BẮC GIANG – Huyện Hiệp Hòa là vùng đất chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa, bao gồm hệ thống di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Với 129 di tích được xếp hạng, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt cùng rất nhiều nét văn hóa đặc trưng, vùng quê cách mạng đang có những tiềm năng lớn để phát triển du lịch.
Chú trọng tu bổ, tôn tạo di tích
Huyện Hiệp Hòa hiện có nhiều di tích các loại, thể hiện dấu ấn về thời gian, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, sự sáng tạo của con người nơi đây. Nổi bật là hệ thống di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu II; quần thể di tích lịch sử – văn hóa – danh thắng Y Sơn, xã Hòa Sơn; hệ thống 24 lăng đá cổ phân bố rải rác trên địa bàn huyện; đình Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ; di tích lưu niệm Bác Hồ tại thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm…
Cán bộ, đảng viên, học sinh trong huyện nghe giới thiệu về di tích Nội Đống Mú – nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hiệp Hòa. |
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện cho biết: “Xác định hệ thống di tích này là yếu tố quan trọng tạo ra những tiềm năng lớn để phát triển du lịch, thời gian qua, huyện triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm “đánh thức” tiềm năng. Trong đó, ưu tiên các nguồn lực tu bổ, tôn tạo, nâng cấp di tích được đặt lên hàng đầu”.
Từ nguồn vốn hỗ trợ mục tiêu ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh, cuối năm 2023, huyện hoàn thành dự án trùng tu, tôn tạo di tích đền Y Sơn, xã Hòa Sơn. Với tổng kinh phí hơn 22,8 tỷ đồng, nhiều hạng mục của đền như: Tòa Tiền tế, Đại bái, Hậu điện, Tả – Hữu hành lang, cổng đền, nghi môn ngoại, nghi môn nội… được tu bổ, xây dựng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của đông đảo nhân dân và khách thập phương. Trước đó, năm 2022, đình Xuân Biều, xã Xuân Cẩm – nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp cơ sở đầu tiên trong cả nước, được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 11,1 tỷ đồng.
Theo Phòng Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện, giai đoạn năm 2018 – 2023, toàn huyện có 38 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí gần 111 tỷ đồng. Nhiều di tích sau tôn tạo, nâng cấp đã phát huy hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu thụ hưởng tín ngưỡng, văn hóa của nhân dân và phục vụ phát triển du lịch của huyện như: Đình Xuân Biều, di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên ở xã Xuân Cẩm; chùa Y Sơn; đền Soi, nhà cụ Nguyễn Văn Chế, nhà bia di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu II ở xã Hoàng Vân; lăng họ Ngọ, xã Thái Sơn…
Tăng cường quảng bá, xây dựng tour, tuyến du lịch
Bên cạnh việc dành nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích, tạo điểm nhấn văn hóa tâm linh và giáo dục truyền thống, huyện cũng đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư vào các điểm tham quan du lịch trên địa bàn. Theo đó, hình ảnh con người, vùng quê An toàn khu II, những di tích độc đáo và những di sản văn hóa phi vật thể, nét văn hóa đặc trưng cùng các sản phẩm tiêu biểu của huyện thường xuyên được quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Nhờ vậy, các điểm di tích hay sản vật đặc trưng vùng miền ngày càng được nhiều người biết đến.
Nhằm tạo ấn tượng với du khách thập phương, nhiều năm nay huyện còn duy trì tổ chức ngày hội về Hiệp Hòa thăm An toàn khu II, trẩy hội bánh chưng Vân nhân dịp Tết Nguyên đán để lồng ghép giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và tuyên truyền các giá trị di tích lịch sử văn hóa nói chung và di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu II nói riêng.
Không chỉ vậy, trong năm 2023, huyện chỉ đạo tổ chức thành công hội thi tuyên truyền, giới thiệu du lịch Hiệp Hòa nhằm đánh giá sự am hiểu, kỹ năng thuyết minh, chụp ảnh, quay dựng video, ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, đảng viên, học sinh, nhân dân về các giá trị văn hóa, phục vụ phát triển du lịch của huyện. Cùng đó, tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng (Logo) và sáng tác các ca khúc về Hiệp Hòa, qua đây giới thiệu, quảng bá và lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử, cách mạng và công cuộc đổi mới của huyện đối với bạn bè trong nước, quốc tế…
Đặc biệt, để du lịch thực sự phát triển, giữa năm 2023, huyện ban hành Đề án phát triển các tour du lịch trên địa bàn Hiệp Hòa giai đoạn 2023-2030. Theo đó, ngoài các tour nội huyện gắn liền với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, xây dựng nông thôn mới, huyện cũng chủ trương phát triển các tour, tuyến du lịch liên kết nội – ngoại huyện, trọng tâm là các huyện, thị xã, TP trong tỉnh và một số địa phương ngoài tỉnh như: Phú Bình (Thái Nguyên); Sóc Sơn (Hà Nội), Yên Phong (Bắc Ninh). Các tour du lịch xây dựng phù hợp với tiềm năng của huyện, nhu cầu của khách tham quan; tạo cơ hội để du khách tiếp xúc, tìm hiểu về đặc trưng lịch sử, văn hóa, truyền thống, danh thắng… của huyện, mang lại những trải nghiệm ý nghĩa.
Được biết, năm 2023, toàn huyện đón hơn 10 nghìn lượt khách (khách nội địa đăng ký với huyện), tăng 5 nghìn lượt so với năm 2022. Ngoài ra, hàng chục nghìn khách liên hệ với các xã, thị trấn đến các điểm tham quan. Lượng khách đến huyện tập trung cao vào kỳ nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần và dịp đầu xuân năm mới. Doanh thu từ các hoạt động du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch năm 2023 ước đạt gần 20 tỷ đồng (năm 2022 đạt 13 tỷ đồng). Những con số trên cho thấy, bức tranh du lịch huyện Hiệp Hòa đang có dấu hiệu khởi sắc, tạo tiền đề để những tiềm năng được đánh thức, đưa du lịch của huyện thực sự phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Quốc Trường
Vân Cầu – Địa chỉ đỏ cách mạng
BẮC GIANG – Thôn Vân Cầu xưa, nay là thôn Giếng, xã Song Vân (Tân Yên) là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ I (tháng 6/1948). Tự hào về truyền thống lịch sử, ngày nay, người dân nơi đây luôn đoàn kết, xây dựng làng quê thêm giàu đẹp.
Hiệp Hoà: Nông thôn mới sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn
BẮC GIANG – Với sự hưởng ứng tích cực của người dân, phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Kết quả từ phong trào góp phần giúp nhiều địa phương xây dựng nông thôn văn minh, khang trang.
Hiệp Hoà – Địa phương đi đầu trong cả nước
BẮC GIANG – Trong cao trào cách mạng của cả nước tiến tới Tổng Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Bắc Giang vinh dự có huyện Hiệp Hoà là địa phương đi đầu cả nước, đã sớm lật đổ ách đô hộ của thực dân phong kiến và phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân.
Hiệp Hoà: Giải quyết nhiều việc khó từ tiếp xúc, đối thoại
(BGĐT) – Tiếp xúc, đối thoại là hoạt động quan trọng nhằm tạo cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Thời gian qua, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) thường xuyên chú trọng hoạt động này, thông qua đó giải quyết được nhiều việc khó, vấn đề nổi cộm ở cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội.
tin tức bắc giang, bắc giang, Hiệp Hoà, Địa chỉ đỏ, hành trình về nguồn, Huyện Hiệp Hòa, nét văn hóa đặc trưng, vùng quê cách mạng, phát triển du lịch, trầm tích văn hóa, lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật