(BẮC GIANG) – Chiều 9/11, tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, An Giang, Gia Lai) thảo luận về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang làm Tổ trưởng.
Cùng dự thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (đại biểu Đoàn Bắc Giang); Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước (đại biểu Đoàn An Giang).
Đồng chí Dương Văn Thái, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chủ trì thảo luận tại tổ. Ảnh Doãn Tấn |
Các ý kiến thảo luận đều bày tỏ nhất trí với việc phải sửa đổi Luật Tổ chức TAND. Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng nhiều nội dung sửa đổi cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn, làm rõ các căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.
“Người dân có quyền biết cặn kẽ vì sao họ thua kiện”
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 8 chương, 154 điều với nhiều điểm mới song vẫn bảo đảm phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các nghị quyết, văn kiện của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND liên quan đến nhiều quy định của các luật khác nhau.
Để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật, các đại biểu đề nghị TAND Tối cao tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp như: Các luật tố tụng, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự… và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Mở đầu phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã giải thích rõ thêm về nhiệm vụ: “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử”. Theo đó, giải thích pháp luật và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử là hai câu chuyện khác nhau. Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử là việc chúng ta làm từ xưa tới nay. Thậm chí điều tra viên, kiểm sát viên có ý kiến khác nhau, tòa án tuyên bản án căn cứ vào điều luật nào thì bản án phải giải thích vì sao áp dụng điều này mà không phải áp dụng điều kia. Người dân có quyền biết cặn kẽ vì sao họ thua kiện hoặc vì sao bị cáo phải đi tù 5 năm mà không phải 10 năm. Giải thích của tòa chỉ trong xét xử và phù hợp với tình huống pháp lý cụ thể của vụ án. Quy định rõ điều này không phải là tăng quyền mà là tăng trách nhiệm của thẩm phán. Nhiệm vụ này không thay thế được nhiệm vụ “giải thích pháp luật” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng không thay thế được Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Theo đồng chí Nguyễn Hòa Bình, nếu cắt đi mấy từ thì sẽ gây nhầm lẫn với trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nội dung đáng lưu ý thứ hai liên quan đến thu thập chứng cứ. Để bảo đảm tính công tâm, khách quan, không có nước nào trên thế giới giao cho tòa án thu thập chứng cứ. Do vậy, dự thảo chỉ quy định với người yếu thế, tòa án hỗ trợ cho việc thu thập chứng cứ.
Lý giải về việc bỏ quy định tòa án khởi tố tại tòa, đồng chí Chánh án TAND Tối cao nói: “Chúng ta lựa chọn mô hình tố tụng suy đoán vô tội, nếu chứng cứ không đủ chứng minh thì tòa trả, yêu cầu điều tra bổ sung một lần, sau đó nếu vẫn không chứng minh được thì tuyên vô tội. Việc khởi tố tại tòa không phải lựa chọn suy đoán vô tội mà là truy tố đến cùng”.
Về ý kiến băn khoăn xung quanh quy định tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, đồng chí Nguyễn Hoà Bình khẳng định: “Tổ chức theo thẩm quyền xét xử phản ánh đúng bản chất tố tụng, phù hợp với thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập và phù hợp với tổ chức tòa án quốc tế. Nguyên tắc tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia chứ không phải quyền tài phán của tỉnh, huyện”.
Theo Chánh án, dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế rất nhiều, tổng kết thực tiễn, tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn. “Mong muốn của chúng tôi là nâng tầm nền tư pháp nước nhà ngang tầm với trình độ quốc tế. Không có thì chúng ta cứ bó tay nhau, trong ngành muốn đổi mới nhưng lại bị kiềm chế, điều đó không nên”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Xem xét việc quy định thu thập chứng cứ của Tòa án
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), nhiều ĐBQH đồng tình về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với các lý do nêu trong Tờ trình của TAND Tối cao.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) phát biểu thảo luận. Ảnh Doãn Tấn. |
Theo đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang), việc điều chỉnh quyền hạn và thu thập chứng cứ của tòa án là phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm tính khách quan trong công tác xét xử. Song cần sửa đổi, bổ sung các luật liên quan trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ của các đương sự.
Tuy nhiên, ở góc độ thực tiễn địa phương, đại biểu Phan Huỳnh Sơn và đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) cho rằng: Hiện nay, trình độ dân trí, nhận thức pháp luật của nhiều người dân chưa cao nên một bộ phận không có đủ trình độ, năng lực thu thập chứng cứ cho tòa án. Nếu tòa án không tham gia thu thập chứng cứ sẽ không xác định được đúng người, đúng tội, nhất là liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hành chính, lao động,… Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc một số loại án cụ thể cần có sự can thiệp của tòa án trong việc thu thập chứng cứ mới bảo đảm công tâm, khách quan.
Kết thúc phiên thảo luận, đồng chí Dương Văn Thái yêu cầu tổ thư ký tổng hợp đầy đủ các nội dung đại biểu Quốc hội nêu gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo quy định.
Tiến Hòa
Thảo luận về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đoàn Bắc Giang, An Giang, đồng chí Dương Văn Thái, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV