BẮC GIANG – Sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Lục Nam được công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2023. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu đến năm 2024 địa phương được công nhận huyện NTM, mục tiêu đặt ra khá cao nhưng đã đạt được trước một năm. Vậy kết quả cụ thể ra sao, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung: Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn song Lục Nam mạnh dạn đề ra mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM. Mặc dù xuất phát điểm khi triển khai chương trình xây dựng NTM thấp so với mặt bằng chung các huyện trong toàn tỉnh nhưng bằng sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, sáng tạo trong cách làm, linh hoạt trong tổ chức thực hiện và đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành của tỉnh, đến nay, sau 13 năm triển khai thực hiện, huyện đã hoàn thành nhiều mục tiêu.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Bí thư Huyện ủy thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. |
Cụ thể như: 23/23 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 4 xã đặc biệt khó khăn đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM), 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 thôn NTM kiểu mẫu, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2023, trước một năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Chất lượng các tiêu chí đạt cao, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, 100% đường huyện, đường trục xã, hơn 93% đường trục thôn; hơn 81% đường ngõ xóm được cứng hóa, bảo đảm kết nối giao thông đồng bộ từ xã, huyện đến các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn như quốc lộ 31, 37, tỉnh lộ 293, 295; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 52,1 triệu đồng/người (tăng 37,1 triệu đồng so với năm 2011)… Lục Nam từ một huyện miền núi, khó khăn đã từng bước trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.
Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xin đồng chí cho biết vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy cũng như trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu?
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp ủy, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện, động viên tinh thần để người dân phát huy vai trò chủ thể xây dựng NTM. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương đề ra mục tiêu huyện đạt NTM vào năm 2024.
Cầu qua sông Lục Nam nối đường tỉnh 293 với một số xã trong huyện. Ảnh: Hạnh Nguyên. |
Với quyết tâm chính trị cao nhất, sự đồng tình ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, năm 2022, Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/HU về việc lãnh đạo, chỉ đạo huyện Lục Nam đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2023; đến nay, mục tiêu này đã hoàn thành. Kết quả là minh chứng khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; sự đoàn kết thống nhất trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự đồng lòng, chung sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành của tỉnh.
Ngay từ giai đoạn đầu triển khai, huyện Lục Nam đã chủ động, kịp thời ban hành hệ thống các văn bản, xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập và phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối huyện; chỉ đạo thành lập ban quản lý xây dựng NTM cấp xã, ban phát triển thôn, ban giám sát cộng đồng. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện đã tập trung nhiều giải pháp, từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực đến vận động thực hiện xây dựng NTM, đô thị văn minh, tập trung vào đợt cao điểm 65 ngày nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập huyện và duy trì hằng năm.
Quá trình triển khai luôn phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong tất cả lĩnh vực, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu đi đầu thực hiện, trước tiên là công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân cũng như người thân trong gia đình hiểu rõ nội dung ý nghĩa, chủ trương xây dựng NTM để từ đó tin tưởng, chủ động tham gia.
Từ thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM, Lục Nam đã rút ra bài học kinh nghiệm gì để chia sẻ với các địa phương khác, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung: Từ thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM trên địa bàn huyện Lục Nam, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đúc kết rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể như:
Một là: Căn cứ tình hình thực tiễn địa phương cần xác định, nhận diện chính xác được nguồn lực, khả năng và mục tiêu cần đạt được để từ đó có lộ trình cho từng giai đoạn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Quá trình thực hiện phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân.
Hai là: Phát huy được tinh thần đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Tất cả vì một mục tiêu chung, quyết tâm hoàn thành xây dựng huyện NTM để về đích năm 2023.
Ba là: Chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, những vấn đề khó khăn, thuận lợi thực tiễn của địa phương, đơn vị đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện phải được các cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra tập thể bàn, cho ý kiến giải quyết với phương châm “Chỉ tìm cách, không tìm lý do”, “Không bàn lùi” những việc khó, vượt thẩm quyền cần tranh thủ, xin ý kiến cấp trên kịp thời để tháo gỡ. Đặc biệt, phải công khai minh bạch rõ các nguồn vốn để nhân dân được biết và chủ động tham gia đóng góp.
Bốn là: Phát huy tốt vai trò chủ thể, hạt nhân trong công tác xây dựng NTM, đó là nhân dân, đối tượng hưởng lợi chính là người dân, cộng đồng dân cư, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, chỉ đạo và có cơ chế hỗ trợ một phần. Mặt khác, khuyến khích, huy động tối đa sự hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân, con em quê hương ở trong nước, ngoài nước để tạo nguồn lực xây dựng NTM.
Năm là: Chỉ đạo triển khai thực hiện các phong trào thi đua trên diện rộng. Khi kết thúc các phong trào, các cuộc vận động, chỉ đạo thực hiện sơ kết, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Cùng đó tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến để tạo sức lan tỏa.
Sau khi được công nhận đạt chuẩn huyện NTM, thời gian tới, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Nam có định hướng như thế nào về lộ trình tiếp tục xây dựng huyện NTM nâng cao?
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, thời gian tiếp theo, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tiếp tục cụ thể hóa những chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh thành các nhiệm vụ cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Thường xuyên củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện, cấp xã; ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho các chỉ tiêu về trường học, nước sạch, y tế, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính; chỉnh trang, hoàn thiện trụ sở Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn, quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, mục tiêu hướng tới là xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Ông Lưu Đình Tiến, thôn Đồng Mạ, xã Vô Tranh (người có uy tín vùng đồng bào DTTS) Diện mạo làng quê ngày càng đẹp hơn Gắn bó với quê hương đã gần 80 năm, điều tôi cảm nhận thấy rõ nét nhất là diện mạo làng quê ngày càng khang trang, giàu đẹp hơn. Thôn Đồng Mạ, nơi tôi sinh ra và lớn lên có hơn 240 hộ, với 7 dân tộc anh em sinh sống. Từ khi bắt tay xây dựng NTM đến nay, diện mạo của thôn thay da đổi thịt. Từ cơ sở hạ tầng đến các thiết chế văn hóa, thể thao đều được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đường làng ngõ xóm, cảnh quan môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp. Với vai trò là người có uy tín vùng đồng bào DTTS, tôi luôn tuyên truyền tới bà con về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM để mọi người trong thôn cùng hưởng ứng tham gia. Đơn cử như thực hiện làm đường giao thông liên thôn, năm vừa qua, tôi cùng Ban quản lý thôn đã vận động 40 hộ hiến đất và góp hơn 300 triệu đồng để mở rộng đường. Hiện 100% đường liên thôn đã được bê tông hóa và có đường điện thắp sáng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Về phát triển kinh tế, người dân trong thôn duy trì trồng rừng và trồng các loại cây ăn quả như: Vải thiều, bưởi, táo… đem lại nguồn thu nhập ổn định. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ khá giàu tăng lên. Thôn tổ chức hai câu lạc bộ hát Then, thường xuyên giao lưu văn nghệ với các xã, huyện lân cận, từ đó thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc, động viên nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và cùng chung tay xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Văn Ngà, thôn Trung An, xã Lan Mẫu Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, tôi nhận thấy, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Bởi vậy, khi cần sự chung tay, ủng hộ trong xây dựng cơ sở hạ tầng hay các thiết chế văn hóa, chúng tôi đều vui vẻ đồng thuận. Đối với người dân, đất đai là tài sản vô cùng quý giá. Tuy nhiên, khi dự án cải tạo, nâng cấp đường trục xã Lan Mẫu giai đoạn 1 được triển khai với chiều dài hơn 3,1 km, gia đình tôi không đắn đo, đã tự nguyện phá dỡ tường vành lao, chặt nhiều cây ăn quả để hiến gần 300 m2 đất thổ cư. Ngoài ra, với trách nhiệm là người từng có nhiều năm làm trưởng thôn, tôi còn tích cực tuyên truyền, vận động anh em và người dân trong thôn cùng hiến đất. Nhờ vậy, đã có thêm 93 hộ khác cùng đồng thuận hiến gần 2.800 m2 đất mở rộng đường. Lục Nam là địa phương đi lên từ sản xuất nông nghiệp, đến nay được công nhận là huyện NTM. Người dân trong huyện rất phấn khởi, tự hào. Nếu không xây dựng NTM, thôn tôi sẽ không có diện mạo khang trang, sạch đẹp như ngày hôm nay. Nhà nước hỗ trợ kinh phí, bà con cùng góp công, góp sức làm công trình, rồi cũng chính người dân được hưởng lợi. Người dân chúng tôi mong muốn, thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền các cấp trong duy trì và nâng cao tiêu chí trong xây dựng NTM như: Quan tâm hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất; giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa ở cơ sở… để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu văn hóa, thể thao của người dân. Tuệ An |
Vân Anh (thực hiện)
tin tức bắc giang, bắc giang, Lục Nam, huyện miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới ,Đoàn kết, sáng tạo, đưa huyện, về đích, nông thôn mới, trước một năm