(BGĐT) – Sáng 31/7, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh.
Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu UBND các huyện, TP và UBND các xã, thị trấn.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại hội nghị. |
Mở đầu hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm. Theo đó, năm 2023, tổng kế hoạch vốn ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh thực hiện các chương trình MTQG của tỉnh là hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư hơn 958 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. Ở cấp tỉnh, đến nay đã phân bổ chi tiết 5 đợt và đạt 90,9% kế hoạch.
Về kết quả giải ngân vốn năm 2023, tổng giá trị giải ngân từ đầu năm đến ngày 15/7 đạt 13,5% kế hoạch, cụ thể: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân đạt 0,5%; Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 18,5%; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt 17% kế hoạch. Có 7 huyện giải ngân cao hơn mức trung bình của tỉnh là: Việt Yên, TP Bắc Giang, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên. Giá trị giải ngân vốn năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 đạt 27,7%.
Tuy nhiên, đến nay còn dự án, nội dung chưa hoàn thành thủ tục, điều kiện phân bổ vốn. Nguyên nhân là do các cơ quan chủ trì chương trình, đơn vị được dự kiến phân bổ vốn chưa tích cực tham mưu thực hiện. Đặc biệt, tiến độ giao vốn đối với các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của các huyện, TP rất chậm, nguy cơ không hoàn thành kế hoạch.
Một số địa phương chưa hiểu đúng, hiểu đủ về quy định trong các văn bản hướng dẫn của T.Ư và các văn bản của tỉnh dẫn đến chậm triển khai. Còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm, chưa quyết liệt trong việc triển khai các dự án, nội dung. Năng lực của đội ngũ cán bộ ở cơ sở có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Đồng chí Mai Sơn kết luận hội nghị. |
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND một số huyện, TP và UBND xã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình và đề nghị các cấp, ngành có giải pháp tháo gỡ như: Hệ thống văn bản hướng dẫn của T.Ư còn nhiều điểm chưa rõ; dự án trồng, chế biến cây dược liệu tại Sơn Động khó khăn trong khâu tìm diện tích đất, mô hình sản xuất một số cây trồng, vật nuôi chưa có định mức kinh tế kỹ thuật nên khó phê duyệt dự án hỗ trợ; vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại Lục Ngạn; một dự án tại TP Bắc Giang khi triển khai không có đối tượng đăng ký tham gia; có nơi khó hoàn thành tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu do quy định phải không còn hộ nghèo…
Đại diện lãnh đạo một số sở, ban, cơ quan liên quan đã trả lời làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được nêu tại hội nghị. Đối với những vướng mắc, thời gian tới, các sở, ngành sẽ xây dựng hướng dẫn cụ thể để các địa phương áp dụng thực hiện.
Kết luận hội nghị, đồng chí Mai Sơn biểu dương một số ngành thành viên Ban Chỉ đạo, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác triển khai thực hiện các chương trình MTQG.
Đồng chí quán triệt, các chương trình MTQG cơ bản tập trung ở vùng khó khăn, đối tượng hưởng lợi là người dân khó khăn nên các ngành, địa phương cần thực hiện khẩn trương, nâng cao trách nhiệm để bảo đảm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện dự án. Hơn nữa trong bối cảnh thu ngân sách nhiều địa phương đạt thấp thì đây là nguồn lực có ý nghĩa rất quan trọng, cần tập trung cao để thực hiện đạt kế hoạch đề ra.
Đồng chí Mai Sơn đề nghị các ngành, chính quyền các cấp và người dân tích cực vào cuộc; quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành; các địa phương chủ động trao đổi và đề nghị ngành chức năng hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Linh hoạt hơn trong xử lý các vấn đề để vừa bảo đảm đúng với quy định của pháp luật, vừa tạo thuận lợi nhằm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch. Hằng tháng, UBND tỉnh sẽ kiểm điểm tiến độ thực hiện các nội dung, trong đó gắn với trách nhiệm người đứng đầu sở, ngành, cơ quan và chính quyền địa phương trong triển khai các nhiệm vụ.
Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng
Tháo gỡ khó khăn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 625/VPCP-QHĐP (ngày 3/2/2023) truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.