc phục những khó khăn trên, tiến nhanh trên con đường chuyển đổi xanh, ông Thịnh, đề xuất, về chính sách, đã có Luật Bảo vệ môi trường đi kèm Nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện nhưng chưa có những tiêu chuẩn cụ thể, như tiêu chuẩn xanh cho ngành dệt may, hay còn thiếu tài liệu hướng dẫn để doanh nghiệp có thể thực hiện được lộ trình. Bên cạnh đó, cần có những khuyến khích về các cơ chế tài chính, chẳng hạn như ưu đãi về vốn, thuế, về tiếp cận khoa học công nghệ cho doanh nghiệp thực hiện xanh.
Cần có sự hỗ trợ, đặc biệt là từ hiệp hội ngành hàng để có thể xây dựng được đội ngũ nhân lực cho quá trình chuyển đổi xanh.
Về phía doanh nghiệp, cần thiết phải chuẩn bị một lộ trình tiến tới chuyển đổi xanh. Lộ trình này ngoài việc phù hợp với khả năng, còn cần thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong quá trình thực hiện từ lãnh đạo đến nhân viên.
Nguồn: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-det-may-chu-dong-chuyen-doi-xanh-355683.html